Trọng dụng nhân tài: Sự lệch pha của Đà Nẵng

HỮU KHÁ 15/04/2014 00:04 GMT+7

TTCT - Hai câu chuyện, một ở Đà Nẵng gần đây, một ở TP.HCM nhiều năm qua cho thấy câu chuyện tìm kiếm, đào tạo, trọng dụng những người trẻ có năng lực và nhân tài vẫn còn quá nhiều vướng mắc, gây nên những ưu tư không đáng có cho nhiều bên.


Minh họa: VIIP

“Lâu nay ta đưa ra chỉ tiêu rồi người ta đăng ký, xong ta đưa đi đào tạo. Vừa qua sở tôi tiếp nhận 20 người thuộc diện thu hút đào tạo nhưng chủ yếu của hai ngành quản trị du lịch và quản trị khách sạn, trong khi ngành tôi đang cần là marketing, tiếp thị, quy hoạch, xúc tiến, quảng bá về du lịch. Do vậy khi tiếp nhận họ, chúng tôi gặp khó khăn trong bố trí công việc.

Nhiều người khi phân về các phòng, đơn vị chưa phát huy được trình độ đào tạo” - ông Trần Chí Cường, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP Đà Nẵng, nói về việc đào tạo và thu hút cán bộ trẻ về công tác tại ngành du lịch.

Cần thì không có

Câu chuyện đào tạo - sử dụng lệch pha còn diễn ra ở nhiều ngành khác tại Đà Nẵng. Bà Ngô Thị Kim Yến, phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết ngành y tế Đà Nẵng là đơn vị thụ hưởng nhiều nhất từ nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo (trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của TP Đà Nẵng thời gian qua), tiếp nhận gần 30% số cán bộ trẻ.

Việc thực hiện các kỹ thuật y tế chuyên sâu đều do đội ngũ cán bộ này đảm nhiệm bởi đa số họ đã được đào tạo sau đại học. Nếu trước đây một số bệnh phải chuyển đi Hà Nội điều trị thì nay ngành y tế Đà Nẵng đã làm được những việc như mổ tim hở, can thiệp mạch máu não.

Nhưng bà Yến cũng thừa nhận hầu hết họ tập trung làm việc ở tuyến TP, rất ít trường hợp về tuyến quận huyện, còn tuyến xã phường thì hầu như không có ai. Mặt khác, theo bà, cần xem lại chuyện công nhận bằng cấp của nước ngoài trong chính sách thu hút nhân tài với ngành y tế.

“Thực tế ở nhiều nước, bằng cấp của ta qua đó không được công nhận, vậy tại sao chúng ta lại công nhận bằng của các đối tượng đi học ở một số nước mà trình độ ngành y tế của họ chưa chắc bằng nước mình? Ngoài ra, một số người học ở các trường mà danh mục đào tạo, chương trình đào tạo của họ không phù hợp với điều kiện Việt Nam” - bà Yến nói.

Ông Lâm Quang Minh, giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư TP Đà Nẵng, cho rằng hầu hết cán bộ của đề án nguồn nhân lực chất lượng cao của TP Đà Nẵng về trung tâm đều phát huy tốt khả năng làm việc của mình. Ông Minh khẳng định đây là nguồn nhân lực tiềm năng và có năng lực thật sự vì được tuyển chọn rất kỹ từ các học sinh giỏi của Trường chuyên Lê Quí Đôn và Phan Châu Trinh.

Tuy nhiên, theo ông Minh, để phát huy tốt nhất năng lực của đội ngũ này, quan trọng nhất vẫn là bố trí việc làm phù hợp bởi kiến thức các đối tượng này được thụ hưởng từ nước ngoài “có những điều rất mới mẻ”.

Ông nhìn nhận tầm quan trọng của con mắt đánh giá: “Điều cốt yếu nhất khi tiếp nhận các em trở lại làm việc sau khi học ở nước ngoài về là lãnh đạo đơn vị phải thường xuyên đối thoại để tìm hiểu nguyện vọng của các em. Nếu nói chưa phát huy được kiến thức và năng lực làm việc của các em thì chúng ta phải xem lại vai trò của người lãnh đạo đơn vị tiếp nhận.

Ở trung tâm tôi, các bạn này luôn muốn lãnh đạo giao thêm việc để họ làm, vấn đề là chúng ta tìm được công việc gì để giao cho họ làm. Bản thân tôi khi giao việc đôi khi cũng bất ngờ về những phát hiện, ý tưởng mới và hiệu quả của họ. Tôi cũng có nghe thông tin ở sở, ngành khác có cán bộ về không được giao việc”.

Theo ông, để sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao có hiệu quả, sắp tới Đà Nẵng nên tiến hành đào tạo phân kỳ, có định hướng, địa chỉ rõ ràng.

 Không áp dụng được kiến thức vào công việc

Theo tôi, chính sách hỗ trợ trong suốt quá trình học tập và đãi ngộ sau khi về công tác là khá tốt, như hỗ trợ về lương bổng, ưu tiên trong thi công chức... Song khâu đào tạo còn hạn chế.

Mặc dù đưa ra chính sách học bổng khá tốt song TP chưa chú trọng việc hướng nghiệp cho học viên khi tham gia đề án, các ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu của TP dẫn đến việc cung nhiều hơn cầu, sinh viên ra trường được phân về những vị trí chưa đúng với chuyên môn.

Bên cạnh đó, sinh viên khi tham gia đề án chưa hình dung được công tác quản lý nhà nước khác hoàn toàn với những gì mình được học. Đây là vấn đề về tư tưởng, lẽ ra cần được TP xác định ngay từ đầu để học viên cân nhắc kỹ lưỡng hơn việc tham gia đề án.

Phần lớn kiến thức chuyên môn được đào tạo không áp dụng được nhiều khi làm công tác quản lý nhà nước. Điều này tất nhiên dẫn đến sự lãng phí, không phát huy được khả năng, sở trường của người được tuyển dụng, đặc biệt đối với ngạch đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.

Ví dụ như việc quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản mà tôi đang làm thì chỉ cần nghiên cứu kỹ văn bản quy phạm pháp luật và học hỏi kinh nghiệm làm văn bản của đồng nghiệp đi trước là có thể làm được, hầu như không cần đến những kiến thức tôi được học ở lớp báo chí trường đại học”.

Chị HUỲNH THỊ THÙY LINH (hiện công tác tại Sở Thông tin - truyền thông Đà Nẵng)

Đi - ở và chuyện tiền nong mắc mứu

Phó giám đốc Sở Tài chính TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Phụng lại có mối quan tâm khác xung quanh câu chuyện đào tạo - sử dụng người tài. Từ năm 2004 đến nay, tổng kinh phí TP Đà Nẵng đã cấp cho đề án (phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao) là 557,9 tỉ đồng để đào tạo 608 người. Mắc mứu nảy sinh khi một số học viên bỏ học giữa chừng, hoặc tốt nghiệp nhưng không trở về phục vụ cho TP theo quy định.

Cụ thể, 29 học viên có quyết định ra khỏi đề án phải bồi hoàn kinh phí, trong đó 23 học viên vi phạm hợp đồng, 6 học viên xin ra khỏi đề án. Tổng kinh phí bồi hoàn là 33,4 tỉ đồng (chiếm 6% tổng kinh phí thực hiện đề án). Đến nay có 16 học viên đã hoàn thành việc bồi hoàn và 3 học viên đã bồi hoàn một phần kinh phí, tổng số tiền thu hồi được và nộp ngân sách là hơn 2,3 tỉ đồng. Số tiền còn lại mà các học viên phải bồi hoàn là 31,1 tỉ đồng.

Dẫu khẳng định chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã tạo một bước đột phá trong công tác cán bộ của TP sau 16 năm (1998-2014) thực hiện, ông Trần Thọ, bí thư Thành ủy Đà Nẵng, vẫn điểm ra tới năm hạn chế của chính sách này. Trong đó, từ ngành nghề thu hút, đào tạo có lúc chưa rõ ràng và chủ động, tình trạng chạy theo số lượng, chênh lệch rất lớn trong cơ cấu nam - nữ cho đến bố trí công việc sau đào tạo.

“Chính sách giữa chiêu hiền và đãi sĩ còn vênh nhau, ít nhiều có sự cân đo đong đếm nên chưa phát huy hiệu quả lớn trong công việc của cơ quan, đơn vị” - ông nói.

 Bố trí công việc không phù hợp

Điều thuận lợi ở đề án này là chúng tôi được đăng ký chọn ngành nghề để đi học ở nước ngoài theo nguyện vọng của mình. Tuy nhiên sau khi học xong, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng đáng ra là nơi đầu mối tìm công việc thích hợp để bố trí cho chúng tôi công tác thì họ lại bị động.

Đa số chúng tôi phải tự đi tìm nơi phù hợp với mình rồi sau đó mới báo cáo đề xuất xin về ở đó. Nhưng thực tế không phải chỗ nào mình thích cũng được nhận về công tác.

Một thực tế nữa là môi trường làm việc không năng động, việc điều hành và giao việc cho từng nhân viên của người lãnh đạo còn dựa vào quan hệ chứ chưa thật sự dựa vào năng lực, kiến thức của cán bộ. Chúng tôi rất băn khoăn là hằng năm TP có tổ chức khảo sát mức độ hài lòng của cán bộ nhưng sau đó không thấy có phản hồi ý kiến để điều chỉnh cho phù hợp.

Thật ra cũng có một cán bộ thuộc đề án do môi trường công việc kém năng động nên muốn bỏ việc, nhưng vì tâm lý e ngại và sợ phải đền bù khoản tiền theo cam kết nên đành chấp nhận công tác”.

Chị P. (cán bộ đang công tác tại Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Đà Nẵng)



Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận