Không chợ, mợ vẫn đông?

NHIÊN ANH 18/04/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Theo trí nhớ và hiểu biết của người viết, siêu thị đúng nghĩa đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất ra đời vào năm 1997 - góc ngã ba Vũng Tàu với cái tên Tây: Siêu thị Cora. Lần đầu tiên người Việt Nam được đứng trong một không gian tràn ngập hàng hóa, sáng choang và mát lạnh.

Trong ký ức người dân Đông Nam Bộ thời đấy có hình ảnh chờ đợi rất lâu mới chen chân được vào Cora, chỉ để mua cái bánh mì dài, ăn nho trên kệ trái cây và đổi dép lê lấy xăngđan đi về giả vờ quên trả tiền. 

Nhiều người vẫn thắc mắc mãi người mở cửa kính núp ở đâu mà khi mình bước vào, cửa lại được mở ra rất đúng nhịp.

 
 Chợ Bến Thành đìu hiu, ảm đạm, các sạp mở bán thưa thớt. Ảnh: Duyên Phan

Từ những ngày đầu tiên

Kể từ thời điểm đó, ngôi vị của cái chợ có tuổi đời trăm năm, thậm chí cả ngàn năm, nơi bà bán thịt có ít nhất ba đời đứng quầy đấy, ai mua loại nào, bao nhiêu cân, chỉ thấy mặt là biết mà không cần hỏi, nơi mà có người ngày nào cũng phải đảo qua để chào hỏi buôn chuyện với những người quen từ không biết bao nhiêu năm tháng - dù nhà không thiếu thức ăn - bắt đầu bị chia năm sẻ bảy.

Cora biến mất sau 10 năm, nhường lại cho một loạt tên tuổi khác, nổi bật nhất là Co.op Mart - doanh nghiệp quốc nội được Nhà nước bảo trợ bằng chính sách định vị vị trí đắc địa: tất cả những ngã tư lớn ở Sài Gòn, Co.op Mart là doanh nghiệp được ưu tiên. 

Khoảng năm 2000, Co.op Mart quận 9 là điểm hiếm hoi sau 9h tối còn sáng đèn. Người dân Thủ Đức, quận 9 không có thú vui nào khác ngoài đi nhậu ở “làng Đại học” và… vô Co.op Mart chơi.

Tiếp theo sự ra đời của siêu thị - khái niệm giúp người Việt Nam bước lên một bước trong quá trình trở thành những thị dân đích thực - là hệ thống các cửa hàng tiện lợi. Cũng như sự phát triển của siêu thị, người tiên phong của hệ thống cửa hàng tiện lợi lại thất bại: hệ thống cửa hàng G7 của Đặng Lê Nguyên Vũ.

Với sự tự tin đã làm nên hệ thống cà phê Trung Nguyên, G7 Convenience Shop định vị sẽ là nơi người tiêu dùng mua tất cả những gì họ cần cho nhà bếp, bắt đầu là từ gói cà phê và hộp sữa. 

Chính sách lên kệ của G7 không dựa vào mì tôm, xà phòng, gạo, kem đánh răng… nên đã thất bại. Chuỗi cửa hàng G7 mở khá ồ ạt dần teo tóp chỉ sau vài năm.

Nhưng nó là khởi đầu để một thời gian ngắn sau, Circle K, Family Mart, Seven Eleven…, những thương hiệu nổi tiếng của ngành cửa hàng tiện lợi khắp châu Á, thâm nhập thị trường Việt Nam. 

Chợ truyền thống có thêm một đối thủ - với bối cảnh thời gian để một cửa hàng tiện lợi mới ra đời chỉ là tích tắc so với thời gian mang tính lịch sử để một khu chợ truyền thống thực sự ổn định, thành hình thành dạng, từ chỗ buôn có bạn, bán có phương.

Đến khi thương mại điện tử ra đời 5 năm sau nữa, khi những cái tên như Tiki, Shopee, Lazada… tràn ngập tất cả ngóc ngách của hầu như mọi trang tin điện tử nào, rồi sự đột phá của các “gúp” mua bán trên Facebook, Zalo, nhóm chat nhà chung cư…, chợ truyền thống chính thức đứng trước sự thật nghiệt ngã: nhiều khu chợ lâu đời rồi sẽ không còn khách hàng và phải bị khai tử. Không phải vì mô hình chợ truyền thống làm gì sai, ngược lại thì đúng hơn: mô hình đó đã chẳng làm gì cả!

Ưu thế không thể đảo ngược

Trong cuộc chiến giành giật chiếc giỏ của người nội trợ, các hình thức kinh doanh hiện đại đang dần thể hiện ưu thế không thể đảo ngược. 

Điểm yếu của họ về mặt giá cả cũng chỉ là trong giai đoạn khởi đầu. Khi số lượng địa điểm - “mapping” của các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi họ đã phủ đủ rộng, giá cả cũng trở nên cạnh tranh hơn nhiều.

Số liệu thống kê của Nielsel&Nielsel năm 2019 cho thấy thị phần của chợ truyền thống, xét chung trên cả lãnh thổ Việt Nam, vẫn chiếm hơn 70% tổng lượng hàng hóa tiêu dùng cho các hộ gia đình, bất chấp sự bùng nổ của các loại hình kinh doanh hiện đại khác. 

Ở những đô thị nhỏ và vùng nông thôn, chợ truyền thống vẫn là nơi buôn bán chủ yếu của phần đông dân cư bởi nhiều lý do: thói quen, sự tiện lợi của không gian rộng rãi, những đặc tính riêng biệt về văn hóa và không gian giao tiếp cộng đồng - thứ mà chỉ chợ truyền thống mới có.

Tuy nhiên, những lý do đấy theo thời gian và sự phát triển của tiến trình đô thị hóa sẽ bớt dần đi. Tốc độ phát triển của các loại hình chợ khác là trên 10% mỗi năm, còn chợ truyền thống là xấp xỉ… 1%. 

Tương lai các chợ truyền thống giờ sẽ đứng trước một số kịch bản không thể tránh khỏi: biến mất hoặc phải thay đổi để giống với chợ hiện đại hơn, hòng cạnh tranh tốt hơn; hay trở thành một công năng khác - chuyên biệt cho văn hóa - du lịch (với nhiều ứng viên ở khắp mọi miền đất nước: chợ Đồng Xuân ở Hà Nội, Đông Ba ở Huế, Bến Thành ở TP.HCM…).

Chợ truyền thống không có khả năng mở rộng không gian, khó nâng cấp để áp dụng các công nghệ hiện đại - như tăng diện tích bãi đỗ xe, hiện đại hóa hệ thống quầy kệ, thanh toán thông minh…, và hầu như không thể làm cho nó sạch sẽ hơn và do đó, khó an toàn hơn. 

Đấy là những điểm yếu cố hữu không dễ thay đổi, vì bản chất chợ truyền thống đã được định danh như thế: “Ồn ào, lộn xộn như một cái chợ!”.

Điều đó dần dẫn đến quy tắc: Cái gì không có tiêu chuẩn, hoặc không đủ tiêu chuẩn để lên kệ siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi thì đem ra chợ bán. Thế nhưng, điều này đồng thời lại là điểm mạnh của chợ truyền thống: vô cùng hữu dụng và bao dung với các công ty khởi nghiệp.

Một ví dụ rõ ràng là các cửa tiệm điện máy, thiết bị đồ gia dụng ở các chợ trung tâm đô thị vừa và nhỏ, đây chính là nơi sản phẩm điện tử nội địa như Kangaroo, Sunhouse… bắt đầu thâm nhập thị trường trước khi có cơ hội lên kệ ở các siêu thị điện máy. 

Muốn bán được hàng điện máy chưa có thương hiệu, hãy tìm đến cổng chợ. Bí quyết đấy đến giờ vẫn nguyên giá trị.

Tương lai nào cho chợ truyền thống?

Nhưng tại sao chợ truyền thống hầu như không có cơ hội phát triển nữa? Về phía cung, sản phẩm gì được sản xuất hàng loạt, có thể đóng gói, có nhãn mác, hạn sử dụng rõ ràng, sớm muộn sẽ được ưu tiên đưa lên kệ, thay vì bày bán ở cái sạp tre. Nhưng vấn đề cốt lõi vẫn là phía cầu: khách hàng.

Những loại hình kinh doanh mới biết cách tạo ra thứ mà ngôn ngữ marketing thời thượng gọi là “trải nghiệm khách hàng”. 

Họ biết lý do một người trẻ, đi làm ở thành thị, sẽ ngần ngại bước vào chợ truyền thống, sau khi đã mua hàng ở siêu thị: máy lạnh, sạch sẽ, thanh toán tiện dụng, giá cả rõ ràng… Cũng như lúc nhỏ trẻ con được ăn gà rán KFC thì lớn lên, gà đồi luộc lá chanh sẽ lạt lẽo.

Chỉ cần một thế hệ, người Việt Nam đã thay đổi được thói quen đứng chống chân vói tay mua bó rau còn cả con ốc sên bò lổm ngổm, để yểu điệu xách giỏ đi vào siêu thị nhón tay lấy hộp rau đã rửa sạch về nhà chỉ việc nấu. 

Giá phải trả cao hơn, đương nhiên, nhưng cái trải nghiệm văn minh giúp con người ta có thêm quyết tâm kiếm tiền thêm hòng duy trì trải nghiệm đấy.

Với chợ truyền thống, các nỗ lực làm mới - như cách kết hợp phía dưới truyền thống, phía trên hiện đại ở chợ Đầm Nha Trang cách đây 15 năm, hay chợ Hàng Bè ở Hà Nội - không thể gọi là thành công. 

Việc cộng cư của hai hình mẫu chợ trong một không gian - lý thuyết quy hoạch đô thị và kinh doanh nghe có thể hay, nhưng thực tế ở Việt Nam chưa có một ví dụ nào đủ sức thuyết phục.

Chợ truyền thống, do vậy, dần nghiêng về hướng phát triển công năng văn hóa và bảo tồn di sản bản địa. 

Nói nghe to tát, thực tế thì đơn giản thôi: đi du lịch Mũi Né thì phải đi chợ cá làng Chài ở Hòn Rơm; đi tour Hà Giang - Mèo Vạc là phải chạy thêm mấy mươi cây số để đến chợ tình Khâu Vai - dẫu nó không bao giờ còn như xưa; và thật ra với du khách người Việt tới một đô thị bất kỳ, rẽ vào khu chợ chính của nơi đấy vẫn là một nghi thức gần như không thể bỏ qua. 

Những đặc tính văn hóa bản địa đấy, siêu thị hay trung tâm mua sắm khó thể có được.

Nhưng bao nhiêu phần trăm ngôi chợ trên lãnh thổ Việt Nam có được cái bề dày truyền thống đủ để thu hút khách hàng bằng cách như vậy? 

Thêm nữa, các chợ truyền thống không có một mối liên kết hay một hiệp hội đúng nghĩa để ngồi lại với nhau hầu tìm những hướng đi mới, hay ít ra là giữ được những gì mình đang có. Bản thân chợ truyền thống chắc cũng có nhu cầu thay đổi, nhưng vấn đề là ai sẽ giúp được họ thay đổi?■

Một góc khác của chợ truyền thống

Người chủ tiệm điện máy cha truyền con nối trên con đường dẫn vào chợ nhà lồng sẽ biết làm gì để bán được sản phẩm cho khách hàng quen, mà không cần quan tâm lắm nó tốt tốt hay tốt vừa, miễn là hoạt động được và không gây nguy hiểm cho người dùng. 

Uy tín của một cửa hiệu có tuổi đời hàng chục năm là thứ mà một sản phẩm mới - nếu muốn có được ở các siêu thị hiện đại - phải trả bằng rất nhiều tiền.

Một ví dụ là những sản phẩm điện tử gia dụng của Hàn Quốc, Nhật Bản ở Việt Nam đang được bán ở các chuỗi siêu thị điện máy - như một góc nhìn khác về câu chuyện chợ truyền thống - chợ hiện đại. 

Tay to nắm đầu mối các sản phẩm đấy vẫn là nhà phân phối tư nhân, những người biết tên từng cửa hiệu từ Lạng Sơn đến Cà Mau hàng mấy mươi năm nay.

Rất nhiều công ty Nhật muốn nắm hệ thống phân phối - bán trực tiếp đến các cửa hàng vừa và nhỏ hay hệ thống siêu thị này, do họ không muốn phụ thuộc vào những tổng đại lý hoạt động theo hình thức “tiêu cục” truyền thống, nhưng 30 năm qua họ có vẻ vẫn chưa thể thành công. Sức mạnh ngầm của chợ truyền thống được thể hiện một phần qua ví dụ này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận