Cuộc chơi “không Doping”, dễ hay khó?

HỒNG VÂN 06/07/2018 22:07 GMT+7

Điểm lại một số bê bối dương tính với chất cấm của một số vận động viên nổi tiếng.

Cầu thủ Peru Paolo Guerrero sau
Cầu thủ Peru Paolo Guerrero sau "nghi án doping" cuối cùng cũng đến được Nga dự World Cup. Ảnh: CNN

Trước thời điểm bóng lăn ở World Cup 2018, cuộc điều tra về các bằng chứng sử dụng doping của các cầu thủ bóng đá của Nga đã kết thúc với kết quả: “Bằng chứng không thuyết phục”. Tổ chức chống doping thế giới (Wada) cho biết họ đồng ý với quyết định ngừng cuộc điều tra của FIFA.

Khi chủ nhà trắng án

“Cuộc điều tra về tất cả các vận động viên Nga có tên trong đội hình tạm thời của FIFA trong mùa World Cup 2018 ở Nga đã được hoàn thành với kết quả là không đủ bằng chứng để khẳng định có hành vi vi phạm quy định về chống doping”. Tuy nhiên, Wada cho biết điều tra về các cầu thủ không liên quan đến World Cup vẫn đang tiếp tục, Đài BBC cuối tháng 5 đưa tin.

Cuộc điều tra này được thực hiện sau khi giáo sư Richard McLaren, giáo sư luật và luật sư thể thao người Canada, được ủy quyền bởi Wada để xem xét các cáo buộc về doping do Nhà nước Nga tài trợ. Ông đã đưa ra một báo cáo chấn động vào năm 2016 rằng có hơn 1.000 vận động viên liên quan đến chương trình bảo kê sử dụng doping của Nga trong thời gian từ năm 2012-2015, trong đó có tên 33 cầu thủ bóng đá. Trước những cáo buộc gây chấn động trên, FIFA đã nhập cuộc điều tra cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia khoa học và pháp lý.

Mẫu thử của các cầu thủ được FIFA và các liên minh lưu trữ tại các phòng thí nghiệm của Wada. Theo kết quả điều tra, tất cả mẫu thử của các cầu thủ bị cáo buộc ở báo cáo của McLaren đều cho kết quả âm tính. Tuyên bố FIFA cho biết: “Sau khi báo cáo McLaren được công bố, FIFA có tiến hành các cuộc điều tra về những vi phạm quy tắc chống doping của các cầu thủ bóng đá. Ưu tiên hàng đầu là kiểm tra những cầu thủ hàng đầu thuộc diện nghi ngờ (do McLaren nêu tên), đặc biệt là những cầu thủ có thể tham gia World Cup 2018 ở Nga”.

“FIFA hôm nay có thể xác nhận rằng tạm thời các cuộc điều tra liên quan đến tất cả các cầu thủ Nga tham dự World Cup 2018 thuộc diện nghi ngờ đã được hoàn thành. Kết quả là không đủ bằng chứng để khẳng định họ vi phạm quy tắc chống doping”. “FIFA đã thông báo cho WADA về các kết luận. WADA đã đồng ý với FIFA về quyết định khép lại vụ kiện cáo này”.

Đội tuyển Nga là một trong những đội bị kiểm tra doping nhiều nhất trước World Cup mùa hè này. Việc đội tuyển Nga thoát nghi án liên quan tới doping chắc chắn sẽ tác động tích cực tới tinh thần của các cầu thủ nước chủ nhà World Cup 2018.

Erythropoietin (EPO) là chất kích thích sản xuất tế bào hồng cầu từ tủy xương. EPO thường được sử dụng trong y khoa để tăng haematocrit

Không có chỗ cho doping

Không có chỗ cho doping trong thể thao và FIFA nỗ lực để bóng đá không dính líu đến việc sử dụng chất cấm ở tất cả các liên đoàn bóng đá thành viên. Từ năm 1966, FIFA đưa ra các biện pháp kiểm tra doping và việc này được thực hiện trong chương trình chống doping tại tất cả các giải đấu trong khuôn khổ FIFA. Tất cả cầu thủ đều phải tham gia kiểm tra doping bất cứ khi nào được yêu cầu. Các kiểm tra gồm xét nghiệm mẫu máu và nước tiểu, kiểm tra các chất như erythropoietin (EPO) và hormone tăng trưởng. Các kiểm tra trong và ngoài giải đấu không cần phải báo trước. Việc phân tích được Wada thực hiện ở những phòng thí nghiệm đã được đánh giá và chứng nhận chất lượng.

Trong trường hợp các vận động viên bị bệnh các vấn đề sức khỏe cần được điều trị bằng một số loại thuốc đặc hiệu và nếu loại thuốc này nằm trong danh mục cấm, họ và bác sĩ của họ phải có đơn thông báo về sự cần thiết của điều trị. Các thống kê của WADA cho thấy bóng đá là môn thể thao được lấy mẫu thử để kiểm tra doping nhiều nhất, trung bình khoảng 30.000 mẫu thử hằng năm. Tổng số các mẫu thử được thu thập và phân tích cho phép tính toán xác suất của những mẫu thử dương tính. Nhìn chung, bóng đá có xác suất mẫu thử dương tính thấp - dưới mức 0,45% trong nhiều năm (2011 - 0,42%, 2012 - 0,40%, 2013 - 0,30%, 2014 - 0,21%, 2015 - 0,24%, 2016 - 0,29%).

Năm 2016, chỉ trong môn bóng đá đã có 33.227 mẫu kiểm tra doping được thực hiện trên toàn cầu, và theo dữ liệu về doping của FIFA, chỉ 97 mẫu thử (0,29%) dương tính. ■

Mỗi năm WADA sẽ cập nhật bản danh sách các chất cấm sử dụng trong thi đấu thể thao. Danh sách năm 2018 được áp dụng từ ngày 1-1 đến ngày 31-12-2018. Danh sách này gồm các thuốc và các phương pháp được xem là doping bị cấm tuyệt đối (trong và ngoài thi đấu), bị cấm sử dụng khi thi đấu và bị cấm với một số môn thể thao cụ thể.

Hiện danh sách các chất bị cấm tuyệt đối có sáu mục chính - gồm nhiều chất và danh sách các phương pháp bị cấm tuyệt đối gồm ba phương pháp. Ban huấn luyện, bác sĩ, huấn luyện viên và các vận động viên phải đối chiếu với danh sách này để đảm bảo các vận động viên sạch và không bị dính doping vào thời điểm kiểm tra.

Với một danh sách các chất cấm rất rõ ràng, tuy nhiên một số chất có mặt trong danh sách của Wada cũng vài lần gây tranh cãi như trường hợp với chất glucocorticoid. Có ý kiến cho rằng nên loại các glucocorticoid ra khỏi danh sách chất cấm vì tính phổ biến của nó trong thể thao và không giúp vận động viên tăng cường thành tích. Tất cả các glucocorticoid đều bị cấm sử dụng đường uống, tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp hoặc nhét hậu môn.

Sự có mặt của một chất nào đó trong danh sách rất quan trọng của Wada được chứng minh bằng khoa học. Tuy nhiên, đôi khi việc chứng minh một chất có tác dụng như doping hay không cần thời gian và công nghệ dẫn đến việc vận động viên đã dùng chất cấm nhưng nhiều năm sau mới bị phát hiện như trường hợp của Lance Amstrong - tay đua xe đạp người Mỹ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận