Xe ngựa ơi!

PHÙNG HI 14/08/2011 11:08 GMT+7

TTCT - Cách đây nhiều năm, Tuy Hòa (Phú Yên) có hẳn một bến xe ngựa ở phía đông chợ lớn, dọc đoạn đường Lương Văn Chánh.

Nay thành phố ngày càng đẹp ra, những chiếc xe ngựa cũ kỹ, những chú ngựa thồ ốm yếu không được phép đậu ở thành phố nữa, việc chuyên chở đã có taxi tải lo rồi. Thế nhưng vì mưu sinh của nông dân và cũng vì không taxi tải nào chịu chở nông sản vào phố lúc gà gáy sáng nên xe ngựa vẫn còn.

Phóng to
Ảnh: P.H.

Bây giờ mỗi sáng tinh sương xe ngựa từ quê chỉ được phép chạy trên con đường ngoại vi thành phố rồi nép mình chỗ con hẻm Vạn Kim, đợi những người phụ nữ bán xong buồng chuối, bao than, cặp gà... Mấy chú ngựa đợi lâu cuồng chân hay là đang mơ màng thuở hồng hoang thỉnh thoảng hí một hồi dài đồng vọng ký ức bao người.

Trên đường về lại quê, xe ngựa chở hàng tạp hóa cho người buôn bán nhỏ và những người phụ nữ đã theo xe ra đi từ tờ mờ sáng kia.

Nếu một ngày không còn nghe vó ngựa gõ lốc cốc đường phố nữa, có lẽ sẽ man mác một nỗi buồn xa vắng và bất chợt cảm thán: “Xe ngựa ơi, đâu rồi”.

Mũ áo cử nhân

Ở cuối phố có quán cà phê. Cà phê ngon và cảnh trí đẹp. Khách rất đông. Cô phục vụ vừa làm vừa học một lớp đại học tại chức, nuôi em trai đang học phổ thông. Nhà có hai chị em, cha mẹ đều già yếu. Công việc không nhàn song cô rất cố gắng. Có khi tôi thấy cô mang sách ra học, đó là những lúc vắng khách.

Bẵng đi một dạo không tới quán uống cà phê. Đang vào mùa tuyển sinh, ghé vào quán, nhìn cô rất tươi tắn. Cô khoe: “Chú ơi, con tốt nghiệp rồi! Sắp làm lễ nhận bằng đó chú!”. Cô nói thêm: “Em trai con đang thi đại học”. Cô vui lắm, tôi cũng rất vui, mừng cho cô. Bưng phin cà phê thơm lừng đặt xuống bàn, cô ríu rít: “Con tính rồi chú ơi, thay vì mướn áo mũ cử nhân, con sẽ gom tiền may hẳn một bộ để dành kỷ niệm, để nhớ hoài về thời sinh viên”.

Cô rất háo hức vì đã trải qua một chặng đường gian khó để có tấm bằng cử nhân. Lần đầu tôi được nghe một sinh viên tại chức nói như thế, may hẳn áo mũ cử nhân!

Chùm ruột

Mỗi ngày đi chợ, tôi thường vòng xuống tận cuối chợ. Nơi đó tôi có thể tìm gặp những người buôn gánh bán bưng hiền lành chất phác. Nơi mà những mẹt rau, mớ cá mang đậm chất đồng quê được để nép vào một góc. Và cũng nơi đó, tôi rất vui mừng khi tình cờ nhìn thấy mớ trái chùm ruột được bà già bày bán bên cạnh mấy nhúm rau dại. Không do dự, tôi mua hết phần chùm ruột.

Tôi mua vì thương cảm bà già lam lũ? Hay tôi vơ hết tất cả để giữ trọn phần ký ức đẹp mà mình đang có, sợ biết đâu không tìm thấy nữa thứ trái cây dân dã đã trở thành hiếm ở đất Sài Gòn?

Khi mua, tôi chưa có dự định mình sẽ làm món gì với mớ chùm ruột này. Nhưng những món từ chùm ruột được mẹ làm cho ăn từ thuở nhỏ tôi vẫn nhớ như in. Mứt chùm ruột là món mà mẹ thường chọn làm vào ngày tết để đãi khách, để biếu tặng. Ngày thường, mẹ lại cho thưởng thức món chùm ruột giã nhuyễn trộn nước mắm đường mà bọn trẻ chúng tôi chẳng bao giờ thấy chán.

Thời còn đi học, nhà nghèo, mẹ ít khi cho tiền quà vặt mà chỉ ăn cơm no rồi đi học. Nhiều lúc đến trường, thèm nhỏ dãi món chùm ruột ngâm bán trước cổng mà không có tiền mua. Biết con thèm, vào mùa, mẹ mua chùm ruột ngâm trong hỗn hợp nước muối và đường theo cách của mẹ, anh em chúng tôi được ăn thỏa thích. Còn ba đi tìm những cây chùm ruột con trồng ngay trong vườn nhà.

Rồi anh em tôi lần lượt vào đại học, ra trường đi làm, hết cái tuổi thèm thuồng những món ăn thời con trẻ. Dù vậy, mỗi lần gặp được trái chùm ruột như trong lần đi chợ vừa rồi, bao ký ức tràn về. Mừng vì còn thấy được một thứ trái dân dã gợi nhớ một thời ký ức tuổi thơ.

TTCT cảm ơn các bạn: Trần Văn, Nam Đức, koko, Tấn Thời, Lê Nguyễn, Ngọc Trường, manhi pham, Tiểu Chip... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận