"Vị tha hiệu quả" với ai?

XUÂN TÙNG 03/03/2023 06:00 GMT+7

TTCT - Rốt cuộc thì vị tha hiệu quả (effective altruism) là gì, và tại sao lại có sức hút làm mờ lý trí các sói già Phố Wall đến vậy?

Sự sụp đổ của hình tượng Sam Bankman-Fried không chỉ dấy lên những nghi vấn xung quanh độ tin cậy của tiền mã hóa, mà còn là một đòn chí mạng giáng vào thanh danh của "vị tha hiệu quả" (effective altruism) - một triết lý từ thiện đang nổi lên trong khoảng chục năm trở lại đây, vốn coi CEO trẻ tuổi của sàn giao dịch crypto FTX là một trong những "câu chuyện thành công" nổi bật nhất.

Sự thăng hoa và sụp đổ ngoạn mục của ông vua tiền mã hóa Bankman-Fried bắt đầu từ bữa trưa với William MacAskill, giáo sư triết học Đại học Oxford và là một chuyên gia của phong trào "vị tha hiệu quả", khi cậu đang là sinh viên MIT (2010-2014).

Bên bàn ăn, vị giáo sư người Scotland sinh năm 1987 nói với cậu sinh viên ăn chay hãy từ bỏ đam mê chăm sóc động vật, tập trung kiếm nhiều tiền nhất có thể để đóng góp cho công cuộc từ thiện. Từ đó, Bankman-Fried tự đặt mục tiêu trở thành siêu giàu để làm nhiều việc tốt nhất, quyến rũ những nhà đầu tư đổ tiền vào sứ mệnh thiêng liêng của MacAskill.

Tự gắn mình với một mục tiêu cao cả, hình ảnh "luộm thuộm có chủ đích" trên truyền thông của Bankman-Fried (TTCT số 1-2023) bỗng trở nên đáng chú ý một cách lạ thường với các nhà đầu tư.

 Diện mạo và thuyết lý của anh có lẽ cũng phần nào khiến người ta bớt chú ý đến mô hình crypto anh rao bán, vốn đã được nhiều chuyên gia cảnh báo là một trò Ponzi kiểu mới. Rốt cuộc thì vị tha hiệu quả là gì, và tại sao lại có sức hút làm mờ lý trí các sói già Phố Wall đến vậy?

Các thành viên câu lạc bộ Effective Altruism của Đại học Tufts. Ảnh: The Tufts Daily

Các thành viên câu lạc bộ Effective Altruism của Đại học Tufts. Ảnh: The Tufts Daily

Từ vị tha có tính toán

Khác với các triết lý làm từ thiện khác, vị tha hiệu quả chủ trương sử dụng lý luận số liệu và đo lường hiệu quả để đánh giá hiệu quả của từng danh mục tài trợ. Đó cũng là triết lý cơ bản của phong trào này: mỗi cá nhân đều có giá trị ngang nhau, bất kể sinh ra ở đâu (Trung Quốc, Anh quốc hay Yemen), hoặc thậm chí vào thời điểm nào (mạng người trong hiện tại hoặc tương lai - chưa được sinh ra cũng ngang bằng nhau).

Chính vì thế, theo lãnh tụ phong trào William MacAskill, lòng tốt có thể được định lượng bằng đơn vị "năm sống hạnh phúc" (well-being-adjusted life year, hoặc WALY). Trung tâm Vị tha hiệu quả - một quỹ từ thiện do MacAskill đồng sáng lập - sử dụng đơn vị này để đánh giá hiệu quả của các dự án thiện nguyện.

Cũng với niềm tin này, các cá nhân theo đuổi vị tha hiệu quả cũng chủ trương dùng thời gian của họ tối ưu nhất có thể - mọi lựa chọn nằm dưới ngưỡng tối ưu đồng nghĩa với việc đang nhắm mắt làm ngơ với một nỗi thống khổ đâu đó trên thế giới. 

Bởi quỹ thời gian của mỗi cá nhân là có hạn, phong trào vị tha hiệu quả khuyến khích thành viên của mình "kiếm để cho đi": kiếm nhiều tiền nhất có thể, sau đó đóng góp trở lại cho xã hội. 

Một bác sĩ lặn lội đến châu Phi có thể đóng góp 300 WALYs cho xã hội mỗi năm, nhưng nếu anh ta chọn làm việc ở văn phòng tư nhân tại Anh quốc, anh ta có thể đóng góp gấp đôi con số ấy, theo MacAskill.

Tư tưởng của vị giáo sư trẻ Oxford đã thu hút hàng trăm nhân vật tài năng, trong đó có Bankman-Fried, theo đuổi các ngành kiếm ra tiền để thay đổi thế giới - thay vì thực hiện các chương trình thiện nguyện để trực tiếp giải quyết vấn đề. 

Lời hứa về công năng tuyệt đối khiến cho vị tha hiệu quả trở nên đặc biệt hấp dẫn - không chỉ với những cá nhân trẻ giàu nhiệt huyết với xã hội, mà còn với các nhà đầu tư và giới siêu giàu. Giờ đây, họ có thể lượng hóa đóng góp cho xã hội của mình y hệt như một dự án đầu tư, với những con số không khác tỉ suất lợi nhuận và thời gian hoàn vốn - thứ mà họ đã quen tay quản lý trước giờ.

Dù được các tỉ phú của thung lũng Silicon ủng hộ, vị tha hiệu quả cũng vấp phải nhiều chỉ trích: Không ít chuyên gia và lãnh đạo trong giới thiện nguyện cho rằng phong trào chỉ là lời biện minh của giới siêu giàu, giúp họ tiếp tục tích lũy tài sản bằng mọi giá - với lý do làm việc tốt.

Sau sự vụ FTX sụp đổ, các chỉ trích này ngày càng có sức nặng. Giờ thì ngay cả Dustin Moskovitz, đồng sáng lập Facebook, một người sùng bái chủ nghĩa này, cũng phải thừa nhận là nó đã cổ xúy và biện minh cho các hành vi phạm pháp của Bankman-Fried. 

Ngay MacAskill, dù các tổ chức của ông nhận được rất nhiều tiền đóng góp từ "đệ tử" này, cũng thừa nhận là đã sai khi đánh giá thấp khả năng lợi dụng triết lý của mình để gây hại cho cộng đồng.

Sam Bankman-Fried và William MacAskill. Ảnh: truthdig.com

Sam Bankman-Fried và William MacAskill. Ảnh: truthdig.com

Đến chủ nghĩa dài hạn

Trong vài năm trở lại, một số nhân vật chủ chốt của phong trào vị tha hiệu quả - trong đó có MacAskill - đã đẩy mạnh một hệ tư tưởng mới mang tên "chủ nghĩa dài hạn" (longtermism) - với mục tiêu cứu rỗi con người khỏi các hiểm họa tương lai như trí tuệ nhân tạo (AI), thay vì lo lắng vì các mục tiêu "nhỏ nhặt" hơn như biến đổi khí hậu hay ngăn ngừa sốt rét.

Quan điểm của họ là loài người ở đâu cũng như nhau, thì sinh ra khi nào cũng bình đẳng - và chúng ta trong hiện tại có trách nhiệm với sự tồn vong của nhân loại trong tương lai, với dân số (và kéo theo đó là sức nặng WALYs) có thể lớn hơn loài người hiện tại nhiều lần. Bankman-Fried năm ngoái đã tuyên bố: "những gì ảnh hưởng lâu dài đến thế giới, đến hàng tỉ người còn chưa sinh ra, mới thực sự là quan trọng".

Các mục tiêu cứu trợ của vị tha hiệu quả cũng vì thế mà dịch chuyển: Từng tập trung vào các can thiệp giá rẻ với hiệu quả cao như màn chống muỗi để ngăn ngừa sốt rét, quỹ Open Philanthropy do Dustin Moskowitz đồng sáng lập đã chuyển sang ưu tiên nghiên cứu về hiểm họa của AI đối với loài người - với hơn 80 triệu đô la được phân bổ trong năm 2021.

Cách tiếp cận này thoạt nghe có vẻ logic và xuôi tai nhưng đồng thời cũng kéo theo không ít băn khoăn. "Tạm dẹp qua một bên khả năng rằng một con - người - giả - thuyết trong tương lai còn không chắc là một con người thật, cần đặt câu hỏi rằng: Liệu nhân loại trong tương lai cần được quan tâm nhiều hay ít hơn các vấn đề đang tồn tại xung quanh chúng ta?" - tác giả Jennifer Szalai viết trên The New York Times.

Ben Chugg, một nghiên cứu sinh tại Đại học Oxford, cho biết rằng niềm tin của anh vào phong trào vị tha hiệu quả đã rơi vào khủng hoảng vào năm 2021, sau khi nghiên cứu của anh về chủ nghĩa dài hạn bị các lãnh đạo phong trào (cũng là người tài trợ nghiên cứu) chỉnh sửa theo hướng trầm trọng hóa các hiểm họa trước khi xuất bản. 

Theo Chugg, các dự đoán mà phong trào vị tha hiệu quả đưa ra đều mang tính võ đoán hơn là khoa học. "Giống như cách các nhà chiêm tinh dự đoán về "khó khăn trong tương lai" mà không ai cãi được, những người theo chủ nghĩa dài hạn cũng thường đưa ra những con số gây sốc về tương lai mà ít có phản biện. Họ thường lôi một con số ngẫu nhiên [về hiểm họa tương lai] và so sánh nó với việc cứu trợ sốt rét cho trẻ em" - Chugg trả lời tờ The Economist.

Cũng trong tình cảnh tương tự, Zoe Cremer và Luke Kemp cho biết công trình khuyến nghị chính sách của họ - xoay quanh cách tiếp cận của vị tha hiệu quả đối với hiểm họa tương lai - đã không được Future of Humanity Institute, một trung tâm nghiên cứu thuộc Đại học Oxford, xuất bản do lo ngại mất nguồn tài trợ.

Thủ lĩnh phong trào vị tha hiệu quả MacAskill và quyển sách về chủ nghĩa dài hạn của anh. Ảnh: Matt Crocket, Ann Kirchner

Thủ lĩnh phong trào vị tha hiệu quả MacAskill và quyển sách về chủ nghĩa dài hạn của anh. Ảnh: Matt Crocket, Ann Kirchner

Dù đưa ra những viễn cảnh tươi đẹp về sự bình đẳng của các cá nhân, nhưng thông qua ví dụ của Bankman-Fried, không khó thấy vị tha hiệu quả đang thay đổi bối cảnh của lĩnh vực thiện nguyện và hỗ trợ phát triển, trong đó những nhân vật giàu có và quyền lực còn có nhiều sự hiện diện hơn trước kia. 

Đứng trước nhiều nghi vấn về hai chữ "vị tha" trong tên mình, phong trào vị tha hiệu quả đang rục rịch "tái cấu trúc", trong đó có kế hoạch đảm bảo sự hiện diện của người nhận quỹ trong quá trình ra các quyết định rót quỹ.

Trên giấy tờ, vị tha hiệu quả đáng lẽ đã có thể trở thành một cơ chế ngăn chặn các khoản chi không hiệu quả, đảm bảo ngân sách đến được những người yếu thế nhất. Tuy vậy, có thể thấy cái tên phong trào đang được sử dụng như một lớp bảo hộ đạo đức cho tầng lớp siêu giàu, đồng thời cho phép họ có nhiều công cụ để rót tiền vào các giấc mơ vĩ cuồng mà quên mất nhu cầu thực sự của tầng lớp thống khổ. 

Một trong những phong trào từ thiện cấp tiến nhất trong lịch sử có thể đi theo vết xe đổ của nhiều mô hình khác từng xuất hiện trong ngành cứu trợ: một phòng thí nghiệm - và sân chơi - cho các nhà "hảo tâm" đầy quyền thế.

"Cậu bé vàng" sa ngã Bankman-Fried của phong trào vị tha hiệu quả.

"Cậu bé vàng" sa ngã Bankman-Fried của phong trào vị tha hiệu quả.

"Cậu bé vàng" của phong trào

Bankman-Fried làm giàu bằng kinh doanh giao dịch chênh lệch giá - mua crypto khi giá rẻ ở sàn này và bán lại ở sàn khác khi giá tăng, khi mới 21 tuổi. Sau đó anh thành lập công ty đầu tư Alameda Research và sàn giao dịch crypto FTX. Thời đỉnh cao, tổng tài sản của Bankman-Fried là 22,5 tỉ USD. Bankman-Fried tuyên bố sẽ cho đi 99% thu nhập, và đã hiến tặng 50 triệu USD trong năm 2021.

Theo tổ chức phi lợi nhuận 80,000 Hours (Anh), trong năm 2021 một mình Bankman-Fried gây được khoảng 16 tỉ USD tiền đóng góp cho phong trào vị tha hiệu quả. Khi FTX sụp đổ tháng 11-2022, tài sản của Bankman-Fried đang từ 16 tỉ USD trở thành số 0. Số tiền khách hàng rót vào FTX trị giá 2 tỉ USD được xác định bị mất, và tất nhiên mọi nghi ngờ hướng về ông chủ sàn FTX, người đang bị quản thúc tại gia và đối mặt tổng án tù lên đến 115 năm nếu bị kết án theo mọi cáo buộc, trong đó có lừa đảo và rửa tiền.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận