Vì sao bộ lắc rồi lại gật?

TUẤN PHÙNG 01/06/2017 21:06 GMT+7

TTCT- Ngày 19-10-2015, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 1850/TTg-KTN về thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

Người tiêu dùng thích sự tiện lợi của dịch vụ Grab và Uber . Ảnh: Duyên Phan

 

Thủ tướng đồng ý để Bộ GTVT thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, trong đó có việc sử dụng thông điệp dữ liệu điện tử trong giao dịch thuê ôtô thay cho hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh và người thuê vận tải tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa.

Đầu năm 2016, Bộ GTVT có quyết định số 24/QĐ-BGTVT ban hành kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (quyết định số 24).

Đà Nẵng “nói không” với GrabCar

Trao đổi với TTCT, giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng Lê Văn Trung cho biết đến thời điểm này TP vẫn chưa cho phép thí điểm triển khai ứng dụng GrabCar trên địa bàn. Năm 2016 Bộ GTVT đã có công văn gửi UBND TP Đà Nẵng về thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng GrabCar. Nhưng UBND TP Đà Nẵng có công văn gửi bộ đề nghị chưa thí điểm ứng dụng GrabCar. Đã Nẵng cho rằng việc này sẽ làm gia tăng số lượng ôtô dưới 9 chỗ ngồi, làm vỡ quy hoạch phát triển mạng lưới taxi đã được duyệt, gây nên kẹt xe, ùn tắc giao thông...

Sau đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường có văn bản cho rằng việc thí điểm cần sự phối hợp quản lý giữa Bộ GTVT và UBND tỉnh, TP và phù hợp với quy hoạch về số lượng phương tiện, tổ chức giao thông trên địa bàn từng địa phương. Bộ GTVT đề nghị Công ty TNHH GrabTaxi chỉ thực hiện ứng dụng vận tải hành khách bằng ôtô theo hợp đồng tại Đà Nẵng khi có sự phối hợp quản lý của Sở GTVT Đà Nẵng.

Đến tháng 4, ông Yen Hock Lim - đại diện ủy quyền tại VN của Công ty TNHH GrabTaxi (Grab VN) - có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Đà Nẵng cho phép Grab VN tiếp tục được triển khai hoạt động trên địa bàn. Ông Lim cho rằng yêu cầu tạm dừng không nêu thời hạn của Sở GTVT Đà Nẵng chưa phù hợp với nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Trên thực tế, người tiêu dùng vẫn có thể dùng dịch vụ GrabCar tại Đà Nẵng. Việt Hùng

Đơn vị tham gia thí điểm là Công ty TNHH GrabTaxi và các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng được cấp tại các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm, theo nội dung đề án GrabCar do Công ty TNHH GrabTaxi trình Bộ GTVT ngày 7-8-2015;

các đơn vị khác cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng được Bộ GTVT và các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Thời gian thí điểm thực hiện trong 2 năm (từ tháng 1-2016 đến tháng 1-2018).

Điều kiện tham gia thí điểm: doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải phải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng được cấp tại tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm; cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực GTVT, thuế; bảo đảm quyền lợi của hành khách trong quá trình tham gia thí điểm.

Phương tiện tham gia thí điểm là ôtô dưới 9 chỗ ngồi có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, được cấp phù hiệu xe hợp đồng, đáp ứng đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật đối với loại hình ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng; xe có niên hạn sử dụng không quá 8 năm.

Đến tháng 2-2017, các đơn vị đáp ứng yêu cầu và được phép triển khai gồm: GrabCar, V.car, Thanhcong.car, S.Car, Vic.Car.

Tháng 11-2016, Bộ GTVT đã nhận được đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng của Công ty TNHH Uber VN.

Ngày 18-1-2017, trong văn bản trả lời Uber VN về đề án nêu trên, Bộ GTVT khẳng định việc Công ty Uber BV (Hà Lan) ủy quyền cho Uber VN tham gia đề án thí điểm và thực hiện các nghĩa vụ trong quyết định số 24 là chưa phù hợp.

Bởi việc ủy quyền cho Uber VN thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh tại VN sẽ không ràng buộc, xử lý được trách nhiệm của Công ty Uber BV khi có vấn đề tranh chấp, khiếu nại của khách hàng.

Hơn nữa, ngành nghề kinh doanh đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Uber VN chỉ bao gồm “hoạt động tư vấn quản lý” và “nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận”, không liên quan đến hoạt động được ủy quyền.

Bộ GTVT khuyến cáo Uber VN cần đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh theo đúng lĩnh vực hoạt động, đồng thời ký kết và chịu trách nhiệm đối với thỏa thuận hợp tác kinh doanh với đơn vị kinh doanh vận tải và hợp đồng cung cấp dịch vụ kết nối với hành khách tại VN.

Sau đó Uber VN đã bổ sung, đáp ứng những điều kiện của pháp luật VN hiện hành. Đến tháng 4, Bộ GTVT cho biết về cơ bản, bộ đã đồng thuận với đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng của Uber VN.

Sau khi Bộ GTVT có quyết định đồng ý cho Uber VN tham gia đề án, phải được địa phương chấp thuận mới được triển khai thực hiện.■

Người tiêu dùng sẽ quyết định lựa chọn dịch vụ nào không chỉ dựa trên chi phí!

 

Thuế được tính thế nào?

Trao đổi với TTCT về vấn đề thuế đối với Uber và Grab, ông Phạm Đình Thi - vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết - toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải đều phải kê khai, nộp thuế. Tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh chia sẻ doanh thu có nghĩa vụ nộp thuế trên phần doanh thu được chia theo thỏa thuận hợp tác.

Đối với Uber, doanh thu vận tải được trả 20% cho Uber BV (Hà Lan) và 80% phần còn lại được chia cho tổ chức, cá nhân hợp tác với Uber theo thỏa thuận hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Trên cơ sở này, bộ Tài chính áp phương án thu thuế với Công ty Uber BV và các cá nhân, tổ chức hợp tác với Uber.

Do không hoạt động tại VN, Uber Hà Lan ủy quyền cho Công ty TNHH Uber VN hoặc một tổ chức khác kê khai, nộp thuế theo hợp đồng ký kết với doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải. Ngoài ra, công ty này không đủ điều kiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, nên sẽ áp dụng phương pháp trực tiếp trên tổng doanh thu.

Nghĩa vụ thuế của Uber BV như sau: thuế giá trị gia tăng là 3% và thuế thu nhập doanh nghiệp là 2% trên doanh thu được hưởng.

Đối với cá nhân ký kết hợp đồng với Uber Hà Lan sẽ nộp thuế theo tỉ lệ trên doanh thu được hưởng. Cụ thể, trên doanh thu được hưởng, tài xế Uber nộp thuế giá trị gia tăng là 3% và thuế thu nhập cá nhân là 1,5%.

Đối với Công ty Grab, theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế tại công văn số 384 ngày 8-2-2017, bốn cục thuế Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh tính thuế đối với hoạt động hợp tác kinh doanh của công ty này.

Công ty TNHH Grab Taxi khai và nộp thuế theo quy định hiện hành đối với phần doanh thu được chia từ hoạt động kinh doanh vận tải theo hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Đối với tổ chức kinh doanh vận tải hợp tác với Công ty TNHH Grab Taxi sẽ nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần doanh thu được chia từ hoạt động kinh doanh vận tải theo hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Còn tài xế Grab nộp thuế giá trị gia tăng mức 3% và thuế thu nhập cá nhân mức 1,5% trên doanh thu được hưởng.

L.Thanh

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận