Euro và Olympic: Hai bức tranh tương phản

HUY ĐĂNG 22/05/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Cùng là hai sự kiện thể thao hàng đầu thế giới sẽ diễn ra vào hè này (hoãn từ năm 2020 sang 2021), nhưng số phận của VCK Euro và Olympic Tokyo đang trái ngược nhau.

Với VCK Euro, người hâm mộ thể thao gần như chắc chắn sẽ được “mở hội” trở lại sau hơn một năm trời chỉ biết ngồi nhà xem tivi. 

Trái lại, kỳ Thế vận hội trên đất Nhật vẫn đối mặt khả năng bị hủy khi theo lịch dự kiến chỉ còn hơn 2 tháng nữa là chính thức diễn ra.

Phần lớn người dân Nhật Bản muốn hủy Olympic Tokyo. Ảnh: Reuters

 

Bản đồ vaccine

Hồi tháng 4, tổng thư ký Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền tại Nhật Bản là ông Toshihiro Nikai đã thừa nhận sẽ cân nhắc hủy Olympic Tokyo. Mới đây, Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga cũng tuyên bố “sẽ không đặt Olympic lên trên hết”. 

Nhiều tháng qua, Chính phủ Nhật cũng đã lần lượt từ bỏ nhiều lợi ích quan trọng của họ từ việc tổ chức Olympic, như việc không tiếp đón khán giả nước ngoài và có thể cấm cửa luôn người hâm mộ đến sân.

Trong khi đó, Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) tỏ ra hết sức lạc quan với công tác tổ chức VCK Euro đặc biệt nhất trong lịch sử. 

Thay vì gom về một quốc gia như nhiều đề xuất, Euro 2020 (cả Olympic lẫn Euro đều giữ tên cũ dù đã dời sang năm 2021) vẫn sẽ diễn ra trên nhiều quốc gia/thành phố như kế hoạch ban đầu. 

Chính xác hơn, chỉ mình thành phố Dublin (Ireland) không đảm bảo được an toàn và các trận đấu ở đây sẽ được chia ra cho London (Anh) và Petersburg (Nga). 

Euro 2020 dự kiến sẽ diễn ra ở 11 thành phố/quốc gia khác nhau, trải khắp các vùng Bắc, Tây, Trung và Đông Âu.

Quy mô tổ chức càng rộng thì việc kiểm soát dịch bệnh càng khó khăn. Không chỉ vậy, UEFA còn cho phép khán giả vào sân. 

Hầu hết các thành phố đăng cai (như Amsterdam - Hà Lan, Bucharest - Romania, Copenhagen - Đan Mạch, Glasgow - Scotland, London - Anh, Rome - Ý…) hạn định mức khán giả vào sân là 25% sức chứa khán đài. 

Budapest, thủ đô của Hungary, còn tự tin mở cửa 100% cho CĐV. Và UEFA hứa hẹn, mức giới hạn này không phải “nhiều nhất” mà là “ít nhất”, tức tình hình sẽ còn khả quan hơn nữa.

Sự tương phản trong kế hoạch tổ chức Euro và Olympic cũng phản ánh “bản đồ vaccine” toàn thế giới. Người châu Âu tự tin với Euro đơn giản vì họ đang triển khai tiêm vaccine rất tốt. 

Đài Đức DW cho biết trung bình đã có hơn 25% người trưởng thành châu Âu được tiêm ít nhất một mũi vaccine, và con số này càng cao hơn ở những quốc gia phát triển. 

Thống kê của Our World In Data đến cuối tuần rồi cho thấy tỉ lệ người dân được tiêm vaccine ở 11 nước dự kiến tổ chức Euro là: Anh 53%, Scotland 25%, Hà Lan 31%, Đan Mạch 27%, Đức 36%, Ý 30%, Tây Ban Nha 31%, Romania 20%, Hungary 47%, Azerbaijan 7%, và Nga 10%.

Trong khi đó, tỉ lệ dân số được tiêm vaccine của Nhật chỉ mới hơn 3% (nếu tính tiêm đủ liều thì chỉ là 1,6%). 

Sự thận trọng của Chính phủ Nhật trong việc tiếp cận các sản phẩm nước ngoài dẫn đến quá trình tiêm vaccine chậm chạp. Tương tự, người dân Nhật cũng đang rất hoài nghi về kỳ Olympic của mình. 

Một cuộc khảo sát gần đây nhất cho thấy có đến gần 70% người dân Nhật phản đối kế hoạch tổ chức Olympic

Nhật không có quyền hủy?

Về bản chất, Euro và Olympic cũng khác hẳn nhau. Thế vận hội có thể thu hút ít khán giả truyền hình, ít hiệu ứng truyền thông hơn so với một giải bóng đá nhưng lại có quy mô tổ chức phức tạp hơn hẳn.

Tổng số người tham dự một VCK Euro chỉ khoảng hơn 1.000 người (24 đội bóng), và lại còn chia lẻ ra nhiều quốc gia khác nhau. 

UEFA và hầu hết các nước châu Âu cũng rất có kinh nghiệm tổ chức các giải bóng đá mùa dịch suốt gần 2 năm qua. Từ đầu mùa giải này, các cường quốc bóng đá Anh, Đức, Tây Ban Nha… cũng đang từng bước làm quen với việc mở lại sân bóng cho CĐV.

Trong khi đó, ước tính Olympic Tokyo sẽ có khoảng 11.000 VĐV tham dự, và nếu tính cả ban huấn luyện, đội ngũ y tế, trọng tài cùng giới truyền thông, con số này chắc chắn không ít hơn 20.000 người. 

Đón tiếp 20.000 người đến từ hơn 100 quốc gia khác nhau thực sự là bài toán đau đầu về kiểm soát dịch. Một quan chức địa phương ở Nhật đã từ chối đảm bảo sẽ có đủ giường bệnh cho VĐV tham dự Olympic Tokyo, nếu chẳng may dịch bùng phát.

Khó khăn ở đây là Chính phủ Nhật không hẳn có toàn quyền quyết định hủy bỏ Olympic. Hãng tin BBC cho biết có một điều khoản trong hợp đồng giữa Nhật và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) liên quan đến việc hủy bỏ kỳ Thế vận hội này. 

Theo đó, quyền quyết định là của IOC. “Olympic được xem là tài sản độc quyền của IOC, họ mới là người có thể hủy hợp đồng”, luật sư thể thao quốc tế Miguel Mestre nói. Nếu Chính phủ Nhật cảm thấy không an toàn và kiên quyết hủy bỏ việc đăng cai, họ sẽ phải gánh toàn bộ tổn thất và những rủi ro phát sinh.

Trên hết, Olympic mang yếu tố biểu tượng lớn hơn nhiều so với Euro. Lần đầu tiên Nhật đăng cai một kỳ Olympic là vào năm 1964, và Thế vận hội năm đó là lời khẳng định về sự hồi sinh của nước Nhật hậu chiến. 

Olympic 2020 thì được kỳ vọng giới thiệu với thế giới một nước Nhật đang làm mới mình, hiếu khách và sẵn sàng cho kỷ nguyên châu Á sắp đến. Chỉ có điều, mọi kỳ vọng có vẻ như sẽ tiêu tan vì con virus tai ác. ■

Bảo hiểm sẽ lo

Giáo sư Jack Anderson của ĐH Melbourne (Úc) tin rằng nếu thực sự cần thiết, Chính phủ Nhật sẽ hủy bỏ việc đăng cai Olympic mà không phải lo nghĩ nhiều về tổn thất tài chính. 

Thật ra, quyết định không đón khách du lịch đã khiến họ mất đứt khoản thu về du lịch. Nếu hủy giải, Nhật sẽ phải xử lý các hợp đồng tài trợ, bản quyền truyền hình… 

Nhưng giáo sư Anderson khẳng định những khoản này đều đã có bảo hiểm. “Nước Nhật sẽ an toàn về mặt tài chính dù có phải hủy bỏ Olympic. Đây sẽ trở thành sự kiện được chi trả bảo hiểm nhiều nhất từ trước đến nay”, ông Anderson nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận