Muôn hình vạn trạng Nghiên cứu về sữa

YÊN LAM 12/10/2018 15:10 GMT+7

TTCT - Gần như tháng nào cũng có một nghiên cứu mới được công bố về sữa. Đôi khi chúng ta sẽ bắt gặp tình trạng nhóm nhà khoa học này chỉ ra lợi ích của sữa, tháng sau lại thấy các nhà nghiên cứu khác cảnh báo tác hại của thức uống này. Giữa rừng thông tin đó, chúng ta phải ứng xử ra sao?

Chọn sữa nào đây? Ảnh: Duyên Phan
Chọn sữa nào đây? Ảnh: Duyên Phan

 

Trong bối cảnh nhiều nghiên cứu gần đây cho rằng sữa bò, thức uống phổ biến của nhiều người, có thể gây hại cho sức khỏe trong khi các nghiên cứu khác lại nhấn mạnh lợi ích của nó, trang Healthline ngày 27-9 đã có bài viết tóm tắt cả hai mặt của vấn đề.

Nhưng trước khi tìm hiểu về sữa, cần biết vấn đề quan trọng nhất là không phải ai cũng dung nạp được sữa. Chất đường chính trong sữa là lactose và chất này cần một loại enzyme là lactase mới có thể hấp thụ vào máu. Trong giai đoạn sơ sinh, cơ thể người sản xuất rất nhiều lactase nên dễ dàng hấp thụ sữa mẹ.

Nhưng khi lớn lên, nhiều người sẽ không còn enzyme này nữa và không thể hấp thụ được lactose trong sữa, hay còn gọi là chứng bất dung nạp lactose (lactose intolerance). Những người này khi uống sẽ bị sôi bụng, đau bụng hay tiêu chảy.

Theo trang web của Thư viện Y khoa quốc gia Hoa Kỳ (NLM), khoảng 65% dân số toàn cầu bị suy giảm khả năng hấp thụ lactose sau giai đoạn sơ sinh. Tỉ lệ này có thể lên đến 90% với những người có gốc Á Đông. Chứng bất dung nạp lactose cũng phổ biến ở người gốc Tây Phi, Ả Rập... Ngược lại, tỉ lệ này rất thấp ở những người gốc Bắc Âu. Theo NLM, người bị bất dung nạp lactose vẫn có thể dùng một ít sữa trong khẩu phần hằng ngày.

Lợi và hại

Theo Healthline, sữa được xem là whole food (thực phẩm toàn phần), tức chưa qua chế biến hoặc chế biến ở dạng ít nhất có thể, vì thế không có phụ gia hay các chất nhân tạo trong thành phần. Sữa có 18 trên 22 dưỡng chất thiết yếu cho con người, có hàm lượng canxi, magiê, phôtpho, kẽm và protein nhiều hơn đa số các loại thực phẩm khác.

Sữa giúp cải thiện cân nặng, tốt cho xương, răng và cơ, tăng hàm lượng xương, giảm nguy cơ gãy xương ở trẻ em. Riêng với các bé gái trước 12 tuổi, uống sữa sẽ tốt cho xương hơn là dùng viên bổ sung canxi. Tuy nhiên, tác hại của sữa là có thể gây dị ứng và nếu nạp nhiều sữa quá sẽ dẫn đến ung thư tuyến tiền liệt. Đường trong sữa cũng có khả năng tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.

Tóm lại, theo Healthline, nhìn chung sữa với những dưỡng chất tự nhiên của sữa (tức không tính các “bổ sung chất dinh dưỡng A B C” của một số sản phẩm) rất cần thiết và quan trọng cho trẻ nhỏ để có sức khỏe tốt. Healthline khuyên nên dùng sữa organic để tránh các tác hại do hormone tăng trưởng.

Trong khi đó, trong bài viết kiểu “bách khoa toàn thư” về “sữa bò và trẻ em”, MedlinePlus, trang web cung cấp thông tin y tế thuộc NLM, cũng cho rằng trẻ 1-2 tuổi nên uống sữa nguyên chất vì cần cho sự phát triển não bộ, từ 2 tuổi trở đi có thể uống sữa ít béo hoặc sữa tách béo để tránh béo phì.

Câu chuyện nghiên cứu

Những nghiên cứu muôn hình vạn trạng như vậy đặt ra câu hỏi: chúng chính xác và khách quan đến đâu? Có hay không chuyện các hãng sữa, ngành công nghiệp sữa chi tiền cho các nhà khoa học nhằm thực hiện các nghiên cứu cho ra kết quả có lợi cho mình?

Tháng 12-2016, báo The Guardian (Anh) có bài viết “Trước khi đọc thêm một nghiên cứu khác về sức khỏe, hãy kiểm tra xem ai tài trợ công trình đó”, cảnh báo hiện tượng ngành thực phẩm chi tiền tài trợ cho các nghiên cứu dinh dưỡng để đổi lấy kết quả có lợi cho mình. Bài báo mở đầu bằng câu chuyện có bằng chứng cho thấy ngành đường đã trả tiền cho các nhà khoa học vào thập niên 1960 để công bố các công trình ngụ ý rằng chất béo bão hòa, chứ không phải đường, mới là nguyên nhân gây bệnh tim.

“Phát hiện này có vẻ đáng kinh ngạc, nhưng chuyện ngành thực phẩm đang tài trợ cho các nghiên cứu dinh dưỡng phổ biến hơn bạn tưởng” - bài báo viết.

The Guardian dẫn một nghiên cứu năm 2007 cho thấy trong 206 nghiên cứu về lợi ích sức khỏe của sữa, nước ngọt và nước trái cây, các công trình nhận kinh phí 100% từ các công ty thực phẩm và đồ uống “sẽ có khả năng khẳng định tác dụng tích cực lên sức khỏe của các sản phẩm đó cao hơn 4-8 lần so với nghiên cứu không nhận tài trợ từ ngành này”.

Cũng trong năm 2016, tác giả Roger Collier công bố bài viết “Nghiên cứu về sữa: khoa học thực thụ hay trò marketing?” trên tập san Hiệp hội Y khoa Canada (CMAJ) với cùng chủ đề: các nghiên cứu về sữa thực ra nhằm mục đích gì? Bài báo kể câu chuyện của Anna Pippus, giám đốc chương trình ủng hộ quyền động vật Animal Justice, đã nổi giận khi hay tin Chính phủ liên bang Canada sẽ tài trợ cho nghiên cứu về sữa, trong đó có nghiên cứu về tác động của chất béo trong sữa lên sức khỏe tim mạch của con người.

Thông cáo báo chí công bố chương trình nghiên cứu này dẫn lời Bộ trưởng Nông nghiệp và nông sản thực phẩm Canada Lawrence MacAulay cho rằng nghiên cứu này sẽ “giúp duy trì niềm tin của người tiêu dùng vào giá trị dinh dưỡng các chế phẩm từ sữa”. Wally Smith - chủ tịch Dairy Farmers of Canada, tổ chức đại diện lợi ích của ngành sữa nước này - cũng được dẫn lời cho rằng công trình sẽ “tăng cường hiểu biết của chúng ta về giá trị dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe của các sản phẩm sữa”.

Hai phát ngôn trên, theo bà Pippus, chứng tỏ nghiên cứu không nhằm mục đích khoa học thuần túy, mà chỉ để tìm thêm dữ liệu củng cố cho kết luận đã được mặc định sẵn rằng chất béo trong sữa có lợi cho sức khỏe tim mạch. Bà cho rằng những nghiên cứu như vậy, mà kết quả cuối cùng chắc chắn rất tích cực, là “một cách thông minh” để quảng cáo cho sữa. Nó rất hiệu quả vì “khi có từ “khoa học” gắn vào, người tiêu dùng sẽ tin tưởng hơn rất nhiều”.

Hãy biết hoài nghi

Nhiều chuyên gia cho rằng khi một nghiên cứu về sữa nhận tài trợ từ chính ngành sữa, có thể dễ dàng đoán được kết quả sẽ “nói tốt” về sản phẩm này. Một trong các nghiên cứu chứng minh nhận định trên thường được trích dẫn nhất là của Marion Nestle, nữ giáo sư dinh dưỡng Đại học New York.

Bà Nestle đã bắt đầu theo dõi các nghiên cứu do công ty thực phẩm và đồ uống cũng như các tổ chức thương mại tài trợ vào năm 2015 và phát hiện có đến 156 trong tổng số 168 nghiên cứu công bố năm đó cho kết quả thiên vị, có lợi cho lợi ích của nhà tài trợ. Nói với The Guardian, giáo sư Nestle cho rằng các nhà nghiên cứu tin rằng chuyện nhận tiền từ ngành thực phẩm không ảnh hưởng đến kết quả của họ, nhưng “công trình của tôi đã chỉ ra rằng có liên hệ lớn giữa việc tài trợ và kết quả nghiên cứu”.

Giữa một rừng thông tin và chuyện nghiên cứu để quảng bá cho ngành sữa là có thật, người tiêu dùng phải làm gì?

Điều đầu tiên cần phải nhấn mạnh rằng không phải cứ nghiên cứu do ngành sữa tài trợ thì chắc chắn sẽ nói tốt cho ngành, thiếu yếu tố khoa học. Tuy nhiên, lời khuyên cho người tiêu dùng, theo tác giả Yasmin Tayag trên Inverse, là “nếu thấy kết luận của nghiên cứu “có mùi” thì hãy hoài nghi, cẩn trọng kiểm tra trước khi tin vào nó”.

Tayag lấy ví dụ nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng học Đại học Reading (Anh) đăng trên tập san European Journal of Epidemiology hồi tháng 5-2017 rằng phômai siêu béo không làm tăng nguy cơ bị trụy tim hoặc đột quỵ là “có mùi”, vì đi ngược lại với nhiều nghiên cứu trước đó về tác hại của chất béo bão hòa trong sữa. Sự nghi ngờ này được xác nhận khi xem đến phần “kinh phí” của bài nghiên cứu, vốn ghi rõ một phần tiền do ba tổ chức liên quan đến sữa là Global Dairy Platform, Dairy Research Institute và Dairy Australia tài trợ.

Đương nhiên nhóm nghiên cứu khẳng định nhà tài trợ không có vai trò gì trong việc thực hiện và diễn giải kết quả nghiên cứu, song Tayag nhắc công trình của giáo sư Nestle về mối tương quan giữa nguồn kinh phí và kết quả nghiên cứu để cho rằng có lý do nghi ngờ các nghiên cứu “có mùi như phômai” như vậy.

“Khi quý vị vô tình gặp các nghiên cứu với kết luận có vẻ buồn cười, tốt nhất là nên nghiên cứu kỹ hơn trước khi tin vào đó” - tác giả kết luận.■

Theo trang The Huffington Post ngày 6-11-2017, tiến sĩ Jonathon Maguire, tác giả và chuyên gia nghiên cứu y khoa thuộc Bệnh viện St. Michael (Toronto, Canada), được cho là đã nhận 90.000 USD tiền tài trợ từ Dairy Farmers of Canada và một số tiền chưa rõ từ Dairy Farmers of Ontario để công bố các nghiên cứu có kết luận không bền vững nhưng có lợi cho ngành sữa.

Chẳng hạn năm 2014, Maguire công bố nghiên cứu cho rằng sữa bò cần thiết để tăng vitamin D. Vấn đề là vitamin này không có sẵn trong sữa bò, mà là do các nhà sản xuất thêm vào. “Ngoài cách tự nhiên là nắng trời thì chỉ có cách dùng thực phẩm bổ sung, không nhất thiết phải uống sữa bò mới tăng vitamin D” - The Huffington Post viết.

Maguire từng có chân trong hội đồng cố vấn khoa học của Dairy Farmers of Canada hồi năm 2016.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận