Hậu Fukushima: Nước Nhật tự phẫu thuật

DUY VĂN 24/07/2012 20:07 GMT+7

TTCT - Kiyoshi Kurokawa là cái tên đang được truyền thông Nhật nhắc nhiều những ngày này. Ông là tác giả câu nhận định nổi tiếng: “Thảm họa Fukushima là sản phẩm made in Japan”.

Phóng to
Ông Kurokawa tại cuộc họp công bố kết quả điều tra ngày 5-7 - Ảnh: Reuters

Nguyên văn đầy đủ nhận định như sau: "Điều phải thú nhận - một cách đau đớn - rằng đó là thảm họa "made in Japan". Nếu đặt những người Nhật khác vào vị trí của những người có trách nhiệm trong tai nạn này thì kết quả có thể cũng tương tự" (1). Tiến sĩ y khoa Kiyoshi Kurokawa là cựu chủ tịch Hội đồng khoa học Nhật và là giáo sư danh dự Đại học y Tokyo. Ông đưa ra nhận định trên với tư cách chủ tịch Ủy ban điều tra nguyên nhân thảm họa Fukushima - NAIIC, một tổ chức độc lập do Quốc hội Nhật thành lập từ tháng 12 năm ngoái. Sau sáu tháng điều tra với 900 giờ phỏng vấn 1.167 người, ủy ban này đã trình kết luận dài 641 trang lên Quốc hội Nhật hôm 5-7.

Điều cần nhấn mạnh là kết luận của ủy ban không giống hai kết luận trước đó liên quan đến sự cố rò rỉ phóng xạ ở Nhà máy điện Fukushima Daiichi sau trận động đất kéo theo sóng thần tháng 3-2011.

Báo cáo sơ bộ đầu tiên về nguyên nhân thảm họa được công bố tháng 12-2011, của một ủy ban chính phủ và dự tính bản đầy đủ sẽ được đưa ra vào hè này. Báo cáo thứ hai là của một ủy ban khác do một tổ chức độc lập tiến hành, cũng đã công bố kết quả hồi tháng 2. Hai báo cáo này đều nhận định thảm họa Fukushima là do thiên nhiên gây ra: động đất lên tới 9 độ Richter kéo theo sóng thần 15m có sức hủy diệt khiến sự cố là điều không thể tránh khỏi.

lỗi do "văn hóa nhật"?

Tuy nhiên, báo cáo của Kurokawa khẳng định ngược lại: "Những nguyên nhân gây nên thảm họa đã được tiên lượng từ lâu trước đó", và quy lỗi cho Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), cho các cơ quan chính phủ về năng lượng hạt nhân (Cơ quan An toàn công nghiệp và hạt nhân - NISA và Ủy ban An toàn hạt nhân - NSC).

Theo đó, các cơ quan này đã biết rõ từ năm 2006 là Fukushima 1 không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn mới, rằng lõi của các lò phản ứng có thể bị tác động nếu xảy ra sóng thần cao hơn mặt bằng của lò phản ứng. Nó có thể làm mất điện (điều quả thật đã xảy ra) đặt cả nước vào nguy cơ nổ lò hạt nhân. Biết rõ điều đó nhưng NISA đã không kiểm tra xem trạm điện đã có thay đổi đáp ứng tiêu chuẩn an toàn hay chưa, trong khi TEPCO không làm gì để giảm nhẹ thảm họa.

Báo cáo khẳng định: "Nếu TEPCO chịu hiện đại hóa trạm điện theo quy chuẩn Mỹ, được đưa ra sau các cuộc tấn công khủng bố 11-9, thì thảm họa hoàn toàn có thể ngăn chặn được". Ủy ban độc lập còn chỉ ra xung đột lợi ích giữa các chủ thể điều hành các hoạt động hạt nhân, như NISA được thành lập như một thành phần của Bộ Kinh tế, thương nghiệp và công nghiệp (METI), tức chính cơ quan đang tích cực thúc đẩy phát triển điện hạt nhân trong nước.

Báo cáo cho biết TEPCO đã "quá nhanh nhảu quy kết sóng thần là nguyên nhân gây ra sự cố tại ba trong sáu lò phản ứng hạt nhân ở Fukushima, bị nóng lên do hỏng hệ thống làm lạnh vì mất điện". Trong khi TEPCO khẳng định nhà máy đã vượt qua được trận động đất, và thủ phạm là trận sóng thần thì báo cáo của Kurokawa lại cho rằng lò phản ứng số 1 đã bị hư hại ngay từ trận động đất, và nhiều khả năng các đường ống đã bị nổ do chấn động, dẫn tới việc mất các nhân tố làm lạnh ngay trước khi sóng thần đánh vào 30 phút sau chấn động đầu tiên đó.

Báo cáo còn cáo buộc thủ tướng Naoto Kan (đã rời chức hồi tháng 8-2011) không tuyên bố tình trạng khẩn cấp đúng lúc, và chỉ ra ông cùng với các thành viên nội các phải chịu trách nhiệm cho cuộc di dời dân chúng có phần lộn xộn vào lúc ấy (tổng cộng có 150.000 người dân đã được di dời). Báo cáo đã kết thúc bằng bảy đề xuất, trong đó có yêu cầu Quốc hội phải giám sát hoạt động của các cơ quan chính quyền, xem xét lại hệ thống xử lý khủng hoảng của chính phủ...(2).

Vấn đề lớn hơn từ báo cáo này, và gây dư luận nhiều ở Nhật tuần qua, là ở nhận xét của tiến sĩ Kurokawa về nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng. "Đây là cuộc khủng hoảng "made in Japan", kết quả của những thỏa thuận ngầm ăn sâu trong văn hóa Nhật", và Kurokawa thẳng thừng gọi tên những "nguyên nhân văn hóa" đó là "sự tuân phục cố hữu, không dám thách thức giới cầm quyền, chủ nghĩa nhóm phái và tính thiển cận". Những phát biểu không nương tay này của tiến sĩ Kurokawa không khỏi khiến người ta liên tưởng đến một nhát dao rạch bắt đầu cho một cuộc phẫu thuật tự nhìn lại...

Phóng to
Nhà văn đoạt Giải Nobel văn học Kenzaburo Oe (giữa) trong cuộc họp báo tại Câu lạc bộ Nhà báo quốc tế ở Tokyo ngày 12-7 - Ảnh: AJW

Nhà văn Oe kêu gọi hình thành "tính cách Nhật mới"

Khỏi phải nói phát biểu của Kurokawa đã gây dư luận thế nào trong một xã hội vốn tôn trọng quy củ và kỷ luật nghiêm ngặt. Một số tờ báo chỉ trích Kurokawa nặng lời khi quy kết lỗi cho văn hóa Nhật.

Viết từ Tokyo trên The Financial Times (3), nhà báo Mure Dickie lập luận rằng "văn hóa Nhật đâu có ngăn dân Nhật chống năng lượng hạt nhân. Các công ty Nhật và các nhà điều hành nó cũng đâu đã bất lực trong việc điều hành hệ thống công nghệ an toàn: tàu cao tốc Shinkansen chạy từ năm 1964 đến nay cũng không để xảy ra một vụ va đụng hay trật đường ray nào. Chính việc quá chú trọng vào văn hóa có thể đẩy trách nhiệm khỏi những cơ quan điều hành và các cá nhân thật sự mới là những kẻ đưa ra quyết định dẫn tới thảm họa này".

Hơn thế nữa, nhà báo này chỉ ra những vấn đề mà tiến sĩ Kurokawa nêu lên - "như sự bất tài của các cơ quan trong việc đưa ra các kịch bản cho những trường hợp xấu nhất cùng với việc thiếu giám sát của báo chí độc lập - là chuyện quá phổ biến trên thế giới. Nó đầy dẫy ở các nước đang phát triển, nơi phần lớn trong số 61 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng".

Tuy nhiên, một số tờ báo khác có vẻ nghiêng theo kết luận của tiến sĩ Kurokawa. Như Japan Daily Press còn "đổ dầu vào lửa" khi chỉ ra tám trong số 20 cán bộ của TEPCO đã "hạ cánh an toàn" vào các chức vụ khác theo truyền thống "chiếc dù vàng" của Nhật (4).

Năm ngày sau báo cáo Kurokawa, tác giả đoạt Giải Nobel văn học 1994 Kenzaburo Oe trong một cuộc họp báo bày tỏ chính kiến: "Tôi đồng ý với Kiyoshi Kurokawa rằng cần phải suy nghĩ sâu sắc về trạng thái tâm lý của người Nhật để hiểu điều gì xảy ra tại nhà máy Fukushima".

Thậm chí, còn thẳng thừng hơn Kurokawa, người chỉ "tấn công" thủ tướng Naoto Kan đã rời chức, nhà văn Oe đặt vấn đề thẳng với đương kim Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda: "Trong giải thích quyết định của mình khởi động lại các lò phản ứng ở Oi, thủ tướng của chúng ta đã sử dụng lời lẽ hoa mỹ rất Nhật, tựa như chẳng có gì xảy ra. Giống như ông đã quên chúng ta đã gây rắc rối thế nào cho thế giới với việc mửa ra số lượng lớn chất phóng xạ. Tôi nghĩ đó là những hành động và tâm thế đặc trưng của dân Nhật trong lịch sử 60 năm hậu chiến" (5).

Về sự cố Nhà máy Fukushima, Oe nói thế hệ những người Nhật lớn tuổi trước đây đã phản ứng bằng cách bám vào nguyên tắc "đẩy trách nhiệm cho các chuyên gia", coi mình như những người thụ hưởng im lặng. Oe nói: "Đã đến lúc chúng ta từ bỏ thái độ vô trách nhiệm". Nhà văn 77 tuổi kêu gọi "đám đông ẩn danh" những người trẻ Nhật đang ngày càng đòi hỏi được lắng nghe có trách nhiệm cải tổ tâm lý dân tộc đó. "Tôi hi vọng hành động của họ sẽ hình thành nên một tính cách Nhật mới". Cần nhắc đây là cuộc họp báo mà Oe và hai nhà báo Nhật kỳ cựu tổ chức nhằm gây chú ý tới cuộc biểu tình ở Tokyo ngày 16-7 kêu gọi một nước Nhật không có hạt nhân.

Theo nhật báo Asahi, ông Sadakazu Tanigaki, chủ tịch Đảng Dân chủ tự do Nhật, và người đứng đầu Đảng Komeito Natsuo Yamaguchi đã gặp nhau ở Tokyo tuần rồi và đồng ý báo cáo phải được thảo luận ở cả hai viện Quốc hội Nhật. Có vẻ như lời kêu gọi của ông Kurokawa không bị bỏ ngoài tai: "Cuộc khủng hoảng vẫn chưa qua đi... Nước Nhật cần phải hành động... để lấy lại lòng tin của thế giới".

DUY VĂN

Tiến sĩ Kiyoshi Kurokawa từng sống 15 năm ở Mỹ trước khi trở về Nhật thập niên 1980. Ông nổi tiếng là một nhà phê bình đanh thép văn hóa doanh nghiệp và giáo dục Nhật. Trong số Ủy ban độc lập mười thành viên, có các chuyên gia địa chấn, y khoa, giáo sư luật, đại diện giới doanh nghiệp... tất cả đều từ các khu vực tư.

Theo nhận xét của The New York Times, việc thành lập cơ quan này nhằm tránh những đánh giá một chiều do chỉ dựa vào bộ máy hành chính Nhật và tránh việc các cơ quan chính quyền tự biện hộ. Ðây là một cách làm không chỉ rất khác theo tiền lệ Nhật, mà còn theo kinh nghiệm của Mỹ sau những thất bại có nhiều bên liên quan: thí dụ vụ tai nạn hạt nhân ở Three Mile Island năm 1979, các tai nạn tàu con thoi Challenger và Columbia năm 1986 và 2003, vụ tấn công khủng bố 11-9-2001.

__________

(1): http://naiic.go.jp/en/report/
(2):
http://ajw.asahi.com/article/0311disaster/fukushima/AJ201207050076
(3)
http://ajw.asahi.com/article/0311disaster/analysis/AJ201207120045
(4): (
http://japandailypress.com/fukushima-disaster-found-to-have-been-man-made-preventable-066050)
(5):
http://ajw.asahi.com/article/0311disaster/fukushima/AJ201207120088

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận