Lạm phát và lương công nhân

HỒ QUỐC TUẤN (*) 24/02/2022 19:02 GMT+7

TTCT - Lạm phát toàn cầu sẽ vẫn tiếp tục là nỗi lo trong ít nhất 6 tháng đầu năm 2022. Và vì thế, công nhân - những người chịu tổn hại nhất trong vòng xoáy giá-lương này - có thể sẽ phải chịu đựng sức ép lạm phát này trong 6 tháng nữa.

 Ngày 22-2-2022, bài của cây bút Josh Mitchell trên tờ Wall Street Journal, “Vì sao đợt bùng nổ kinh tế này không làm cho người Mỹ vui vẻ?”, chỉ ra rằng mặc dù kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập niên, tốc độ việc làm tạo ra cũng là nhanh nhất kể từ khi có số liệu thống kê việc làm, nhưng người Mỹ không vui vẻ. Mặc dù thất nghiệp ở mức 4% và tiếp tục đi xuống, niềm tin tiêu dùng trong nền kinh tế cũng đang tiến về mức thấp nhất kể từ năm 2010.

Vì sao vậy? Vì lạm phát tăng lên đến 7,5%. Và đây là con số đã loại bỏ ảnh hưởng lớn của các con số tăng trên 20% của một số mặt hàng, trong đó có xăng dầu, thông qua các chỉ số “lõi” hay do cách chọn trọng số thấp hơn của mặt hàng lương thực và năng lượng trong các rổ tính chỉ số lạm phát.

Nhưng rổ tính lạm phát đó chỉ “tiêu biểu” một cách trung bình cho toàn nền kinh tế. Nó không tiêu biểu cho những người làm công ăn lương, đặc biệt là nhóm lao động phổ thông, thường có thu nhập không cao. Chi tiêu cho lương thực, thực phẩm và năng lượng chiếm tỉ trọng cao hơn nhiều trong rổ tiêu dùng của họ.

Trong rổ tiêu dùng của họ có tỉ trọng thấp hơn nhiều của những món hàng “tiêu dùng không thiết yếu” có tốc độ tăng giá chậm hay không tăng. Với họ, tiêu dùng thiết yếu và cơ bản nhất đang tăng 2 con số phần trăm, và một số món không phải chỉ tăng 10 - 11% mà là trên 20%.

Tờ The Economist trong số ra 19-2-2022 thẳng thắn hơn: “Công nhân là những người bị tổn hại nhiều nhất trong vòng xoáy lương-giá”. Đơn giản là giá tăng thì sức mua giảm. Và sức mua của công nhân thì là một trong những sức mua bị tổn hại lớn nhất trong nền kinh tế vì đặc tính thu nhập cố định của họ, và lương không dễ tăng khi mà giá cả tăng.

Ngưng việc, thương lượng với công đoàn diễn ra, nhưng doanh nghiệp sau COVID-19 tập trung nhiều vào cải thiện lợi nhuận hơn để tồn tại. Với tinh thần “chia sẻ khó khăn”, tăng lương cho công nhân ở giai đoạn này là khó, đặc biệt là khi công ty có thể sử dụng tự động hóa để thay thế họ. 

Khác với lĩnh vực dịch vụ đang chứng kiến tốc độ tăng lương cao vì tự động hóa không dễ thay thế trải nghiệm khách hàng, ở lĩnh vực sản xuất, tốc độ ứng dụng tự động hóa đang tăng nhanh khắp nơi, nhất là sau dịch COVID-19 - thời điểm mà người ta thử nghiệm mọi cách để vận hành nhà máy mà cần ít công nhân nhất.

Hệ quả rõ nhất đã thấy của tình trạng này là chi tiêu tiêu dùng đã sụt giảm ở Anh, nơi lạm phát cũng đạt đỉnh nhiều thập niên như Mỹ. Doanh số bán lẻ của Anh giảm gần 4% trong tháng 12, so với dự báo chỉ giảm 0,6% của các chuyên gia kinh tế.

Mặc dù mức giảm doanh số bán lẻ này có thể một phần do sự bùng nổ của số ca COVID-19 trong tháng 12 hạn chế hoạt động mua bán, hoặc do người dân đã tăng mạnh chi tiêu trong tháng 11 trước đó do đoán trước dịch sẽ bùng nổ, các chuyên gia kinh tế cho rằng dự báo đã tính đến điều đó. Vì vậy, sự sụt giảm mạnh hơn dự đoán nhiều khả năng phản ánh rằng chi phí sinh hoạt cao đang giới hạn khả năng hồi phục của doanh số bán lẻ. 

Bethany Beckett, kinh tế gia của Capital Economist dự đoán “với rủi ro khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Anh tăng lên, tốc độ hồi phục tiêu dùng chậm lại và sẽ hạn chế đà tăng của doanh số bán lẻ trong mấy tháng tới”.

Xung đột địa chính trị ở Ukraine và việc Mỹ và các nước châu Âu đang bắt đầu trừng phạt kinh tế Nga gây ra nỗi lo lớn về rủi ro giá năng lượng tiếp tục tăng. Goldman Sachs nhận xét rằng nhiều nhà đầu cơ đang tăng các khoản cược lên khả năng giá dầu Brent sẽ vượt 100 thậm chí 115 USD/thùng. Hôm thứ tư tuần này, giá dầu Brent ở mức 97 USD/thùng.

Cùng lúc, chi phí vận tải đường biển đang tăng trở lại. Chỉ số Baltic Dry Index, đo lường chi phí vận tải đường biển, vốn đang giảm mạnh từ đỉnh ở tháng 10-2021, đã vụt tăng mạnh từ 1.300 điểm lên thẳng trên 2.000 điểm từ cuối tháng 1, gây ra lo ngại rằng chi phí vận tải biển sẽ tăng nhanh trở lại trong một vài tháng tới. Hong Kong siết chặt việc chống dịch cộng với việc thiếu hụt nhân lực và trục trặc ở một số cảng biển của Mỹ đang tạo ra những nút thắt cổ chai đáng lo ngại.

Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới dự kiến sẽ phản ứng lại bằng cách tăng lãi suất. Cục Dự trữ liên bang Mỹ dự kiến sẽ tăng lãi suất trong tháng 3 này, nhưng có lẽ là quá trễ để kiềm chế lạm phát và phải mất nhiều tháng để quá trình siết lại lượng tiền rẻ đã bơm ra nền kinh tế phát huy tác dụng.

Hơn nữa, lạm phát lần này xuất phát từ lý do đứt gãy nguồn cung, nên không phải cứ rút tiền rẻ về là được. Trung Quốc siết chặt việc chống dịch thì đứt gãy nguồn cung còn kéo dài.

Những điều này dẫn đến lo ngại rằng lạm phát toàn cầu sẽ vẫn tiếp tục là nỗi lo trong ít nhất 6 tháng đầu năm 2022. Và những nền kinh tế giữ lạm phát được ở mức thấp cũng bắt đầu cảm nhận sức nóng. Lạm phát lõi ở Singapore tháng 1-2022 đã tăng 2,4%, mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại. Ngân hàng trung ương nước này dự báo lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn và vượt 3% vào giữa năm nay, và họ chỉ hy vọng sức ép lạm phát có thể dịu bớt khi lạm phát từ bên ngoài lắng dịu trong nửa cuối 2022.

Vấn đề là những người công nhân có thể sẽ phải chịu đựng sức ép này trong 6 tháng nữa. Và độ trễ của lạm phát toàn cầu, nhất là mức tăng giá năng lượng, đang tác động tới từng nước khác nhau.

Ở Việt Nam, chúng ta trễ một pha trong hồi phục kinh tế so với Mỹ và châu Âu, và cũng chậm tăng giá xăng dầu hơn. Nhưng rồi điều đó cũng đang diễn ra. Giá xăng đã tăng lên trên 26.000 đồng, mức cao kỷ lục. Xăng tăng sẽ đẩy kỳ vọng lạm phát, nôm na là thấy giá xăng tăng thì người dân sẽ dự đoán giá mặt hàng khác cũng sẽ tăng, và đẩy giá bán nhiều mặt hàng.

Nhưng lương của công nhân thì không thể điều chỉnh tăng dễ như vậy. Cuộc sống của nhiều người được dự đoán sẽ rất khó khăn phía trước. Điều đáng lo ngại hơn là nếu công nhân ngưng việc đòi tăng lương nhiều, đứt gãy sản xuất sẽ lại diễn ra. Vòng xoáy tăng giá sẽ lại tiếp tục.■

(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh.

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết từ sau Tết Nhâm Dần tới giữa tháng 2 này, trên cả nước đã xảy ra 28 cuộc tranh chấp lao động, ngưng việc tập thể tại 12 địa phương, trong đó công nhân yêu cầu tăng lương cơ bản, tăng phụ cấp, giảm giờ làm, có chế độ hỗ trợ cho người lao động mắc COVID-19.  

Dù số lượng và quy mô của các cuộc ngưng việc này không nhiều bằng năm ngoái nhưng ông Phan Văn Anh, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tỏ ra lo ngại vì tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Viện Sociallife cho biết các nghiên cứu của họ ghi nhận đặc điểm của các cuộc ngưng việc tập thể này: người lao động không hề có tính toán trước mà là trạng thái cảm xúc dồn nén, cơ chế tập thể bộc phát. Trải qua 2 năm chịu đựng đại dịch, tâm lý và tinh thần của công nhân đang ở mức độ căng thẳng hơn bao giờ hết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận