Để "quét mã" không âu lo

HOA KIM 15/06/2024 09:17 GMT+7

TTCT - Các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đem lại nhiều sự thuận tiện nhưng cũng phát sinh những vấn đề khi áp dụng thực tế khiến nhiều người còn e dè chưa muốn chuyển đổi. Đó là những quan ngại chính đáng.

Ảnh: Adobe Stock

Ảnh: Adobe Stock

Các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đem lại nhiều sự thuận tiện nhưng cũng phát sinh những vấn đề khi áp dụng thực tế khiến nhiều người còn e dè chưa muốn chuyển đổi. Đó là những quan ngại chính đáng, mà một khi giải quyết được sẽ giúp gỡ bỏ thêm một rào cản trên con đường hướng tới một xã hội không tiền mặt.

Một cửa hàng cà phê không chấp nhận tiền mặt khi thanh toán có thể nằm cách không xa các quán nhất quyết không nhận chuyển khoản. Người tiêu dùng luôn miệng xin quét mã QR để thanh toán, trong khi chủ quán khóc ròng vì bị lừa đảo. 

Những thông tin tương tự như thế không chỉ xuất hiện trên mặt báo Việt Nam trong thời gian qua, mà còn ở nhiều nơi, từ Nigeria đến Vương quốc Anh.

Tiểu thương "ngán" chuyển khoản

Mặc cho nhiều chính sách hạn chế tiền mặt của hệ thống ngân hàng Nigeria, các tiểu thương ở Lagos - thành phố lớn nhất và là trung tâm tài chính của quốc gia Tây Phi - vẫn từ chối nhận chuyển khoản từ người mua do nhiều vấn đề liên quan đến lỗi kết nối và lừa đảo, báo điện tử People's Gazette (Nigeria) đưa tin tháng 12-2023.

Các sự cố như nghẽn mạng hay giao dịch thất bại gây ảnh hưởng tiêu cực đến công việc buôn bán của họ và khiến các tiểu thương được khảo sát dần "mất lòng tin" và quay lưng với thanh toán không tiền mặt.

Fatima Tunji, một người bán bắp ở Lagos, cho biết có khách mua bắp nướng giá chỉ 500 naira (8.500 đồng) cũng đề nghị chuyển khoản, nhưng giao dịch với số tiền rất nhỏ này được ngân hàng xử lý khá lâu rồi… thất bại. "Tôi không nhận được tiền, trong khi khách cũng bị phong tỏa số tiền đó. Đó là một trải nghiệm rất ức chế" - People's Gazette dẫn lời Tunji.

Dù than rằng những sự cố kiểu thế ảnh hưởng xấu đến doanh số hằng ngày, Tunji vẫn cố chịu. Một tiểu thương khác, Ufuoma Nnaji, từ lâu đã kiên quyết nói không với thanh toán chuyển khoản. 

Nnaji từng là nạn nhân của lừa đảo bằng thông báo chuyển tiền thành công giả mạo. "Từ đó về sau, tôi quyết định sẽ không bán hàng cho bất cứ vị khách nào không trả bằng tiền mặt" - Nnaji nói.

Cô giải thích thêm rằng bản thân không có điện thoại Android có thể cài đặt ứng dụng ngân hàng để kiểm tra số dư ngay sau khi khách chuyển khoản. "Điều tốt nhất tôi có thể làm là liên hệ với một nhà cung cấp máy điểm bán hàng (PoS)... nhưng khách hàng sẽ phải chịu phí" - Nnaji phân trần.

Biển báo chấp nhận thanh toán thẻ tại một khu chợ ở Lagos, Nigeria ngày 16-2-2023 - Ảnh: AFP

Biển báo chấp nhận thanh toán thẻ tại một khu chợ ở Lagos, Nigeria ngày 16-2-2023 - Ảnh: AFP

Trải nghiệm thanh toán không tiền mặt không mấy suôn sẻ của những người kinh doanh nhỏ lẻ ở Lagos là bức tranh đối lập với chính sách khuyến khích hình thức thanh toán này của các ngân hàng địa phương.

Theo ghi nhận của People's Gazette, xung quanh những khu vực như Ikotun, Ejigbo, Ajao Estate và Mushin, chỉ một số ít (khoảng 20%) máy ATM là cho phép rút tiền mặt. 

Điều này có thể là để tuân thủ quy định mới do Ngân hàng Trung ương Nigeria ban hành có hiệu lực từ tháng 1-2023, trong đó giới hạn mỗi tài khoản cá nhân chỉ được rút tối đa 20.000 naira (342.000 đồng) mỗi ngày và không quá 100.000 naira (1,7 triệu đồng) mỗi tuần, theo Hãng tin AP.

Nếu có nhu cầu rút nhiều hơn, khách hàng sẽ mất phí xử lý và chỉ được duyệt trong "những trường hợp thật sự cần thiết, không quá một lần mỗi tháng", Đài Fox News dẫn lời Haruna Mustafa, giám đốc phụ trách giám sát hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Trung ương Nigeria.

Những hệ thống dễ tổn thương

Thành bại của thanh toán không tiền mặt phụ thuộc nhiều vào việc cơ sở hạ tầng và hệ thống của các ngân hàng và đơn vị quản lý thanh toán phối hợp với nhau nhịp nhàng, bởi một trải nghiệm không hài lòng của khách hàng cũng có thể khiến họ cảm thấy dùng tiền mặt vẫn an toàn hơn.

Ngày 15-3, thương hiệu cửa hàng thức ăn nhanh McDonald's gặp sự cố "gián đoạn hệ thống công nghệ toàn cầu" khiến các cửa hàng của chuỗi phải tạm ngưng nhận khách trong khi đơn hàng trực tuyến và đặt qua ứng dụng di động cũng không thể thực hiện được, CNN đưa tin. Sự cố gây ảnh hưởng đến các cửa hàng McDonald's ở Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hong Kong và Anh.

"Sự cố này không xuất phát trực tiếp từ một sự cố an ninh mạng; mà do nhà cung cấp bên thứ ba gây ra trong quá trình thay đổi cấu hình hệ thống" - giám đốc thông tin toàn cầu của McDonald's Brian Rice cho biết trong một thông cáo đăng trên trang web công ty.

Các chuyên gia công nghệ tin rằng đây không chỉ là một sự cố đơn lẻ, mà lỗi phần mềm của nhà cung cấp này có thể là nguyên nhân đằng sau hàng loạt lỗi thanh toán được ghi nhận ở các thương hiệu khác trong cùng một tuần, theo Đài BBC.

Sau McDonald's, hệ thống siêu thị Sainsbury's ở Anh cũng không thể xử lý thanh toán cho các đơn hàng trực tuyến cũng như tại cửa hàng ngày 16-3, và buộc phải hủy một số lượng đơn của khách đã đặt. Ngày 20-3, chuỗi tiệm bánh Greggs cũng ghi nhận tình trạng tương tự.

Tặng tiền cho nghệ sĩ hát rong bằng quét thẻ gần London Eye, ảng chụp ngày 1-9-2018 - Ảnh: AFP

Tặng tiền cho nghệ sĩ hát rong bằng quét thẻ gần London Eye, ảng chụp ngày 1-9-2018 - Ảnh: AFP

BBC dẫn lời Alan Stephenson-Brown, CEO Công ty công nghệ Evolve, đánh giá việc xảy ra gián đoạn trên diện rộng lần này là "lời nhắc nhở kịp thời rằng ngay cả các tập đoàn lớn cũng không tránh khỏi các sự cố công nghệ thông tin".

Trang CIO thì cho rằng việc cập nhật phần mềm của một nhà cung cấp có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền cho thấy sự phụ thuộc ngày càng tăng của các nhà bán lẻ vào hệ thống thanh toán của bên thứ ba. 

"Các vấn đề kỹ thuật có khả năng cản trở sự chuyển dịch toàn cầu từ tiền mặt sang thanh toán kỹ thuật số" - chuyên trang về công nghệ thông tin doanh nghiệp này nhận xét.

"Các lớp công nghệ tham gia vào một môi trường thanh toán phức tạp đến bất ngờ. Nhà bán hàng càng lớn thì hệ thống này càng phức tạp" - CIO dẫn lời Aaron Press, giám đốc nghiên cứu về chiến lược thanh toán toàn cầu tại Công ty nghiên cứu thị trường IDC. Điều này cũng đúng với những người bán hàng nhỏ lẻ cần tiếp cận giải pháp thanh toán không tiền mặt.

"Không cách nào khác được. Thông thường có khoảng 10 bên trung gian đứng giữa tham gia quá trình kể từ lúc người tiêu dùng quẹt thẻ tín dụng đến khi người bán hàng nhận được số tiền đó" - theo ông Narayana Pappu, CEO của Zendata, một nhà cung cấp các giải pháp bảo mật dữ liệu.

"Thứ duy nhất mà bất kỳ công nghệ máy tính nào có thể đảm bảo là nó sẽ hỏng vào một thời điểm nào đó" - Tamir Passi, giám đốc sản phẩm tại nhà cung cấp phần mềm bảo mật DoControl, nói với CIO.

Để các hệ thống thanh toán không tiền mặt vận hành trơn tru, điều cần thiết là có kế hoạch dự phòng và đảm bảo khả năng phục hồi nhanh chóng của hạ tầng, theo Passi.

Vì chi phí luôn là yếu tố quan trọng khi nhà bán lẻ lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý thanh toán không tiền mặt, các công ty cần cân nhắc nghiêm túc việc đưa vào hợp đồng các điều khoản liên quan đến thỏa thuận mức dịch vụ (service-level agreement) hoặc chỉ số để đánh giá tính khả dụng (availability), đảm bảo thời gian "chết" của hệ thống nằm trong ngưỡng chấp nhận được và không làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của người mua.

"Dù tiền mặt sẽ không biến mất hoàn toàn khỏi hầu hết các xã hội, sự tiện lợi của thanh toán điện tử là quá lớn để không duy trì đà phát triển của nó - Passi nói với CIO - Đây là cơ hội để các đơn vị xử lý thanh toán cải thiện kiến trúc hạ tầng hướng đến khả năng phục hồi càng cao càng tốt. Nó sẽ có cái giá của nó, và khách hàng sẽ phải sẵn lòng chi trả".

Cẩn trọng với "tội phạm QR"

Quét mã QR để thanh toán "chớp nhoáng" là một trong ưu điểm lớn nhất của thanh toán không tiền mặt. Song kẻ gian cũng nhanh chóng nghĩ ra trò dán đè QR chuyển tiền về tài khoản của chúng lên mã của các cửa hàng, nơi cung cấp dịch vụ.

Khách hàng nếu không để ý sẽ chuyển tiền đến thẳng tài khoản kẻ gian thay vì của chủ cửa hàng. Chiêu trò này cũng đã xuất hiện ở Việt Nam.

Theo báo Telegraph (Anh), từ năm 2020 đến nay đã có khoảng 1.200 vụ lừa đảo liên quan đến mã QR được trung tâm chống gian lận và tội phạm mạng quốc gia Anh Action Fraud điều tra, trong đó chỉ tính riêng năm 2023 là 400 vụ.

Bãi giữ xe tự động đang là nơi tội phạm dạng này đặc biệt ưa thích. Chris Saynor (48 tuổi) là một nạn nhân điển hình khi từng bị bọn xấu sử dụng gần 3.000 bảng Anh từ thẻ của mình sau khi anh quét mã QR thanh toán tại một điểm đậu xe thu phí tự động.

Rất may là sau đó anh đã được hoàn trả gần như toàn bộ số tiền này sau khi ngân hàng xác nhận đó là những chi tiêu không chính chủ.

Tội phạm khai thác mã QR chuyển tiền đang lộng hành tới mức tháng 9 vừa qua, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) phải đưa ra một số "mẹo" để người tiêu dùng tự bảo vệ bản thân khi thực hiện các giao dịch không tiền mặt thông qua hình thức quét mã QR.

Thứ nhất, đừng bao giờ quét một mã QR bạn vô tình bắt gặp mà không biết nó của ai hay để làm gì.

Thứ hai, hãy đặc biệt cẩn trọng khi mã QR dẫn đến một trang web yêu cầu bạn đăng nhập bằng tài khoản và mật khẩu, bởi đó rất có thể là cái bẫy của kẻ gian nhằm đánh cắp thông tin.

Thứ ba, đừng vội quét ngay mã QR mà bạn nhận được qua hòm thư điện tử hoặc tin nhắn từ một người quen, mà hãy tìm cách liên lạc với người gửi để đảm bảo đó là mã QR an toàn.

Cuối cùng, hãy cân nhắc sử dụng phần mềm diệt vi rút trên điện thoại có tích hợp tính năng kiểm tra mã QR trước khi cho phép người dùng mở liên kết. Bằng cách này, bạn đã tăng thêm một lớp bảo mật để có thể yên tâm hơn khi thực hiện các giao dịch không tiền mặt.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận