Giáo dục trên đường tìm lại ý nghĩa đích thực 

PHẠM THỊ LY 01/01/2018 20:01 GMT+7

TTCT - Những cuộc tranh luận bất tận về giáo dục trong năm 2017 và những xu hướng quan trọng năm 2018 mà giáo dục Việt Nam cần thấy.

Mh

Mô hình trường học mới, gọi tắt là VNEN, một dự án thí điểm đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy bậc tiểu học thực hiện từ năm 2012 bằng kinh phí viện trợ quốc tế, đến năm 2015 đã mở rộng đến 4.177 trường, tức khoảng 30% tổng số trường trên toàn quốc.

Nhưng có lẽ chưa một dự án nào lại thu hút nhiều ý kiến đánh giá trái ngược, đầy gay gắt của cả giới chuyên gia, giới quản lý, giáo viên và cha mẹ học sinh, ở nhiều địa phương đến thế.

Những tranh luận căng thẳng về VNEN diễn ra trong bối cảnh của việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông.

Trải qua nhiều vòng dự thảo và lấy ý kiến công luận, ngày 28-7-2017, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (CTPTTT) chính thức được thông qua, nhưng cuối cùng lại lùi thời điểm áp dụng từ năm 2019-2020, chậm 2 năm. Dự thảo CTPTTT, dẫu nhận được nhiều góp ý xây dựng tích cực, cũng hứng chịu vô số ý kiến phê phán.

Những kỳ vọng lớn không được đáp ứng

Cả hai cuộc tranh luận này đều cho thấy đổi mới giáo dục sẽ rất khó thành công nếu nó được áp đặt từ bên ngoài và không được chuẩn bị nền tảng kỹ càng. Nó gắn chặt với vấn đề giáo viên, mà chất lượng giáo viên, vốn là nút thắt của giáo dục phổ thông, một vấn đề không thể giải quyết chỉ bằng vài khóa bồi dưỡng nghiệp vụ.

Những phê phán có phần bức xúc quá đà của công chúng đối với VNEN và việc cải cách giáo dục phổ thông có thể chỉ là phần nổi của tảng băng, phản ánh những kỳ vọng ngày càng cao và không được đáp ứng đối với giáo dục.

Đó là chưa kể nạn lạm thu ở trường công, bạo lực học đường giữa học sinh với nhau, và bạo hành trẻ mầm non - những hiện tượng nổi lên trong năm qua - thành những giọt nước tràn ly thêm vào sự thất vọng của công chúng trước sự bất lực của giáo dục trong việc giải quyết những vấn nạn này.

Tuy vậy, có một hiện tượng mới và đáng lưu ý là sự đáp ứng của giới quản lý trước những bức xúc của công luận.

Tuy mạng xã hội đang là con dao hai lưỡi, nhưng trong nhiều trường hợp, nhiều vụ việc được phản ánh đã được xử lý, can thiệp nhanh chóng. Dù sự can thiệp của giới quản lý mới ở mức độ giải quyết từng việc, nhưng hiện tượng này đã phản ánh mức độ ảnh hưởng của mạng xã hội và sự tham gia ngày càng tăng của người dân vào những vấn đề chung của cộng đồng.

Nó cho thấy mạng xã hội đang trao quyền cho người dân nhiều hơn và đó là tiền đề để chúng ta hi vọng giới quản lý sẽ đáp ứng với nó bằng một tầm nhìn chiến lược và những chính sách có ý nghĩa căn bản hơn.

Điều này cũng làm nổi bật nhu cầu về truyền thông chính sách: những thay đổi ở tầm cỡ như VNEN hay CTPTTT sẽ không thể thành công nếu các nhà quản lý không chú trọng việc thuyết phục công chúng và tìm kiếm sự đồng thuận ở giáo viên và nhất là phụ huynh.

Một điểm đáng chú ý khác là nhận thức ngày càng được nâng cao của giới phụ huynh. Mạng xã hội cho chúng ta một công cụ quan sát khá hiệu quả về quan điểm và nhận thức của một bộ phận công chúng. Ngày càng phổ biến những kênh thông tin chia sẻ kinh nghiệm giáo dục gia đình và những chiến lược chọn trường hay phối hợp với nhà trường.

Ngày càng nhiều phụ huynh lên tiếng về những bất cập trong giáo dục, đặt ra một áp lực to lớn cho các trường, và một lần nữa, đòi hỏi các trường đáp ứng với những nỗ lực truyền thông phù hợp.

Trường tư tiếp tục phát triển mạnh, đặc biệt là ở cấp trung học phổ thông và phân khúc trường quốc tế (Việt Nam có 96 trường quốc tế, đứng thứ tư trong ASEAN).

Điều này cho thấy nhu cầu về giáo dục chất lượng cao đang mở rộng cùng với việc hình thành tầng lớp trung lưu và thu nhập cao trong xã hội.

Nhưng nó cũng cho thấy khoảng cách bất công trong tiếp cận giáo dục có chất lượng đang giãn rộng: tỉ lệ người dân chưa từng đi học trong dân số từ 15 tuổi trở lên toàn quốc là 5,3%, trong đó vùng trung du và miền núi phía Bắc là 11,1%, Tây Nguyên 10%, và đồng bằng sông Cửu Long 7,3%. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn chưa có những chính sách phù hợp để giải quyết điều này.

Những xoay xở “chữa cháy” và đổi mới

Điểm đầu vào ngành sư phạm tuột dốc, cử nhân sư phạm thất nghiệp, giáo viên mất việc, tình trạng “chạy” việc tiếp diễn. Những đường nét ấy khiến bức tranh đào tạo sư phạm trong năm qua trở nên u ám hơn, và với tình trạng đó thật khó mà hi vọng vào chất lượng của cải cách giáo dục.

Thực tế này đòi hỏi một cuộc cải cách sâu rộng trong ngành sư phạm, không chỉ là quy hoạch và tái cấu trúc, mà còn là thay đổi mô hình, phương thức và triết lý đào tạo, nhằm cải thiện chất lượng người thầy.

Vấn đề người thầy còn đòi hỏi những cải cách sâu rộng hơn về chính sách tuyển dụng, đãi ngộ và môi trường làm việc. Tuy vấn đề này đã được xới lên sôi nổi trong năm qua, nhưng các nhà quản lý vẫn chưa đưa ra một giải pháp toàn diện nào khả dĩ cải thiện được thực tế ấy, ngoài giải pháp “chữa cháy” tạm thời là giảm chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm.

Tự chủ, tài chính và sửa đổi bổ sung Luật giáo dục ĐH là chủ đề được thảo luận sôi động nhất trên mọi tờ báo và diễn đàn giáo dục, của giới quản lý và nghiên cứu. Tự chủ là vấn đề đã được đề cập từ lâu, nhưng vẫn tiếp tục là tâm điểm của các cuộc thảo luận bởi vẫn chưa có cách xử lý nào thực sự hiệu quả như mong đợi, dù đến nay đã có 23 trường công được thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện.

Dự thảo sửa đổi cho thấy ban soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến các chuyên gia nêu ra trước đây, đặc biệt là nhấn mạnh trách nhiệm giải trình phải đi cùng với việc mở rộng tự chủ. Mức độ can thiệp vào quản trị nội bộ của cấp trường cũng giảm đi.

Tuy vậy, hội đồng trường như một thiết chế quan trọng nắm giữ trách nhiệm giải trình của hiệu trưởng vẫn là một điểm gây nhiều hoài nghi về tính thực chất và hiệu quả của nó.

Quan hệ giữa hội đồng trường và tổ chức Đảng ủy, trách nhiệm, quyền lợi, và năng lực của thành viên hội đồng trường vẫn là những vấn đề còn bỏ ngỏ.

Tài chính ĐH là một vấn đề khó và tầm quan trọng của nó thì ai cũng công nhận. Cũng như các trường ĐH công lập ở khắp nơi trên thế giới, xu hướng giảm mạnh sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp kinh phí của nhà nước cũng đang tiếp tục diễn ra ở Việt Nam.

Vấn đề là các trường ĐH trên thế giới đang đa dạng hóa nguồn thu từ việc đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, hợp đồng nghiên cứu và tư vấn với các doanh nghiệp; còn các trường ĐH Việt Nam thì vẫn chủ yếu dựa vào nguồn thu từ đào tạo. Thực tế này cần được thay đổi.

Trường ĐH tư và những xu hướng mới

Năm qua là một năm tương đối yên ả của các trường ĐH tư thục khi những vụ việc nảy sinh mâu thuẫn lớn như trường hợp các trường Hùng Vương, Hoa Sen đã tạm thời được giải quyết.

Những vụ tranh chấp này có mặt tích cực là cho thấy rõ những bất cập trong khuôn khổ chính sách hiện hành đối với ĐH tư, vì thế các nhà làm chính sách có thể nhận biết những gì cần phải cải thiện để phát huy tiềm năng đóng góp của khu vực này.

Nổi bật trong năm qua ở khu vực tư là dòng chảy nguồn vốn đầu tư tiếp tục tăng. Những thương vụ mua bán như trường hợp Tập đoàn Nguyễn Hoàng mua Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, HUTECH mua Trường UEF, hay gần đây nhất là trường hợp Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ (IAE) mua 75% cổ phần Trường ĐH Thành Tây, đều được tiếp nối bằng việc đổ nguồn vốn vào để nâng cấp cơ sở vật chất hoặc chương trình đào tạo hay nhân sự của trường.

Đóng góp của khu vực ngoài công lập không chỉ là tạo thêm nguồn cung làm giảm áp lực cho ngân sách, mà còn là sự đa dạng và năng động trong chương trình, cách tiếp cận giáo dục và mô hình hoạt động.

Đang có sự phân hóa diễn ra trong khu vực tư: một số trường hình thành trong các giai đoạn trước đây, không bắt kịp trình độ quản lý hiện đại và thiếu nguồn vốn đầu tư, giảm dần năng lực cạnh tranh và sẽ phải sáp nhập hay chuyển chủ sở hữu do không tuyển sinh được.

Một số trường vượt lên, mở rộng địa bàn (như trường hợp Trường ĐH FPT), mở rộng các loại hình dịch vụ đa dạng (như Trường ĐH Hồng Bàng hay Nguyễn Tất Thành), mở rộng quy mô và cải thiện chiến lược (như Trường ĐH HUTECH), hoặc tập trung cải thiện chất lượng và đội ngũ (như Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn).

“Bàn tay vô hình” của thị trường đang sắp xếp lại bức tranh khu vực tư trong giáo dục ĐH, với sự tham gia vào sân chơi của những tập đoàn đầy tham vọng như Tập đoàn giáo dục quốc tế Á Châu, Tập đoàn Nguyễn Hoàng hay Hùng Hậu, Tập đoàn Vingroup, Quỹ đầu tư Bản Việt... Những doanh nghiệp này mang lại một phong cách quản lý mới, những sản phẩm và dịch vụ giáo dục đa dạng, khiến diện mạo khu vực tư đã khác nhiều so với thời kỳ đầu.

Nhìn chung, xu hướng thị trường hóa đang ngày càng mạnh ở cả hai khu vực công và tư. Đó là một thực tế hai mặt cần có sự diễn giải và ứng xử thận trọng.

Khắp nơi trên thế giới, không ít người trong giới hàn lâm lên án việc thị trường hóa giáo dục vì những hệ quả tiêu cực mà nó tạo ra: khơi sâu khoảng cách bất bình đẳng về cơ hội học tập và xói mòn các chuẩn mực học thuật do chạy theo nhu cầu trước mắt của “khách hàng”. Vẫn có nhiều tiếng nói đòi hỏi coi giáo dục là trách nhiệm chủ yếu của nhà nước.

Tuy nhiên, thế giới ngày nay đang không ngừng biến đổi, nhu cầu của người dân cũng ngày càng đa dạng hơn. Có lẽ không nhiều người muốn trở lại cái thời chỉ có một số trường công với số chỗ ngồi hạn chế và chương trình đào tạo đơn điệu, nghèo nàn do nhà nước độc quyền cung cấp, còn theo đuổi bậc ĐH thì là đặc quyền của một bộ phận tinh hoa.

Mở rộng xã hội hóa giáo dục đã mang lại nhiều cơ hội hơn cho các bên về nhiều phương diện, và là xu thế tất yếu khi ngân sách không thể đáp ứng cho đại chúng hóa giáo dục ĐH, trong lúc giáo dục bậc cao ngày càng trở thành một khoản đầu tư cho tương lai của cá nhân.

Vì thế nhiều nước Đông Á đã lựa chọn tập trung ngân sách cho giáo dục phổ thông, còn giáo dục ĐH thì chủ yếu dựa vào khu vực tư. Dù vậy, nhà nước vẫn cần nắm giữ vai trò thiết kế hệ thống và chính sách nhằm bảo đảm một môi trường minh bạch và tự do cạnh tranh để bảo vệ lợi ích của người học cũng như của xã hội.

Tuy không gian để phát triển giáo dục ĐH ở Việt Nam vẫn rất lớn nếu nhìn vào tỉ lệ người được đào tạo và nhu cầu nhân lực kỹ năng cao, nhưng có một hiện tượng rất đáng chú ý trong năm qua là số người vào ĐH chững lại, nhiều trường phải chật vật đủ cách để tuyển sinh đạt chỉ tiêu.

Điều này phản ánh một thực tế là niềm tin của xã hội đối với tấm bằng ĐH và giá trị của việc theo đuổi bậc ĐH đang giảm sút. Nhìn rộng hơn trong cả hệ thống, số học sinh phổ thông cũng giảm trong lúc dân số vẫn tăng. Điều đó nói lên niềm tin của người dân đối với giá trị của giáo dục đã không đủ lớn và không tương ứng với khả năng chi trả của số đông.

Đó là một tiếng chuông báo động để các trường, cả phổ thông lẫn ĐH, tư duy lại về những giá trị mà mình mang đến cho người học.

Người Việt Nam đang chi trả cho giáo dục ở mức rất cao so với thu nhập của họ, nhưng kết quả nhận được dường như vẫn có khoảng cách khá xa so với kỳ vọng. Đã qua rồi cái thời tấm bằng ĐH là một bảo đảm cho công việc tốt và thu nhập ổn định cả đời.

Cả hai phía, người học và nhà trường, và nhất là nhà trường, cần định hình lại mục tiêu và ý nghĩa đích thực của giáo dục trong một thế giới đang thay đổi.■

Một chuyển động khác đáng lưu ý là sự năng động của các trường trong việc hướng tới những ngành học mới và cải thiện nội dung chương trình đào tạo nhằm hướng tới thị trường. Cùng với mở rộng tự chủ là quyền được mở ngành học mới và xây dựng chương trình đào tạo. Có trường chỉ trong vòng một năm sau khi được thí điểm tự chủ toàn diện đã mở ra 22 ngành học mới.

Tuy nhiên, thông tư 22/2017/TT-BGDĐT về điều kiện mở ngành đã siết chặt lại tình trạng trên với lý do nhiều trường mở ngành bất chấp điều kiện thực tế của trường và nhu cầu của thị trường lao động. Nói là tự chủ nhưng các trường cũng chỉ có thể mở những ngành trong danh mục mà bộ quy định, danh mục này gồm 262 ngành đào tạo năm 2010, nay là 367 ngành, tăng 40%.

Dù vậy, điểm tích cực là nó cho thấy các trường đang trở nên linh hoạt hơn, kể cả khi họ phải “núp bóng” những tên ngành nghe na ná để đào tạo những chuyên ngành mà xã hội thực sự cần, dù chuyên ngành đó có thể chưa được liệt kê trong danh mục mã ngành của bộ. Nhiều ngành trước đây chưa hề có, chẳng hạn truyền thông doanh nghiệp hay an toàn thông tin... Cách mạng công nghiệp 4.0 chắc chắn sẽ làm thay đổi cơ cấu ngành nghề và nảy sinh những nhu cầu mới chưa có trước đây, vì thế sự linh hoạt trong việc mở ngành và điều chỉnh nội dung đào tạo là đặc biệt cần thiết để tăng khả năng đáp ứng của các trường.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận