Đại dịch COVID-19 đã nâng độ khó của việc bếp núc, công việc vốn chẳng hề đơn giản, lên một mức độ mới khi rất nhiều người phải ở nhà, không thể thường xuyên mua sắm và chẳng có nhiều nguyên liệu để lựa chọn. Ấy vậy mà, trong cái khó ló cái khôn! Các nguyên liệu chính, có thể sáng tạo thành nhiều món trong mùa dịch. Ảnh: treehugger.comTheo nhà sử học thực phẩm Ashley Rose Young, chính trong những thời điểm khó khăn nhất hoặc bức thiết nhất, con người ta mới nghĩ ra nhiều phương thức chế biến “không chỉ sáng tạo, mà còn cực kỳ ngon”, cho các món ăn từ trong gian bếp.Young, người tham gia dự án Lịch sử thực phẩm Mỹ của Bảo tàng Smithsonian, dẫn chứng chính những nô lệ từ châu Phi đã định hình nền ẩm thực Mỹ chỉ với những khẩu phần cơ bản: thịt ướp muối, thức ăn thừa từ nhà bếp của đồn điền, và những gì họ có thể trồng. Và thời chiến đã cho con người những thực phẩm mới như đồ hộp và bơ thực vật.Những món ăn sáng tạo như cà tím ướp thịt nướng hoặc sốt mayonnaise từ khoai tây cũng được sáng tạo bởi người viết sách dạy nấu ăn và người dẫn chương trình truyền hình Nitza Villapol ở Cuba thời hậu Xô viết. Ngay cả bây giờ, rất nhiều người Cuba vẫn tự hào vì có thể nghĩ ra những công thức nấu ăn cực kỳ thanh đạm và sử dụng những nguyên liệu rẻ tiền nhất có thể, theo nhà nhân chủng học Hanna Garth, người vừa xuất bản quyển sách Thực phẩm ở Cuba: Hành trình theo đuổi một bữa ăn ngon hồi năm ngoái.Sáng tạo là trên hếtNấu ăn thời đại dịch không đến nỗi khó khăn như thời của những nô lệ châu Phi ở Mỹ. Tuy nhiên, quanh đi quẩn lại với chừng ấy những nguyên liệu, cũng chẳng dễ dàng gì để mỗi bữa ăn không bị lặp lại một cách nhàm chán và để những thực khách - không ai khác chính là những thành viên trong gia đình - không phải thốt lên “ngán đến tận cổ rồi!”.Cách duy nhất đó là sáng tạo! Có thể tham khảo “bí kíp” của Rebecca J. Rosen, biên tập viên cấp cao của tạp chí The Atlantic: “Sáng tạo với bất kỳ nguyên liệu nào trong tay, dù không đầy đủ so với những gì được chỉ định trong công thức truyền thống. Sử dụng bất kỳ loại rau xanh nào còn dư dả. Dùng bất cứ loại phô mai nào bạn có. Phát minh ra nước sốt của riêng bạn”.Judy Ni, chủ sở hữu và đầu bếp của bao • logy, một nhà hàng Đài Loan hiện đại ở Philadelphia, đã chia sẻ với trang Well and Good ba công thức cho ba bữa ăn trong ngày chỉ với nguyên liệu chính là thịt gà nhờ cách phối hợp sáng tạo. Bữa sáng là cháo gà với nấm và hành lá, bữa trưa mì xào gà nấm, bữa tối gà ba chén kiểu Đài Loan ăn với cải chíp và cơm trắng. Thành phần chính dĩ nhiên là gà, nhưng cũng có thể thay thế. Còn nấm được dùng cho cả hai món ăn sáng và ăn trưa. Tất thảy ba bữa ăn chỉ vỏn vẹn 5,19 đôla.Ảnh: ShutterstockTrứng là nguyên liệu chủ đạo cho các bữa ăn thời corona, nhưng nếu chẳng may hết trứng? Sáng tạo cũng rất cần thiết trong những tình huống như thế này. Alissa Wagner, đầu bếp và đồng sáng lập nhà hàng Dimes nổi tiếng ở trung tâm thành phố New York, đã gợi ý tạp chí TIME thay thế trứng bằng đậu hũ, chuối tán nhuyễn, sốt táo, và hạt lanh. Theo Wagner, đậu hũ có thể thay thế cho trứng trong những món cần trứng đánh và chúng còn để được lâu trong tủ lạnh. Nếu là nướng bánh, có thể đổi trứng bằng nước sốt táo hoặc một loại trái cây khác có thể nấu hoặc xay nhuyễn. Chúng giúp bánh kết dính tương tự như trứng. Chuối nghiền cũng là một lựa chọn phổ biến và rất tiết kiệm nếu mua số lượng lớn. Chúng có thể được đông lạnh để sử dụng sau.Đi chợ thời coronaDịch bệnh buộc nhiều người phải cắt giảm nhiều thứ khi đi chợ nấu cơm, trong đó có các gia vị hiếm và đồ trang trí cầu kỳ. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc những món ăn đóng gói và thực phẩm sơ chế sẵn được khuyến khích.Theo trang Well and Good, tích trữ trái cây và rau quả đông lạnh là tốt hơn hết vì chúng thường ít tốn kém hơn nhưng cũng tốt cho sức khỏe tương đương với phiên bản tươi sống. Mọi người cũng cần tìm kiếm các thực phẩm thiết yếu có thể dự trữ lâu dài trong tủ bếp như mì ống, gạo, đậu, yến mạch. Tốt nhất là mua số lượng lớn bất cứ khi nào có thể. Rà soát những thứ mình đang có trên kệ bếp trước khi đi đến cửa hàng sẽ giúp tránh lãng phí. Các thực phẩm chay thay thế cho protein động vật cũng là những lựa chọn đỡ tốn kém.Nấu ăn kiểu con nhà nghèoRuth Terry, một cây bút tự do hiện đang sống ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), gọi nấu ăn với những gì có trong tay là một kiểu “siêu năng lực” trong đại dịch, và may mắn thay, cô đã được trui rèn năng lực đó từ tấm bé.Trong bài viết cho tờ Washington Post, Terry kể từ nhỏ luôn được ăn uống đầy đủ nhờ bàn tay của mẹ. Mẹ cô nấu rất nhiều món, từ cơm mực đến thịt heo ướp tỏi ăn với đậu đỏ và cơm - món mà đến tận bây giờ cô vẫn thường nấu. Cô ví mẹ mình như một chuyên gia sử dụng nồi áp suất bởi bà thường dùng chúng nấu các món hầm, món súp bổ dưỡng, chẳng hạn như đậu khô tách đôi hầm với súp lơ và giăm bông.Món tráng miệng trong các bữa ăn ở gia đình Terry thường là sốt ổi đặc và phô mai trắng mặn ăn kèm với sôcôla nóng được làm bằng cách hòa tan các viên sôcôla thơm mùi quế vào sữa cô đặc. Có hôm sẽ là món mà cô rất yêu thích - bánh cuộn nhân sôcôla.Nhưng những mâm cao cỗ đầy ở nhà Terry không có nghĩa gia đình cô thuộc hàng khá giả, mà ngược lại mới đúng. Chỉ từ nguyên liệu rẻ tiền như các loại đậu và thịt đông lạnh giảm giá, các loại rau và thảo mộc trồng trong vườn nhà mà mẹ Terry khéo léo vung vén để biến tấu nên các bữa ăn. Còn sốt ổi đặc và sôcôla Mexico là những món ít tốn kém và có thời hạn sử dụng lâu dài. Cả những chiếc bánh cuộn nhân sôcôla mà Terry yêu thích cũng do quỹ lương thực cộng đồng biếu tặng.undefinedBà Terry đến Mỹ trong làn sóng di cư kinh tế từ Puerto Rico đến New York vào những năm 1950. Theo một cách nào đó, đối với Ruth Terry, điều này thật may mắn. Những hạn chế về tài chính của gia đình đã dạy cô cách khéo léo ứng biến trong mọi tình huống, nhất là biết chế biến nhiều món ăn từ nguồn nguyên liệu có hạn, điều mà không nhiều người trong số những bạn bè xuất thân từ gia đình khá giả của cô có thể làm được. Đối với họ, không tìm được nguyên liệu chính xác theo công thức thì nguy to. “Họ không coi đó là cơ hội để thử nhiệm những biến tấu mới từ một đống các thành phần khác nhau” - cô kể.Còn với người đã có “siêu năng lực thời đại dịch” như Terry, tất cả là chuyện nhỏ. Một năm sống với đại dịch, Terry giờ thậm chí còn tự sáng tạo gia vị, tung tẩy trang trí món ăn bằng mọi thứ có thể, ví dụ như bánh tacos và salad cá ngừ với rau củ thái trộn từ hành tây, bắp cải đỏ, và thì là Ba Tư ngâm trong giấm trắng có đường. Cô còn bảo quản chanh để dùng tăng vị chua mặn cho món súp hầm Ma-rốc và món rau củ băm trứ danh thường ăn trong bữa sáng.Căn bếp của Terry cũng đã trở thành một bữa tiệc thị giác với những hạt đậu thận sẫm màu như rượu vang, đậu cannellini màu kem, đậu lăng màu cam và đậu xanh ô liu. Nhiều người sẽ chẳng biết làm gì với ngần ấy số đậu. Nhưng Terry và bạn trai cô thì không. Họ dùng nồi áp suất hầu như mỗi ngày để làm đậu rán, đậu nhúng và salad đậu được chế biến đơn giản với dầu ô liu, hành tím thái nhỏ và đống rau thơm tươi, hay món đậu hầm với cà chua đầy dinh dưỡng và quyến rũ.Nấu ăn với những gì có trong nhà khiến trong lòng Terry cảm thấy như đang thực hiện một cuộc cách mạng. Điều này nhắc nhở cô rằng mình vẫn có quyền tự quyết trong thế giới bấp bênh này - ít nhất là với những gì cô bày ra trên đĩa ăn.■Theo CNBC, cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đã kích thích việc mua các chất bổ sung tăng cường miễn dịch, thực phẩm có nguồn gốc thực vật, đồ ăn nhẹ không có thành phần nhân tạo và các sản phẩm trồng tại địa phương.Tập đoàn bán lẻ Target đã “trúng mánh” giữa xu hướng này với nhãn hàng mới có tên Good & Gather được tung ra vào năm ngoái, bao gồm thực phẩm và đồ uống không có hương vị nhân tạo và chất làm ngọt, màu tổng hợp và xi-rô ngô có hàm lượng fructose cao.Một xu hướng khác của các nhà sản xuất là tung ra sản phẩm giúp người nấu ăn tại nhà đỡ nhớ cảm giác đi nhà hàng, chẳng hạn Pepsi ra nhiều hương vị mới cho snack khoai tây chiên, như hương bít tết phô mai Philly của chuỗi Geno’s Steaks trứ danh. Tags: Ẩm thựcCOVID-19Nấu ăn
Kim Nguyen Baraldi: Đọc sách là lúc thời gian có nhịp điệu khác... ZÉT NGUYỄN THỰC HIỆN 08/05/2025 3245 từ
Động lực mới cho phát triển kinh tế TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM 11/05/2025 Tuổi Trẻ Online trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết 'Động lực mới cho phát triển kinh tế' của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Người dân xóm trọ ở Thủ Đức gượng dậy sau trận mưa 'nhấn chìm' nửa căn nhà MINH HÒA 11/05/2025 Sáng 11-5, sau cơn mưa lớn hôm qua, nước rút, người dân tại hẻm 789 tỉnh lộ 43, phường Tam Bình (TP Thủ Đức, TP.HCM) tất bật dọn dẹp.
Đường gần 35 tỉ không có ai đi vì đâm thẳng ra ruộng lúa, chờ có khu dân cư TRẦN MAI 11/05/2025 Tuyến đường 2 làn xe, tổng số tiền đầu tư 35 tỉ đồng nhưng đâm thẳng ra ruộng lúa, chờ ngày có khu dân cư trong tương lai.
Đặc phái viên Mỹ bị chỉ trích vì dùng phiên dịch viên của Điện Kremlin NGHI VŨ 11/05/2025 Việc dùng phiên dịch viên của Điện Kremlin trong các cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin đã đẩy ông Witkoff vào thế bất lợi.