Can thiệp hay chia sẻ?

TS LÊ THANH HẢI 27/08/2013 22:08 GMT+7

TTCT - Mỗi một giai đoạn ta lại có một cái tên khác nhau cho lớp trẻ mới lớn. Lúc còn nặng về nông nghiệp thì đó là tuổi cập kê (để còn lập gia đình mà nuôi thân). Thời lãng mạn thì đó là tuổi mộng mơ (hay coi những bộ phim tình cảm ướt át).

Có một "thế hệ Tôi"?

LTS: Diễn đàn Có một “thế hệ Tôi” đã nhận được nhiều chia sẻ của các bạn trẻ và những chuyên gia truyền thông, tâm lý. TTCT khép lại loạt Câu chuyện cuộc sống kỳ này với bài viết của TS Lê Thanh Hải, người cho rằng thay vì đặt vấn đề ”tác động” vào giới trẻ, sẽ hữu ích hơn khi ta sẻ chia cùng họ kinh nghiệm về con đường ta đã đi qua...

Phóng to

Theo dòng thời gian, “tóc em đuôi gà” và “tuổi ô mai” dần nhường chỗ cho “thế hệ @” hay bây giờ là “thế hệ Tôi Tôi Tôi”. Rất nhiều ý kiến trong loạt bài viết vừa qua trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần đã mổ xẻ rất kỹ những biểu hiện chính của thế hệ trẻ ngày hôm nay, nhấn mạnh đến ảnh hưởng trực tiếp của công nghệ thông tin và thiết bị mạng vào tâm sinh lý của họ.

Những kẻ vừa bơi vừa tìm hướng

Cũng như cuộc cách mạng công nghiệp đã tạo ra một xã hội hoàn toàn mới, cuộc cách mạng Internet đi cùng với cơn sóng toàn cầu hóa đã làm thay đổi hoàn toàn thế giới chúng ta đang sống, nơi mà những giá trị và chuẩn mực cũ nay không còn hiệu lực nữa. Hơn vậy, ngay cả các triết gia hàng đầu thế giới cũng không thể xác định rõ ràng cái xã hội mà chúng ta đang sống là gì, vì tất cả đều hóa lỏng và tuôn chảy, như mô tả của triết gia Do Thái người Anh gốc Ba Lan, giáo sư Zygmunt Bauman.

Bạn cứ thử nhìn mà xem, mới ngày nào cả thế giới đổ xô đi học viết lệnh trong DOS cho máy tính, sang đến Windows tưởng đã êm xuôi lắm, vậy mà bây giờ bật điện thoại lên dùng Android ngay cả đứa con nít không cần học gì cũng mở trò chơi ra bấm luôn được. Tất cả những chứng chỉ cao thấp ngày xưa nay chỉ còn làm được mỗi một việc là treo trên tường làm kỷ niệm.

Nhiều hệ thống giá trị nay không còn tồn tại nữa. Những nghề nghiệp từng một thời là sự lựa chọn dễ dàng cho thanh niên như thư ký đánh máy hay thợ sửa xe, nay chỉ còn là hoài niệm. Có những thứ ta phải hùng hục học cho nhanh để mà hội nhập với cuộc sống mới, nhưng rồi đùng một cái người ta lại thay đổi hết toàn bộ.

Nhiều khi từ quê ra tỉnh sống vài năm, quay trở về quê lại thấy mình bỡ ngỡ trước nếp sống mới - không phải chỉ những thứ liên quan tới công nghệ thông tin, mà kể cả phương tiện giao thông, phương thức thanh toán cho đến mô hình canh tác và thói quen trong cuộc sống hằng ngày.

Biên giới giữa các nước mở cửa cùng lúc với sự phát triển của các hãng hàng không rẻ tiền khiến lưu lượng người qua lại giữa các nền văn hóa ngày càng nhiều, kéo theo dòng chảy của sự thay đổi ngày càng nhanh và mạnh. Giới trẻ ngày nay đang phải đứng giữa nhiều dòng nước như vậy, khi mà ngay cả cha mẹ của họ cũng đang phải vừa bơi vừa tìm hướng chứ không thể tự tin chỉ đường cho con, nói gì đến chuyện dạy dỗ và truyền lại kinh nghiệm.

Thời của họ không cần phải luyện toán bao nhiêu năm mới được nổi tiếng như Lê Bá Khánh Trình, mà chỉ cần một câu nói gây sốc kèm theo một bức ảnh chụp thân hình hấp dẫn là đủ thành Bà Tưng.

Khi không còn cái “uy” tuổi tác và thứ bậc...

Giáo sư người Đức Ulrich Beck còn chỉ ra thêm một vấn đề nữa của xã hội đương đại, là nguy cơ rủi ro vượt khỏi khả năng xử lý của cá nhân hay nhóm người. Trước kia con người vốn sống trong một xã hội đầy rủi ro, cho đến ngày có những công ty bảo hiểm giúp họ điều hòa bớt những điều bất hạnh có thể ập đến trong xã hội. Dần dà rồi thì nhiều mô hình tương tự trở thành phổ biến, từ quỹ phúc lợi xã hội cho đến bảo hiểm y tế, và trở thành luật lệ phải tuân thủ.

Khi hệ thống vượt khỏi khả năng kiểm soát của con người thì chính các mối liên kết này trở thành nguy cơ cho mỗi con người trong xã hội, như là bể quỹ tín dụng, hay cơn khủng hoảng tài chính trên thế giới suốt nhiều năm qua. Giờ đây chính những định chế đó lại là nguy cơ rủi ro cho con người, với mức độ tàn phá không thể ước tính nổi. Từ rủi ro tài chính cho đến thảm họa môi trường như hỏng giàn khoan dầu và tình trạng ấm nóng toàn cầu, sang cả những tác hại cho giá trị văn hóa và cuộc sống.

Tương tự vậy, tương lai của thế hệ trung niên và những người già đang nằm trong tay của giới trẻ, những người sẽ lên nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong xã hội và sẽ nộp tiền vào quỹ phúc lợi xã hội để từ đó trích ra lương hưu và tiền viện phí.

Giáo sư người Anh, nam tước Anthony Giddens thì không bi quan đến như vậy, cho rằng chúng ta chỉ đang trải qua tiếp một cơn sóng công nghệ sau thời hiện đại mà thôi, và mọi thứ vẫn đang nằm trong khả năng kiểm soát của con người. Và thêm nữa, tâm tính của giới trẻ không hoàn toàn do xã hội đương đại và bạn bè trên Internet định đoạt.

Thật vậy, nếu đọc quyển sách của giáo sư người Pháp Pierre Bourdieu bạn sẽ thấy bản sắc của một con người được xây dựng từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống hằng ngày từ khi còn nhỏ, như ông bà ta vẫn thường dặn “học ăn, học nói, học gói, học mở” (xem box). Ngay cả chuyện dùng điện thoại cầm tay thế hệ mới thôi cũng đã có sự khác biệt khi lựa chọn.

Một khảo sát mới đây cho thấy người dùng iPhone thường có xu hướng cao ngạo và du lịch nhiều, còn chủ của Blackberry thường kiếm được nhiều tiền, và người dùng Android giỏi ứng xử và nấu ăn ngon. Nhận xét về kết quả khảo sát, giám đốc bộ phận kinh doanh mạng điện thoại di động của Talk Talk là Dan Meader giải thích:

“Chúng ta liên tục cầm điện thoại bên mình cho nên thiết bị này trở thành một bộ phận nối dài của ta theo nhiều cách hiểu khác nhau. Tất nhiên, nếu chỉ mua một chiếc điện thoại nào đó thì tính cách hay nếp sống của bạn sẽ không thay đổi ngay lập tức, nhưng theo thời gian có thể tạo ra những tính cách khác nhau do sự khác biệt về tính năng hoạt động và chức năng được thiết kế của thiết bị cầm tay”.

Giới trẻ ngày hôm nay lớn lên như thế nào chịu ảnh hưởng rất nhiều từ việc khi bé họ đã được bố mẹ mua cho những món đồ chơi gì, kể cả chiếc xe máy hay xe đạp để đi học và máy tính để nối mạng.

Điều khó khăn cho các bậc phụ huynh ngày nay là không còn cái uy do tuổi tác và thứ bậc đem lại như xưa nữa. Bạn có là cô dì chú bác nhưng không biết sử dụng smartphone phải đi nhờ đứa cháu giúp hướng dẫn thì làm sao có thể quay trở lại vai trò là người hướng dẫn họ trong cuộc sống cho được?

Trên mạng tất cả đều ngang hàng, và nhiều lúc bằng cấp hay kinh nghiệm và logic cũng không có chút giá trị gì, chỉ còn lại một đám đông dễ dàng nổi loạn theo một hướng khó mà dự đoán trước được, như quyển sách nổi tiếng của le Bon.

Cái đám đông của ngày hôm nay có đến ba phần tư là thanh niên sinh sau 1975 và một nửa chả còn biết gì đến thời bao cấp, chỉ còn chút trải nghiệm sau khi đã đổi mới và mở cửa. Chỉ cần vài triệu đồng là họ đã dễ dàng bay sang Bangkok hay Singapore chơi và rớt đại học mà có chút tiền thì không khó khăn gì bay sang Anh hay Úc để du học.

Mà ngồi ngay ở Sài Gòn hay Hà Nội thì cũng có ca sĩ Hàn Quốc hay cầu thủ Arsenal sang biểu diễn, có Lamborghini và túi xách Gucci để học làm công tử và chân dài. Câu hỏi đặt ra cho mỗi người trong chúng ta không còn giống nhau nữa, tùy thuộc vào chỗ đứng và góc nhìn của mình trong xã hội.

Với tôi, cũng như nhà báo người Mỹ gốc Do Thái đã viết bài mô tả “thế hệ Tôi Tôi Tôi” trên tờ Time, Joel Stein - đều sinh năm 1971, thì câu hỏi đặt ra cho “thế hệ Tôi Tôi” của chúng tôi là có thể tác động gì được, và có nên can thiệp vào cuộc sống của một lớp người trẻ hơn mình 20 tuổi, lứa 9x hay không?

Điều trước mắt mà tôi có thể làm được là tìm hiểu các bạn trẻ để có thể học được nhiều điều từ họ, và chia sẻ kinh nghiệm về con đường mình đã đi qua, để giúp họ tự chọn lựa con đường cho cuộc đời mình.

Pierre Bourdieu (1930-2002) là giáo sư người Pháp đầu ngành về triết học, nhân học và xã hội học. Quyển sách của ông về vốn văn hóa có tựa đề La Distinction (sự phân biệt) xuất bản năm 1979 đã trở thành giáo khoa kinh điển cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn trên thế giới, đặc biệt là sau ngày được dịch sang tiếng Anh hồi năm 1984, và được các nhà xã hội học quốc tế đưa vào danh sách 10 tác phẩm quan trọng nhất trong ngành vào năm 1998.

Theo Bourdieu, những thứ mà ta vẫn nghĩ là khẩu vị hay sở thích riêng của mỗi người thật ra lại là kết quả của quá trình phân biệt và tạo ra giai cấp hay tầng lớp trong xã hội. Theo đó thì thẩm mỹ của tầng lớp lao động là phổ biến nhất trong xã hội, nhưng cũng tồn tại những hệ giá trị thẩm mỹ riêng của tầng lớp cao, ví dụ như giới thượng lưu tập cho con cái cách ăn mặc lịch sự từ bé, học nhạc, họa để biết thưởng thức nghệ thuật, chơi những trò chơi của giới quý tộc để phân biệt mình với những người còn lại trong xã hội.

Hiện tượng này cũng đang nổi cộm trong giới nhà giàu ở Việt Nam, cho con đi học trường quốc tế, luyện tiếng Anh, đi du lịch nước ngoài, xài đồ hiệu... Như vậy, theo ông, khẩu vị về đồ ăn hay gu về quần áo, âm nhạc, phim ảnh là những biểu hiện của giai cấp được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác qua quá trình nuôi nấng dạy dỗ từ khi còn rất bé.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận