Chuyên môn khác với điều hành

HUY THỌ 20/03/2021 21:00 GMT+7

TTCT - Đã đến lúc thể thao Việt Nam cần phân biệt rạch ròi giữa người làm chuyên môn và nghề quản trị thể thao.

Mới đây, tôi được hân hạnh tiếp chuyện anh Trần Chu Sa, giám đốc điều hành VBA (Giải bóng rổ nhà nghề Việt Nam). Sa có thâm niên ba năm ở vị trí này và anh đang làm cho VBA ngày càng hấp dẫn hơn. 

Nhà điều hành trẻ của VBA Trần Chu Sa. Ảnh: Tấn Phúc

 

Sa cho biết Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam đã có quyết định đồng ý cho đội dự tuyển bóng rổ quốc gia tham dự VBA 2021, nhằm hướng đến việc đổi màu huy chương tại SEA Games 31 vào cuối năm nay tại Hà Nội. 

Nghe những trình bày đầy mới mẻ, hăm hở của anh chàng giám đốc điều hành 35 tuổi này, tôi hỏi: “Xin lỗi, anh có phải dân bóng rổ không? Có phải dân thể thao không?”. “Không anh, tôi là dân ngoại đạo thể thao”, Trần Chu Sa đáp…

Câu trả lời của Sa khiến tôi nhớ lại thuở xa xưa hơn 20 năm trước. Hồi ấy, mô hình của tổ chức xã hội cho môn bóng rổ nói riêng, thể thao nói chung là tìm một đại gia mê thể thao, sẵn sàng chi bạo cho môn thể thao mình thích. Còn mọi chuyện chuyên môn thì giao phó cho cán bộ thuộc ngành thể thao.

Hầu hết những cuộc hôn phối kiểu này chẳng đi đến đâu, khi mà ông cán bộ nhà nước thì vẫn mang cung cách “công chức”, còn ông đại gia thì riết rồi nản vì tiền của mình cứ như gió vào nhà trống!

Tôi còn nhớ có lần, chủ tịch Liên đoàn Bóng rổ TP.HCM Trần Hiệp Nghệ - một doanh nhân người Việt ở Chợ Lớn - mời mọi người đến nhà hàng Bát Đạt ăn sáng để mong nghe hiến kế. 

Nhưng cuối cùng thì chả đâu vào đâu, và kết cục cũng giống các doanh nhân nổi tiếng khác như Phạm Phú Ngọc Trai, Hà Thanh Hùng, những người lần lượt tháo chạy khỏi bóng chuyền, quần vợt.

Hóa ra không thể xã hội hóa thể thao một cách đơn giản theo công thức “con người cũ của ngành thể thao + túi tiền doanh nhân!”.

Bóng rổ hiện giờ đang cố gắng làm khác: chuyên môn khác với điều hành. 

Các cơ quan thể thao nhà nước cấp tổng cục, cấp sở cứ lo mà làm chuyện của mình, đó là gầy dựng phong trào, chi tiền cho đội tuyển quốc gia, hỗ trợ tổ chức hệ thống đào tạo trẻ… 

Còn chuyện điều hành giải đấu sao cho hấp dẫn để hút khán giả, tìm nhà tài trợ, khai thác kinh doanh…, xin hãy để dân kinh doanh nhà nghề. Họ có thể chẳng cần biết banh bóng đá mấy múi, kỹ thuật ném rổ thế nào, nhưng biết cách làm cho một giải đấu từ chú vịt biến thành thiên nga. Thế là đủ.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận