TTCT - Ngoài chấm sao hay review cho hàng quán trên những nền tảng gọi món, thực khách còn có thể bày tỏ khen chê trên các trang, hội nhóm chuyên về địa điểm ăn uống trên mạng xã hội. Những cộng đồng này đã thay thế vai trò của các chuyên mục ẩm thực giới thiệu quán ngon, món lạ trên báo chí, truyền hình ngày xưa nhờ tạo được ấn tượng “người thật việc thật”, dù không phải lúc nào cũng thế. Ảnh minh họaTheo K., admin (người quản lý, duyệt bài) của một nhóm đánh giá ẩm thực đường phố tại TP.HCM với hơn 100.000 thành viên trên Facebook, điểm cộng lớn nhất và cũng là sức lôi cuốn mạnh mẽ nhất của những nhóm review này nằm ở sự tự do của những người tham gia. Vừa khám phá được một món ăn ngon, độc lạ, họ đăng bài giới thiệu; tìm được một quán có thiết kế đẹp, họ “up” ảnh khoe cùng những người có cùng tâm hồn ăn uống; đi ăn trúng quán có chủ khó tính, nhân viên kém chuyên nghiệp, thức ăn tệ, hóa đơn chặt chém, họ biên bài “bóc phốt”, cảnh báo mọi người.Các bài viết trên những hội nhóm này dù khen hay chê đều nhận được nhiều bình luận, đôi lúc trái chiều (nhất là những bài “tố cáo”). Các admin như K. cảm thấy thoải mái và không phải đắn đo nhiều khi duyệt đăng những review tích cực trên nhóm Facebook của mình. Tuy nhiên nếu chỉ có bài khen thì nội dung trên nhóm sẽ một màu, rất chán. “Một nhóm cộng đồng mà không có bài chê cũng giống như một “sàn” quảng cáo đồ ăn, sẽ không hút được tương tác” - K. nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.Admin này tiết lộ khoảng 50% các bài “khen” trên nhóm không phải từ những thực khách review thật mà là những bài quảng cáo có phí của các đơn vị kinh doanh ăn uống. Chính vì thế, việc cân bằng giữa tỉ lệ bài khen - chê cũng là cách để các hội nhóm review đủ sức hút với cả người dùng lẫn các hàng quán muốn chọn kênh quảng bá. “Tỉ lệ khoảng 7 khen - 3 chê hoặc 6 khen - 4 chê là đẹp với các nhóm review” - K. nói.Võ Thành Duy (23 tuổi) - một trong những bạn trẻ sáng lập 2 nhóm Facebook “Sài Gòn ơi, ăn gì?” và “Đà Nẵng ơi, ăn gì? - cho biết hiện các nhóm có khoảng 4 admin, sẽ làm nhiệm vụ sàng lọc các bài đăng vào nhóm. Vì là nhóm mở nên sự tự do của các bài đăng vẫn sẽ được ưu tiên, tuy nhiên nhóm sẽ cẩn trọng trước những bài đăng “bốc phốt” mang tính thù địch. Võ Thành Duy, admin của nhóm Sài Gòn ơi, ăn gìBộ lọc đầu tiên là tần suất xuất hiện của những từ ngữ bình phẩm tiêu cực một cách nặng nề hay có phần thái quá, kích động. Chỉ trong một bài viết, số từ có ý chê cao một cách bất ngờ có thể là dấu hiệu của một chiêu trò review “bẩn”, chê quán A để ngầm nâng quán B. Hay chỉ trong vài ngày có đến 2-3 bài đăng về nội dung tương tự, nhắm đến cùng một địa chỉ, cũng sẽ đáng ngờ.“Những bài chê thật sự thường sẽ không có quá nhiều ác ý hay liệt kê hàng loạt những điều tệ của quán ăn. Bên dưới các bài đăng này, số lượng bình luận cũng nhìn tự nhiên hơn, sẽ có người hỏi han thêm, có người đồng tình, có người bảo vệ cho chủ quán - Duy nói - Càng làm nhiều thì các admin sẽ có cảm giác về những bài đăng bóc phốt mang dụng ý xấu. Họ cũng sẽ có nhiều mối quan hệ hơn để khi cần có thể gọi điện hỏi thăm kiểm tra chéo thông tin”.Võ Thành Duy cho biết thỉnh thoảng cũng có lúc sau khi các thành viên đăng tải những bài “bóc phốt”, nhóm admin nhận được những yêu cầu xóa bài. Nhóm lấy lý do đây là một trang cộng đồng, sẽ ưu tiên đánh giá của từng thành viên. “Người dùng Facebook hiện cũng tỉnh táo hơn, ngoài đọc bài review, họ xem thêm dưới phần bình luận. Có người còn tìm thêm thông tin về quán ở những nguồn tham khảo khác”.Trong khi đó, K. nói rằng “quyền lực” hiện nay không thuộc về nội dung bài viết mà nằm ở các bình luận. Một bài đánh giá 2 sao cho một quán ăn nhưng khi kéo xuống lại thấy thêm nhiều bình luận chê bai thì người xem cũng sẽ hình dung quán ăn như 0,5 sao. Ngược lại, một bài viết “bốc phốt” nhưng bên dưới lại có quá nhiều ý kiến khen quán thì đôi khi chính người “tố cáo” lại bị “ném đá”.“Biết được tâm lý này nên một số nhóm Facebook sẽ dùng cách sau khi tranh cãi về một quán nào đó, thường là tiêu cực, lắng xuống thì họ sẽ chặn tính năng nhìn thấy các bình luận của bài viết đó. Không thấy được những bình luận chê bai, họ cũng sẽ ít ác cảm hơn với quán ăn bị bóc phốt. Hoặc đôi lúc cũng có những đội ngũ được thuê mướn để bình luận “phản pháo” lại các bài review không tốt về quán ăn của mình. Hiện giờ bình luận mới là mặt trận khốc liệt” - K. nói. ■Food reviewer và chuyện cân bằng khen - chêFood reviewer là từ để chỉ những người làm công việc trải nghiệm ẩm thực và đăng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, YouTube, TikTok. Ngày nay không hiếm các video nội dung review, nhưng không phải ai cũng là food reviewer chân chính, khách quan. Lực lượng này có thể là kênh tham khảo có giá trị cho hàng quán, nhưng cũng có thể là ác mộng nếu họ cố tình chơi xấu.Trần Thành Nhân (24 tuổi) là chủ nhân kênh “Nhân đi ăn”. Nhân chia sẻ “chê” hay “bóc phốt” là một hướng đi của nhiều food reviewer hiện tại. Một số bạn cố tình chê để “câu view”. Nhiều người cố tình tìm đến những quán đang gây sốt, quán của những người nổi tiếng, mang danh là người đánh giá nhưng thực chất đến để cố gắng soi mói những điểm không vừa ý. Ngay từ tiêu đề của các video đã hằn học, chẳng hạn: “Sẽ không bao giờ trở lại quán X”, hay “5 lý do bạn đừng bỏ tiền ghé quán Y”. Trần Thành Nhân, chủ kênh Nhân đi ăn. Ảnh NVCCNhân cho biết thời gian đầu vào nghề, anh cũng làm vài video chê để cân bằng với những review khen. Nhưng anh có những tiêu chí để chê sao cho hợp lý, chẳng hạn quán ấy phải thật sự đem tới những trải nghiệm vô cùng không xứng đáng từ món ăn, cách phục vụ, vệ sinh đến những dịch vụ đi kèm như trông giữ xe. “Sẽ có những giới hạn mà mình đặt ra, nếu đa số các tiêu chí đều vượt quá giới hạn mình mới làm clip chê” - Nhân nói.Tuy nhiên sau khoảng 3 năm vô nghề food reviewer, Nhân nói rằng anh có xu hướng hạn chế những bài mà nội dung chỉ chê một địa điểm ăn uống nào đó. Nhân nghiệm ra rằng dù clip của mình có chê đúng đến đâu đi nữa cũng chỉ là ý kiến của một cá nhân, không thể đánh giá tổng thể và sâu sắc, nhưng chỉ một bài chê phiến diện của mình đôi khi có thể “đạp đổ nồi cơm” của nhiều người kinh doanh. “Nói như vậy không phải mình không chê. Trong hầu hết những clip review, mình đều phân tích cảm nhận của mình về những điểm tốt và điểm chưa tốt của quán. Những điểm chưa tốt sẽ được góp ý một cách cầu thị để quán có thể đón nhận và cải thiện. Phần lớn những bài đánh giá “phản tác dụng” mình thấy chủ yếu là do khen chê quá đà hoặc dùng từ ngữ thái quá” - Nhân nói.Anh cũng cho biết thu nhập của các food reviewer phần lớn là từ việc nhận show giới thiệu các nhà hàng, quán ăn. Do đó, cân bằng được việc đánh giá khách quan, giữa nhu cầu của thương hiệu bỏ tiền và giữ được chất riêng của kênh là một bài toán khó với các food reviewer. “Ví dụ, có quán muốn mình đến trải nghiệm vào buổi sáng để phục vụ tiện lợi hơn, ít khách, thoải mái mà ghi lại những hình ảnh hay video đẹp nhất, họ tiếp mình như một người được biết trước chứ không phải một thực khách bình thường. Nhưng một food reviewer có tâm và muốn đánh giá chân thật nhất phải đi tới vào buổi tối, nơi khách đông nhất, lúc đó mới thấy rõ chất lượng phục vụ, cảm nhận được không gian và thái độ của người ăn” - Nhân nói.■ Bạn đang đọc trong chuyên đề "Những ngôi sao ám ảnh người kinh doanh ăn uống Tiếp theo Tags: FacebookMạng xã hộiĂn uốngChấm saoĐánh giáReviewNhóm FacebookBóc phốt
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Bài ca không quên lần đầu tiên biểu diễn ngoài trời, đường đi bộ Nguyễn Huệ rực cờ hoa HOÀI PHƯƠNG 22/12/2024 Nhiều ca sĩ như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Phan Mạnh Quỳnh... góp giọng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mừng Giáng sinh tưng bừng, trung tâm TP.HCM đông nghịt người đến khuya NHẬT XUÂN 22/12/2024 Trong không khí se lạnh, nhiều người dân TP.HCM tranh thủ cuối tuần để tận hưởng không khí Giáng sinh tại các điểm vui chơi khu vực trung tâm thành phố.
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).
Huế, Hà Nội lọt top 50 thành phố ẩm thực năm 2024 của TasteAtlas, TP.HCM 'rớt' đáng tiếc TÔ CƯỜNG 22/12/2024 Chuyên trang ẩm thực TasteAtlas vừa chốt danh sách 50 thành phố ẩm thực đáng trải nghiệm nhất thế giới, Việt Nam có đến hai địa danh lọt vào top.