Người sửa tàu ở Trường Sa

TẤN VŨ 06/12/2011 23:12 GMT+7

TTCT - “Nếu vì tiền tôi đã ở lại Hàn Quốc. Và cũng nếu vì tiền tôi đã sẵn sàng ngửa tay lấy tiền triệu của ngư dân. Có những cái quý hơn cả bạc tiền đã níu giữ tôi với Trường Sa”.

Đó là tâm sự của ông Mai Khả Dục, người thợ máy đã cứu hàng trăm con tàu ngư dân bình an trở về ở biển trời Trường Sa.

Ông Dục sửa máy cho tàu của ngư dân tại Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo Đá Tây - Ảnh: Tấn Vũ

Trong tất cả vị trí trên con tàu đi biển, phòng máy nổ là chỗ cực hình nhất với bất kỳ ai. Chỉ những người sức khỏe thuộc loại phi phàm nhất và chịu được sóng gió mới được tuyển vào ngành 5 - ngành phụ trách máy tàu. Mũi tàu có thể dập dềnh chao nghiêng cùng sóng nước, nhưng mùi hôi của xăng dầu và độ ngột ngạt vì thiếu không khí ở phòng máy không phải ai cũng chịu được.

Vừa nôn ọe vừa sửa tàu

Đôi má sạm đen, đầu tóc lấm lem dầu máy, chiếc áo thun không còn màu nguyên thủy của nó, ông Dục có nụ cười tươi với hàm răng trắng bóng. Quanh năm với nắng gió và sóng nước khiến người đàn ông 42 tuổi này rắn rỏi như thanh thép nguội. 

Biển động. Đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa rất đông tàu thuyền vào tránh bão. Tàu ngư dân vào đây càng nhiều thì lịch làm việc của ông Dục càng kín. Hẹn bốn ngày ở Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo Đá Tây mới tìm thấy ông. 

Châm điếu thuốc, rít một hơi dài, ông Dục lắc đầu: “18 tháng rồi chưa về nhà. Lu bu quá. Tàu thuyền nhiều kiểu này chưa chắc tết về kịp”. Nói xong, ông lại cầm cờ lê chui vào hầm máy.

Tháng 10, Trường Sa sóng gió liên tục, mới 10 ngày nhưng đã có bốn chiếc tàu của ngư dân miền Trung đánh bắt tại ngư trường truyền thống này bị sự cố. Và kíp thợ của ông Dục lại lao vào cuộc.

Mấy hôm trước, 12 giờ đêm nhận tín hiệu cấp cứu từ tàu QNg90416TS của ngư dân Quảng Ngãi bị chết máy, ông Dục phải lao ra giữa sóng gió cấp 8, cấp 9 để sửa chữa. “Sóng gió to quá, máy tàu phải rướn hết cỡ để chạy vào luồng tránh bão và bị hỏng. Giữa Trường Sa này, mình không ra cứu ngư dân mình sao được. Tàu trôi dạt bị sóng nhận chìm chết người như chơi” - ông Dục giải thích.

Sau bốn giờ ông Dục cùng kíp thợ hì hục trong khoang máy, đến gần sáng con tàu nổ máy trong niềm vui vỡ òa của các ngư dân và tàu chạy vào được luồng để tránh bão an toàn. Ông Dục chia sẻ: “Sửa chữa tàu mà chỉ có bốn giờ như vậy là nhanh đấy. Có hôm phải dập dìu cả ngày trên tàu giữa sóng gió, anh em phụ thợ sửa máy bị nôn thốc nôn tháo. Có người không chịu được sóng nhưng vẫn phải cầm cờ lê, búa mà vặn, mà sửa”.

Ngồi trên con tàu vừa được giải thoát trong sóng gió, ngư dân Nguyễn Thanh Tân, chủ tàu QNg90416TS, tâm sự: “Biển cả không ai biết trước điều gì, chẳng ai tài cán chi. Tàu chết máy giữa chừng, sóng gió bất thường mà không có anh Dục ở đảo thì chỉ có chết”. 

Theo tính toán của ông Tân, nếu một con tàu chết máy giữa Trường Sa mà không sửa được, chi phí để kéo về cảng Sa Kỳ - Quảng Ngãi, cách đó gần 500 hải lý, tốn ít nhất 200-300 triệu đồng. Chưa kể hàng trăm triệu đồng phí tổn cho tàu trước lúc ra khơi và công sức của hàng chục lao động mất toi, chuyến đi coi như “muối bỏ biển”.

Nói về cấp dưới, cũng là cộng sự đắc lực ví như những người thân trong gia đình Đá Tây, ông Chu Minh Sơn - trưởng ban quản lý Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây - không tiếc lời: “Ông Dục là người ít nói. Quanh năm lui cui với máy móc, yêu nghề và chịu khó nghiên cứu nên dù máy to nhỏ, mới cũ qua tay ông đều chạy ngon lành. 

Xuồng hải quân trên đảo ông Dục sửa luôn. Hiếm có người thợ máy nào tận tụy như ông, lúc nào cũng sẵn sàng xung trận. Nhiều ngư dân cho tiền ông, ông mắng. Ly rượu gạo với con cá tươi nhậu cùng ngư dân là được rồi!”.

“Đảo Nam Yết khi đó chỉ có hai cái chòi nhỏ. Nam Yết cũng là nơi đầu tiên tôi đặt chân đến Trường Sa. Hết Nam Yết đến Sinh Tồn, qua Song Tử rồi về Đá Tây… Mỗi nơi lại có nhiều kỷ niệm khắc cốt nên mình gắn với biển đảo lúc nào không hay”

                                                                                                                               Ông Mai Khả Dục 

Vẫy vùng Caribê

Ông Dục sinh ra ở vùng quê nghèo Nga Yên, Nga Sơn, Thanh Hóa. Như hàng ngàn thanh niên cùng thời, ông chưa bao giờ nghĩ một ngày mình khoác áo hải quân, ngao du bốn bể rồi quay về bám trụ với Trường Sa. 

Năm 1989, ông Dục đi bộ đội. “Huấn luyện ở Phú Quốc bốn tháng, bất ngờ một hôm cấp trên gọi tôi lên và bảo cho tôi đi học. Không tin vào tai mình, tôi mừng rơi nước mắt. Ở quân đội mà được cho đi học thì quả là vinh hạnh, quê mình nghèo, điều kiện đâu mà tới trường” - ông kể. 

Sau khi được đào tạo ở khoa máy của Trường trung cấp Kỹ thuật hải quân, tháng 6-1991 ông Dục được điều ra công tác ở đoàn vận tải 955 Trường Sa.

Cũng như hàng triệu người con đất liền, cảm giác háo hức lần đầu đặt chân đến Trường Sa - nơi tuyến đầu của Tổ quốc - hẳn không thể nào quên. “Đảo Nam Yết khi đó chỉ có hai cái chòi nhỏ. Nam Yết cũng là nơi đầu tiên tôi đặt chân đến Trường Sa. Hết Nam Yết đến Sinh Tồn, qua Song Tử rồi về Đá Tây… Mỗi nơi lại có nhiều kỷ niệm khắc cốt nên mình gắn với biển đảo lúc nào không hay” - ông Dục cười hiền.

Năm 1993, ông Dục quay về quê cưới vợ sinh con. Đơn vị cho ông chuyển công tác về Sở Thủy sản tỉnh Thanh Hóa. Gạt cái tàn thuốc xuống nền cát biển, ông Dục thở dài: “Đó là thời điểm nhớ Trường Sa quay quắt. Nhớ từng cụm san hô, từng con sóng, từng mặt người, từng đồng chí, anh em…”.

Khi Công ty Khai thác dịch vụ hải sản Biển Đông ra đời, ông Dục là một trong những người đầu tiên được chọn vào đơn vị này. Vào công ty xong, ông được cho đi nước ngoài làm thợ máy trên tàu đánh cá. Trên con tàu khổng lồ 5.000 tấn của Hàn Quốc, ông Dục là thợ máy chính cùng thủy thủ đoàn lang thang khắp các đại dương. Đó là những tháng ngày cơ cực và khắc nghiệt nhất của nghề làm thuê.

“Nhưng được cái là mình tiếp cận với nhiều loại máy móc, nhỏ có, to có từ máy Hyundai, Daewoo của Hàn Quốc hay Yamaha, Mitsubishi hoặc Nissan của Nhật mình đều sửa chữa. Trước đây chỉ toàn sửa máy M503, M502 của Liên Xô thôi” - ông Dục phấn khởi nói.

Gần sáu năm làm thợ máy, những tháng ngày lang thang trên tàu đánh cá của Hàn Quốc ở vùng biển Caribê (thuộc Nam Mỹ) ông thuộc làu từng con sóng, từng đợt gió mùa và độ sâu cạn trên hải đồ ở xứ sở xa lạ bên kia bờ đại dương này. “Caribê - vùng biển của những con sóng tử thần cao hàng chục mét đột ngột dựng đứng rồi mất tích chính là nỗi khiếp sợ của các thủy thủ chứ không phải cướp biển như trong phim” - ông Dục nhớ lại rồi giải thích.

Những tháng ngày đánh bắt cá xa bờ cho Hàn Quốc ở Nam Mỹ, cuộc sống kinh tế gia đình ông Dục cải thiện đáng kể. Nhưng rồi ông quyết định trở lại Trường Sa. Bốn đêm sau khi về nước, ông quyết định ngồi thảo lá đơn xin đơn vị cho được ra lại Trường Sa. May mắn là đơn ông được chấp nhận khi dự án phát triển kinh tế của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đầu tư ở Đá Tây này. Vậy là chỉ ở bên gia đình đúng một tháng 20 ngày, ông Dục vội vàng thu xếp mọi thứ quay ra Trường Sa.

“Mới đó mà đã hơn 10 năm tôi đến với Trường Sa. Bốn cái tết và chục mùa dông bão, hàng trăm cơn bão lớn nhỏ quất vào Đá Tây, tất cả trở thành thân thuộc. Bây giờ tôi quyết định ở đây cùng ngư dân cho đến cuối đời” - ông Dục quả quyết chắc nịch với Trường Sa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận