Xương sườn thứ bảy

TRÂM OANH 27/07/2013 09:07 GMT+7

TTCT - Ngày con Út cưới chồng, thằng Hiền vẫn đi trèo cột điện. Biết đấy, buồn đấy nhưng phải làm như không quan tâm, phải mạnh mẽ lên, không được âu sầu, không được đăm chiêu, hãy coi như không có chuyện gì xảy ra. Đời, ai đâu đi tiếc thứ phụ tình.

Phóng to
Tranh: Trịnh Tú

Ngày đi lấy chồng, con Út biết thằng Hiền vẫn đi trèo cột điện. Thì nghề của ổng, không trèo, ở nhà biết làm gì cho hết ngày. Tui cũng muốn mời ổng chớ bộ, để người ta khỏi đàm tiếu tui cạn tình nhưng lúc mang thiệp đến thấy mắt ổng nhìn trừng trừng, ghê quá, tui về. Thôi, từ rày ổng trèo được nhiêu để dành nuôi thân, cưới vợ rồi nuôi vợ, nuôi con, khỏi nuôi tui, ổng nuôi tui ba năm chắc cũng mệt lắm rồi. Tui cũng thương, cũng tội ổng nhưng thương ổng, ai thương ba mẹ, anh chị tui!

Có người trong hẻm nghe nói thì hấm hứ rồi nguýt dài: “Làm như bỏ thằng Hiền là sa thẳng vào phi nếp!”.

Ngày cưới con Út, dân hẻm Cây Khế ai đến tiệc cũng dáo dác kiếm thằng Hiền, quên cả cảm giác lạ lẫm khi bỗng dưng bước vào không gian sang trọng tràn đầy ánh sáng, âm thanh và sực nức các thứ mùi thơm. Đảm bảo có đến tám mươi phần trăm được thưởng thức, được tham dự tiệc cỡ này lần đầu. Vì đám cưới Việt kiều mà lại. Mà nhìn chú rể kìa, Tây lai, trắng từ chân tóc đến gót chân. Đẹp trai quá, con Út có phúc quá, chỉ tội thằng Hiền.

Con Út và thằng Hiền cùng dân hẻm Cây Khế. Ở thành phố này, chỉ cần tự giới thiệu là người của một trong ba địa danh: hẻm Cây Khế, xóm Lò Bò hay xóm Lò Heo là người ta biết dân có số má, người ta nể rồi. Trong khi bọn con nít trong hẻm khoái tụ tập, nghỉ học và chửi bậy thì thằng Hiền lại thích đọc sách, thích đến trường và nói những lời khác hẳn với số đông. Bởi thế, khi hầu hết bọn thanh niên chọn nghề phụ hồ, nghề mộc, đầu quân cho mấy lò gốm hoặc khá lắm là tài xế xe tải thì thằng Hiền trở thành thợ điện của công ty điện lực.

Bởi thế, hai mươi tuổi, thằng Hiền lọt vào mắt xanh của con Út lúc ấy mới mười lăm tuổi. Mà cái hẻm nghèo, hẻm liều lại có đứa con gái đẹp lạ. Trong khi hầu hết bọn con gái theo gót mấy chị, mấy bà, mười bốn, mười lăm tuổi đã sớm sồ sề, xù xì như con sâu róm hoa thì con Út cao vổng lên, da trắng như sữa, môi lúc nào cũng như thoa son, mắt lúng liếng có đuôi. Còn khuôn mặt nó, bọn con trai trong hẻm kênh kênh: diễn viên Hàn Quốc còn thua xa!

Ở hẻm này, nói về mặt nhan sắc thì con Út, còn nói về trí tuệ là thằng Hiền, dứt khoát hai đứa đó là màu cờ, sắc áo của hẻm Cây Khế. Vậy là hẻm nghèo, hẻm liều cũng có chút vốn để tự hào chứ bộ.

Vậy nên khi con Út dọn đồ đến sống chung với thằng Hiền, tạo nên sự kiện chấn động của hẻm nhưng dư chấn không lâu. Vì người ta hiểu hai đứa đó là để dành cho nhau, là xứng đôi vừa lứa chớ biết tìm đâu ra trong hẻm này đứa con trai, con gái nào xứng với hai đứa nó. Mà thằng Hiền mới có nhà riêng, nhà lầu hẳn hoi, cũng ở trong con hẻm này. Nghe nói cô dì chú bác của nó làm gì, ở đâu đó khá lắm, thương thằng Hiền, trọng thằng Hiền nên mua miếng đất trống trong hẻm rồi xây ngôi nhà lầu nho nhỏ cho nó.

Ba mẹ nó biết chuyện con trai mình ở với con gái người ta, không buồn mà còn vui bởi ai chớ con Út thì rành quá rồi còn gì, cho nó có nơi có chốn. Vậy là thằng Hiền thành ra có tất cả. Chỉ đợi con Út đủ tuổi, đi kết hôn, hợp thức hóa là chúng nó chính thức thành vợ chồng, thành một cặp đôi hoàn hảo. Thôi, chúng nó ráp với nhau, coi như hẻm mình vẫn bảo tồn được nòi giống quý hiếm, bảo tồn được niềm tự hào.

Vậy mà con Út đi lấy chồng cái rụp. Lấy Việt kiều. Năm nghìn đô đầu làm quà cùng với tấm hình một chàng trai đứng nhởn nhơ cười bên xe hơi nhận được cú gật đầu cái rụp của con Út đồng ý đi làm thủ tục kết hôn. Mười nghìn đô tiếp theo do thằng cười bên xe hơi trực tiếp trao tay đã kéo con Út ra khỏi nhà thằng Hiền. Lý do dựng ra là mẹ em bệnh, em về chăm ít ngày.

Thằng Hiền tối ngày đi trèo cột điện, “vô tư như nhà sư” chẳng nghi vấn gì. Năm nghìn đô nữa gửi má và mấy anh chị con Út đủ kinh phí thành lập một đoàn rầm rộ đi xuống nhà thằng Hiền. Rồi vạch mặt kể tội, tội quyến rũ con nít, tội tảo hôn, tội đẩy tương lai con gái người ta vào ngõ cụt. Con Út im thin thít. Im lặng là đồng ý. Cắt liên lạc, hủy số điện thoại, không cho bén mảng đến gần nhà. Vậy là con Út tuột khỏi tay thằng Hiền. Dễ ợt!

Rồi con Út đi lấy chồng gây nên một cơn địa chấn mới. Cũng có khen, có chê, có trách móc, coi thường, nói bóng nói gió, đủ cả nhưng thây kệ, con Út vẫn đi lấy chồng. Vợ chồng là duyên là số, là nợ kiếp trước. Tui với ảnh giờ hết nợ nần rồi, tui nợ người ta thì phải trả. Và cưới, chọn nhà hàng lớn nhất thành phố mà tổ chức cưới.

MC thao thao chuyện hoàng tử từ bên kia đại dương, nghe theo tiếng gọi tình yêu, theo tiếng gọi của đất mẹ, lặn lội mấy ngàn cây số về bên này đại dương tìm gặp công chúa của lòng mình, tìm thấy chiếc xương sườn thứ bảy đã thất lạc hai mươi tám năm qua.

Và tiếng sét phát nổ giữa trời tạnh mây quang. Và tình yêu ầm ập đến rồi thăng hoa. Và lời chúc mừng quan viên hai họ. Phòng cưới kiểu tây, rượu tây, đồ ăn phong cách tây ê hề, con Út cười bẽn lẽn như gái mới lớn. Chú rể phơ phơ cười ra dáng trụ cột gia đình ghê lắm. Là trụ cột chứ không phải dân leo cột làng nhàng…

Chẳng hiểu sao lúc ấy thằng Hiền bỗng rùng mình một cái, da gà nổi rân từ chân tóc xuống đến gót chân. Giậm mạnh một cái mà chẳng hiểu vì sao mình giậm thì cây sắt cài xuyên ngay qua cây cột điện gãy làm đôi. Sắt giòn, lại bị bẻ qua bẻ lại nhiều lần. May mà tay còn bám chắc, bằng không cái thân hình nó cũng chia thành vài khúc.

Quen rốp rẻng, nhất trí cao rần rần, thủ tục nhanh chóng, cưới hỏa tốc, xong, con Út bay vèo đi.

Thằng Hiền vẫn ở lại trong căn nhà hạnh phúc một thời, vẫn leo cột điện, chăm chỉ, mẫn cán như ngày nào. Người trong phố chỉ thấy nó đi và về, không la cà ngoài xóm, không bè bạn, nhậu nhẹt. Thi thoảng chỉ xuất hiện nơi hàng hiên để trả vài loại hóa đơn, để nhặt đồ chơi cho mấy đứa trẻ con do chơi quá tay làm rớt vào nhà. Ba mẹ, anh em nó cũng ít đến, nghe đâu còn chửi nó ngu, xúc tép nuôi cò.

Thì ngu quá rồi còn gì. Ờ mà phải chi thằng Hiền nhậu cho quên đời. Ai dạy cho thằng Hiền nhậu, rủ được thằng Hiền nhậu, nhậu cho say, đó mới là tri kỷ. Chớ tỉnh ở trong đó mà làm gì. Tỉnh quá, có ngày lại chết vì buồn, buồn cho tình người, lòng người.

Con Út đi một năm thì về. Về một mình. Ngay ngày hôm sau trang điểm lộng lẫy, mặc đồ lộng lẫy, lưng thẳng, chân dài quăng hết cỡ, chọn đúng giờ thằng Hiền về nhà thì đến. Ngỡ ngàng, sượng sùng, bối rối, bao nhiêu cảm xúc… nhưng con Út nhanh chóng về thế thượng phong.

- Tui tới gặp anh, muốn bàn về chuyện căn nhà.

Tê tái, Út đây sao, con Út ngây ngô, dại khờ mỗi ngày chăm chút nấu đủ ba bữa ép mình ăn đến tròn căng cái bụng đây sao. Mà một năm trời, tức mười hai tháng, tức ba trăm sáu mươi lăm ngày mới gặp lại sao chỉ để nói với nhau những điều này.

Con Út ở cùng nhà, ăn cùng mâm, ngày mấy cữ vật lộn chung một giường, đi cùng xe; con Út chăm chút, ngồi bên giường khóc thút thít ngay cả khi mình cảm nhẹ giờ bạc bẽo vậy sao. Con Út chỉ biết nghe và biết tin, giờ sau mười hai tháng lại biết nói, nói những lời đớn đau vậy sao. Vậy là bỉ mặt thằng Hiền, ngày mai bước chân ra cửa, thằng Hiền còn dám nhìn mặt ai trong con hẻm này. Vậy thì đời, thằng Hiền biết tin vào ai hả trời.

- Tui chưa giúp gì được ba má, anh chị. Sang bên bển tui cũng đâu sung sướng gì. Cũng phải cày như trâu mới có ăn. Vậy nên tui muốn tặng phần của tôi trong căn nhà này cho mọi người để báo hiếu. Vậy nên căn nhà này tui với anh chia đôi. Tui về có một tháng nên muốn giải quyết nhanh. Nếu anh ở lại thì tui nhận tiền thối, nếu anh không có tiền thì tui cũng tìm được người mua rồi, sẽ chồng tiền sớm!

Ờ, mà nhà này là nhà mang tên chung. Hồi đó, chuyện mười mươi dân trong hẻm ai cũng biết là nhà thằng Hiền được cho, con Út chỉ có công dọn đồ vào ở cùng nhưng khi đi làm giấy thằng Hiền quyết đòi ghi thêm tên con Út vào dù lúc đó con Út đây đẩy chối. Vì sợ người ta dị nghị, người ta nói đã ham trai còn ham của. Đời, ai biết được chữ sĩ, chữ ngờ...

- Tui nghĩ anh cũng đừng hẹp hòi. Coi như anh trả cho đời con gái của tui mà anh đã hưởng. Vì tình xưa nghĩa cũ, anh đừng làm khó tui nghen!

Thằng Hiền giữ chắc tờ sổ đỏ. Không nói dù trong lòng sôi lên, sôi muốn trào ra cuống họng, thoát ra đầu môi: “Vậy thì ai trả cho đời trai của tui, ai quên tình xưa nghĩa cũ, ai bạc tình tui rồi quay về làm nhục tui? Ai? Ai?”.

Nhưng thằng Hiền không nói, chỉ cười khẩy. Nụ cười con Út chưa thấy bao giờ. Nó biết chắc đến một trăm phần trăm rằng thằng Hiền sẽ không làm gì nó, nó cũng biết anh, chị nó đang đứng ngoài kia sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra nhưng nó vẫn sợ, nó lùi một bước, hai bước, ba bước.

Căn nhà này với nó vẫn quen thuộc lắm. Nó có thể nhắm mắt đi tới đi lui, sang phải sang trái chính xác đến từng phân nhưng hôm nay hai chân con Út run quá, tựa hồ như hai đầu gối đang tìm, đập dồn vào nhau. Căn nhà này với nó quen lắm, như quen mùi cơ thể nồng ấm của thằng Hiền, quen những cú siết đến bỏng da, quen ánh mắt, nụ cười và cách nói chuyện thầm thì, vụng dại của người con trai Út thương. Nhưng hôm nay thì khác…

Thằng Hiền tiến lại phía con Út, cùng một trạng thái mất thăng bằng và loạng choạng như kẻ đang thụt lùi kia:

- Với tôi, nó chỉ là giấy lộn, nếu muốn, cô hãy cầm lấy và chuyển sang tên của ai đó, tùy cô, tôi không cần, không thèm. Đời trai của tôi, tôi còn hổng tiếc…

Nó chỉ nói được đến đấy rồi tắc nghẹn như có ai bịt họng, nghe nhói đau nơi xương sườn thứ bảy.

Giờ con Út đã thành cô Út với ba đứa con, bé nhất mới lên bốn. Còn người yêu cô và cô yêu một thuở, người ta đã kêu bằng chú Hiền. Chú Hiền không còn trèo cột điện được nữa, cũng không còn đi làm ở công ty điện lực vì một cú ngã từ trên cột điện đã làm đảo lộn tất cả. Có trợ cấp hằng tháng nhưng buồn, chú Hiền mở tiệm sửa xe cho bà con khu phố, cho hết ngày, hết thời gian, cho quên đi những chuyện không đáng nhớ. Mà mở tiệm ở chính căn nhà kỷ niệm khi nào.

Nghe đâu hôm đó con Út đã lấy sổ hồng, đã đi sang tên nhưng sang hết tên... thằng Hiền. Còn lý sự trước những đôi mắt căng tròn của mấy ông anh, bà chị:

- Thì tui cũng là người chớ bộ!

Lúc kinh tế toàn cầu suy thoái, nghề làm móng, nhổ lông cơ thể người ở bên kia đại dương cũng ế nhệ, cô Út và chồng quyết đưa thằng con trai út về quê mẹ nhờ bà ngoại và anh chị chăm giúp, cho bớt chi phí, để ba mẹ tập trung vào công việc nuôi mấy cái tàu há mồm bên này. Nghe ngoại kêu thằng nhóc là Mỹ già. Kêu sao thì nó cũng là thằng Mỹ, mà hẻm này có thằng Mỹ trẻ hay Mỹ xồn xồn nào đâu mà phải phân biệt trẻ với già.

Thừa hưởng cả nét đẹp của cha và mẹ, lúc xuất hiện ở hẻm Cây Khế, thằng nhóc về từ bên kia đại dương gây nên một cơn địa chấn mới. Người ta xôn xao trước hết vì thằng nhóc đẹp, đẹp không chịu nổi, lại còn ngoan. Vậy mà không hiểu sao ba mẹ nó sút thẳng thằng con đẹp như thiên thần, được rút ruột đẻ ra về hẻm Cây Khế, cho gia nhập thành cư dân của hẻm, chưa biết ngày nào mới quay trở lại nước Mỹ xa xôi.

Vậy ắt là có chuyện rồi. Coi chừng con Út đến ngày bị quả báo chuyện phụ thằng Hiền... Mặc xác, muốn nói gì thì nói, thằng nhóc vẫn đẹp, vẫn vô tư và hòa nhập nhanh một cách lạ kỳ.

Mà chẳng hiểu sao, mới về một tuần là thằng nhỏ say nắng chú Hiền. Giới quan sát còn cho rằng nó say chú còn hơn mẹ nó say ngày trước. Suốt ngày đánh vật với cái xe bốn bánh bằng cao su, thằng nhóc mồ hôi mồ kê nhễ nhại chạy tè tè đến tiệm sửa xe, xì xồ chỉ trỏ vào hai cái bánh. Chú Hiền lại hoa chân múa tay một hồi rồi kéo cái vòi bơm ra, lột áo nó lên xịt hơi vào rốn.

Ôm rốn, lắc đầu quầy quậy, sằng sặc cười, lại đổi xuống dưới bơm xì xì vào con chim non. Bụm háng, lại sằng sặc cười và lắc đầu quầy quậy. Lúc đó chú Hiền mới cầm vòi bơm xì xì vào hai cái bánh xe cao su mấy tiếng. Nghe “ok, ok” rồi thằng nhỏ lên xe, lóc tóc chạy đi. Nếu không tìm được chỗ chơi hấp dẫn, đảm bảo mười phút sau thằng nhóc quay lại và trò bơm hơi tái diễn. Bận khách cỡ nào thì chú Hiền cũng ưu tiên cho khách hàng Mỹ già.

Tôi, kẻ hàng xóm tốt bụng từ ngày có thằng Mỹ già bỗng hóa thành kẻ lén lút. Bởi vậy, tôi biết rằng mỗi tối lúc nhá nhem, chú Hiền thường ra đầu cổng đợi chờ. Và thằng Mỹ già bốn tuổi nhà cô Út đi tới sà vào lòng chú Hiền. Chú Hiền sẽ ôm siết nó vào lòng dạy nó nói, nó hát. Đã nghe líu lo những tiếng Việt bập bõm: “Ba tương ton lì ton giống mẻ…”. Và rồi chú Hiền hôn nó, ân cần, thân ái, bao dung như một người cha hôn con, lại có thêm một chút say đắm, nồng nàn.

Chẳng thấy ai cấm nó hay phiền lòng khi nó đi đến với chú Hiền dù người ta biết chuyện mười mươi, cũng như người ta biết chuyện ngày xưa của mẹ nó. Lại còn nghe đâu ngoại nó bóng gió chuyện chú Hiền nếu cưng thằng nhỏ quá thì bên ngoại nó chẳng hẹp hòi gì, sẵn sàng cho nhận làm con nuôi luôn. Để người xưa của con Út bớt... ghiền.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận