Tái cơ cấu ngành mía đường: Không thể nửa vời

NGUYỄN ĐÌNH BÍCH 05/01/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Sau 25 năm ròng rã một chương trình phát triển mía đường quốc gia, nhìn lại năm “đắng nhất” 2020 với những cú sốc cộng hưởng và một cuộc tái cơ cấu nửa vời từng diễn ra hồi năm 2004, một lần tái cơ cấu nữa sẽ cần phải ra sao?

Do tiêu thụ khó khăn, có thời điểm lượng đường tồn kho của Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng khá lớn. Ảnh: K.TÂM

Toàn cảnh ngành mía đường đang bày ra với những đường nét xấu hơn bao giờ hết: lượng đường lậu không nhỏ qua biên giới Tây Nam, 10 tháng đầu năm 2020 đã có gần 1,2 triệu tấn đường “Made in Thailand” nhập khẩu chính ngạch vào VN - một kỷ lục. 

Diện tích trồng mía chỉ còn hơn 127.000ha so với mức đỉnh 344.000ha năm 2000, đi kèm là sản lượng mía đưa vào chế biến ước tính chỉ còn gần 7,5 triệu tấn.

Hệ quả là ngành công nghiệp chế biến đường không thoát khỏi những kỷ lục buồn. Số nhà máy đường còn hoạt động niên vụ 2018-2019 đã giảm rất mạnh xuống chỉ còn 29, đến niên vụ hiện tại lại thiết lập kỷ lục mới: chỉ 25 nhà máy còn hoạt động, với sản lượng thấp kỷ lục - khoảng 920.000 tấn đường. 

Tình hình được dự báo sẽ còn ảm đạm hơn nữa, bởi nếu tổng công suất chế biến là 162.300 tấn mía/ngày như báo cáo tổng kết 22 năm ngành mía đường cho biết, thì nghĩa là hiện có tới hơn 60% công suất đang trong tình trạng “đắp chiếu”.

Liên tiếp những năm gần đây người trồng mía đều rơi vào tình cảnh thua lỗ. Ảnh: CHÍ CÔNG

Thiếu cả thiên thời và địa lợi

Trong chu kỳ thăng trầm gần đây, giá đường thế giới tăng đột biến từ 296 USD/tấn (năm 2015) lên 398 USD/tấn (năm 2016). Đó là hệ quả của việc sản lượng giảm mạnh và dự trữ cũng giảm trong khi tiêu dùng cao hơn sản lượng. 

Nhưng hai năm liên tiếp sau, đặc biệt là 2018, sản lượng tăng mạnh, dự trữ cũng tăng mạnh trong khi tiêu dùng tăng không đáng kể, giá đường thế giới lao dốc, chạm đáy ở mức 276 USD/tấn.

Mặc dù cán cân cung - cầu đường thế giới liên tiếp trong hai năm 2019 và 2020 đã đảo chiều so với 2018, nhưng giá thế giới hầu như án binh bất động. 

Sản lượng đường giảm tổng cộng 29 triệu tấn (14,8%), từ kỷ lục 194 triệu tấn năm 2018 xuống còn 165 triệu tấn năm 2020, nhưng giá thế giới chỉ nhúc nhích tăng lên 281 USD/tấn năm 2019 và ước 283 USD/tấn trong năm nay. Thị trường thế giới như vậy ắt tạo sức ép rất mạnh và liên tục kéo giá đường trong nước xuống trong nhiều năm.

Đó là hoàn cảnh bên ngoài. Với nội tại ngành mía đường VN, một bất cập muôn thuở là vấn đề năng suất. Dù đã tăng được năng suất mía bình quân từ 50 tấn/ha (2000) lên khoảng 65 tấn/ha những năm gần đây, khoảng cách so với láng giềng Thái Lan (bình quân 75 tấn/ha) vẫn là quá lớn.

Chênh lệch năng suất 15% cũng chính là chênh lệch lợi nhuận với nông dân trồng mía, khiến họ khó có lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ cây mía hàng loạt. Thêm vào đó, các nhà máy đường VN chủ yếu vẫn là công suất nhỏ, thiếu hiệu quả, và cần quy hoạch lại toàn bộ.

Trong điều kiện “sức tàn lực kiệt” do tác động của giá thế giới thấp và đường nhập lậu quy mô lớn, việc hạn ngạch nhập khẩu được dỡ bỏ, thuế suất nhập khẩu chỉ còn 5%, dẫn tới việc đường giá rẻ của Thái Lan ồ ạt tràn vào. 

Hệ quả, theo nhận định của Hiệp hội Mía đường VN (VSSA), là “ngành mía đường khó lòng tránh được tình trạng xóa sổ”.

Những nông dân còn gắn bó với cây mía hi vọng giá mía sẽ cao hơn để người trồng mía bớt khổ. Ảnh: K.TÂM

Tái cơ cấu sẽ phải đau đớn

Trước mắt, theo quyền tổng thư ký VSSA thì “VSSA đã có đủ cơ sở dữ liệu để xác định đường nhập khẩu có nguồn gốc từ Thái Lan là đường phá giá và được trợ cấp để bán phá giá ra thị trường nước ngoài…, và có bằng chứng rõ ràng về đường nhập khẩu bán phá giá gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước…”. 

Cũng theo nguồn thông tin này, VSSA đã nộp đơn lên Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công thương đề xuất mở điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp để kiểm soát dòng đường nhập khẩu.

Tuy nhiên về lâu dài, thực tế qua hai thập kỷ đã đủ để cho thấy cần nhiều hơn những vụ kiện và dàn xếp thương mại mới mong đường “Made in Vietnam” thực sự có chỗ đứng lâu dài trên sân nhà.

Thứ nhất, cần triệt để tái cơ cấu ngành công nghiệp chế biến để các nhà máy đường thực sự đủ sức cạnh tranh. Dù chương trình 1 triệu tấn đường kết thúc năm 2000 được đánh giá là thành công, nó cũng đã cho ra đời tới 47 nhà máy với công suất bình quân quá thấp, hiệu quả kém, manh mún, và không có sức cạnh tranh. 

Cuộc tái cơ cấu sau đó, bắt đầu từ năm 2004, dẫn tới xóa sổ 11 nhà máy đường “mini”, đưa công suất bình quân của 36 nhà máy còn lại lên gần gấp rưỡi vào năm 2007. 

Giá giảm khiến người trồng mía khó khăn hơn . Ảnh: CHÍ CÔNG

Đến nay, lại có thêm bốn nhà máy mới được xây dựng, tổng số nhà máy trở lại là 40, nhưng đa số vẫn là quy mô nhỏ. Một số còn đầu tư thêm dây chuyền khiến tổng công suất dư thừa thực ra tăng lên. 

Đã tới lúc không thể không xóa sổ những nhà máy nhỏ, không đủ sức cạnh tranh, không ít trên thực tế đã phá sản, không chỉ để giải phóng bớt nguồn lực mà còn mở ra thị trường cho những nhà máy còn đủ sức cạnh tranh.

Thứ hai là vấn đề quy hoạch lại các vùng mía nguyên liệu. Có hai hướng triển khai cuộc tái quy hoạch này: chuyển đổi sang các loại cây trồng khác hoặc hỗ trợ nông dân trồng mía nâng cao năng suất - mức mục tiêu tối thiểu là phải tương đương với Thái Lan - để họ ít ra sống được bằng nghề trồng mía.

Cùng với việc chống bán phá giá, chống trợ cấp, và học hỏi kinh nghiệm trong tranh chấp thương mại quốc tế, căn cơ nhất là phải làm đến cùng cuộc tái cơ cấu ngành mía đường nửa vời đã khởi động từ năm 2004.

Chỉ công nghiệp chế biến ở quy mô đủ lớn đi kèm vùng mía nguyên liệu năng suất cao tương thích, trong một hệ sinh thái tổ hợp nông - công nghiệp mía - đường mới đủ sức giúp doanh nghiệp VN cạnh tranh bình đẳng, dù chỉ là ở thị trường trong nước, trước một đối thủ đáng gờm như Thái Lan, cường quốc xuất khẩu đường số 2 thế giới. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận