TTCT - Eugen Ruge, sinh năm 1954, là nhà văn, kịch tác gia, dịch giả, người viết kịch bản phim người Đức. Tiểu thuyết đầu tay Thời nắng lịm của ông xuất bản năm 2011 ở Đức đã gây tiếng vang lớn khi giành luôn hai giải thưởng danh giá là Giải thưởng Sách Đức và Giải thưởng Alfred Doblin. Nhà văn Eugen Ruge. Ảnh: Phong Thu Thời nắng lịm viết về những thăng trầm của một gia đình Đông Đức bốn thế hệ từ thập niên 1950, trải qua bước ngoặt (*) bức tường Berlin sụp đổ, nước Đức thống nhất, đến tận năm 2001. Tập trung vào những bi kịch cá nhân, Thời nắng lịm soi rọi cả lịch sử cộng đồng và nước CHDC Đức, trong cái thời mà mọi thứ dần mờ nhạt và tan rã, cung cấp những góc nhìn đa chiều, đầy thấu hiểu mà không hề phán xét với một nơi từng được coi là thiên đường. Ông trò chuyện cùng Tuổi Trẻ Cuối Tuần nhân dịp ông được mời sang thăm Việt Nam dự Tuần lễ văn học châu Âu năm 2018. Tên tác phẩm In Zeiten des abnehmenden Lichts - Thời nắng lịm đến với ông như thế nào? - Thật ra mà nói, lúc ban đầu cái tiêu đề này chỉ mang tính chất tạm thời. Nó liên quan tới sinh nhật của tôi, là ngày 24-6, vì sau hôm đó khi nhìn trời tôi nhận ra ngày càng lúc càng ngắn lại. Tôi đã nuôi ý tưởng viết một tác phẩm gì đó xứng với hiện tượng này, khi mà ngày dần dần lịm đi. Và quả thực, tiểu thuyết này rất thích hợp với cái tên đấy. Đó chính là sự tan rã của cá nhân, của gia đình và của cả lý tưởng nữa. Chi tiết duy nhất trong Thời nắng lịm đề cập chuyện bức tường Berlin bị đổ là lúc ông miêu tả nhân vật bà Irina, mẹ của nhân vật chính Alexander, người từng là y tá ra mặt trận, xem trên vô tuyến thấy dân chúng ôm nhau khóc rồi bà khóc theo, trong khi chồng bà là ông Kurt, một sử gia thì lại ngồi câm lặng. Cảm giác tức thì của ông lúc tường đổ là như thế nào? - Tình thế của tôi thì còn phức tạp hơn các nhân vật trong truyện, do lúc tường đổ thì tôi đã ở bên Tây rồi. Khác với nhân vật Alexander ở trong truyện, chỉ mới chạy sang Tây Đức ngót nghét một tháng hơn sau khi tường đổ, tôi đã sang bên Tây một năm trước đó. Và một năm sau khi đi khỏi Đông Đức, tôi bắt đầu thấy nặng nề, cảm thấy khó khăn khi phải vĩnh viễn lìa xa gia đình, anh em, xa bạn bè. Vào thời điểm đó, không một ai mường tượng nổi việc bức tường lại đổ nhanh như thế. Phản ứng đầu tiên của tôi lúc bức tường đổ là bực mình, vì tôi đã mất rất nhiều thời gian mới xin được đi sang bên Tây, thế mà bây giờ chỉ trong một loáng 16 triệu người không cần phải mất công như thế nữa. Đấy là phản ứng đầu tiên của tôi. Tất nhiên về sau thì niềm vui tràn về, lớn hơn, vì giờ đây tôi có thể trở về thăm bố mẹ, bạn bè. Như ông chia sẻ thì chính bức tường đổ là một sự giải phóng về nội tâm đối với ông, nhưng đồng thời ông lại thấy cần phải phê phán chủ nghĩa tư bản? - Tôi đã luôn có cái nhìn phê phán với Đông Đức. Nhưng đồng thời tôi lại cảm thấy thương tiếc khi đất nước ấy không còn nữa, bởi nơi đấy là cả cuộc đời tuổi trẻ của tôi. Sau này, càng sống và càng hiểu chủ nghĩa tư bản hơn, khi ngộ ra được sự xấu xa của nó, tôi mới thấu hiểu những người xây dựng chủ nghĩa xã hội, mới thấm được những ý tưởng tốt đẹp của mô hình đó. Sống ở Đông Đức thời đó, khi nhìn sang Tây Đức, giống như chúng tôi đang nhìn một cửa hàng trưng bày, thấy bao quần áo đẹp, mà lại không biết quý những thứ mà mình có. Tôi nghĩ chính tư tưởng là cái dẫn tới sự sụp đổ. Người Đông Đức chỉ nhìn tự do tư tưởng bên Tây mà không thấy hết được mọi khía cạnh. Vì tự do cũng có cái giá của nó, nhất là khi đất nước thống nhất rồi thì họ mới hiểu được giá trị của nó. Ông nói đến chuyện lưu giữ lịch sử bằng nghệ thuật của mình. Tiểu thuyết này có là cách ông lưu giữ lịch sử về mặt cá nhân và mặt cộng đồng không? - Đối với tôi, đó là sự lưu giữ, bảo tồn thế giới mà tôi đã sinh ra và lớn lên. Vấn đề không phải ở chỗ phê phán hay chê bai CHDC Đức, mà viết tiểu thuyết với tôi chỉ có một lý do rất ích kỷ, rất cá nhân: tôi muốn bảo vệ, muốn cứu cái quãng thời gian 35 năm tôi đã sống ở đấy, mà gìn giữ cho riêng mình. Ông từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng nhân vật thằng bé Marcus, con trai của Alexander, là nhân vật bi kịch, vì nó bị cắt khỏi những định hướng chính trị, gia đình, xã hội. Song các nhân vật trong tiểu thuyết này của ông, dù gắn rất chặt với lý tưởng của mình thì đều sống khổ sở, nhất là trong quá trình khi lý tưởng của họ dần tan vỡ. Vậy phải chăng, dù có lý tưởng hay không thì tất cả đều sống trong bi kịch? - Thật ra những bi kịch ấy gắn liền với một gia đình và số phận. Những bi kịch ấy không nhất thiết phải gắn với lý tưởng nào. Bởi vì, đó là trong hoàn cảnh ấy thì xảy ra những bi kịch như thế. Chúng cũng rất có khả năng xảy ra một cách phổ biến ở bên Tây, không chỉ ở riêng Đông Đức. Bi kịch ấy có thể mang màu sắc lý tưởng, nhưng cái lý tưởng đó không ồn ào, không giống như bên Đông hồi ấy. Thậm chí, chính bi kịch lặng lẽ như thế thì có lẽ lại là những bi kịch còn lớn hơn. Có phải ông đã dịch Anton Chekhov sang tiếng Đức? Việc dịch Chekhov giúp gì cho việc sáng tác của ông? - Tôi đã dịch Chekhov vào cái thời tôi chưa có tiền. Tôi dịch bốn vở kịch lớn của Chekhov là Ba chị em, Vườn anh đào, Hải âu và Cậu Vania, và một truyện ngắn Về sự nguy hiểm của thuốc lá. Mà không chỉ vì tiền, tôi dịch vì tôi rất yêu Chekhov: ông là một phần gắn liền với tuổi thơ tôi, vì Chekhov có những tác phẩm viết cho trẻ em. Ảnh hưởng lớn nhất đến từ việc dịch ông có lẽ là lối viết tạo ra những lỗ hổng trong câu chuyện: Chúng là những lỗ hổng về thời gian, rất đặc trưng trong vở kịch Ba chị em của Chekhov. Và tôi học được cách tạo ra những lỗ hổng trong dòng trần thuật đó khi chọn kể câu chuyện trong Thời nắng lịm ở các năm cách biệt nhau. Chẳng hạn thời gian của câu chuyện hiện tại là năm 2001, nhưng rồi câu chuyện lại nhảy về nhiều năm trước như năm 1952, rồi lại đến năm 1989..."Mặc dù chưa bao giờ có dịp tới Việt Nam, nhưng Việt Nam, tất nhiên, đối với tôi bao giờ cũng là tên gọi một đất nước thân quen, hay có thể nói đúng hơn, là một người bạn từ xưa. Ngay từ hồi nhỏ, lúc còn đến trường học, tôi đã từng đi thu nhặt phế liệu (vâng, thậm chí còn tự nguyện là đằng khác) bán lấy tiền ủng hộ Việt Nam.Khi tròn 21 tuổi, cũng là lúc tôi đón tin về chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống xâm lược Mỹ, một chiến thắng - mặc dù, như người ta bảo chúng tôi, hợp với quy luật - song vẫn đáng kinh ngạc dường nào... Cho đến hôm nay, lòng tôi vẫn tràn đầy niềm khâm phục và kính trọng đối với dân tộc Việt Nam...Có lẽ, việc xuất bản cuốn sách của tôi ở đất nước các bạn sẽ là một cơ hội cho tôi được đến thăm các bạn, và có lẽ, bản dịch cuốn sách này sẽ mở đầu cuộc làm quen của chúng ta"(Eugen Ruge - Lời chào của tác giả trong cuốn Thời nắng lịm, bản dịch của dịch giả Hoàng Đăng Lãnh, NXB Hội Nhà Văn & Nhã Nam, 2016).Việc viết kịch và kịch bản phim chắc hẳn đã có ảnh hưởng đến việc viết văn của ông? - Điều tôi học được khi viết kịch bản là cách nhìn vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau. Chính vì thế trong Thời nắng lịm, câu chuyện được kể từ 7 góc độ khác nhau của 7 nhân vật. Ngay tiểu thuyết đầu tay ông đã gặt hái được thành công lớn (Thời nắng lịm đoạt luôn giải thưởng German Book Prize). Thành công có làm thay đổi quan điểm sống hay viết của ông? - Tôi đã đủ già dặn để có thể vượt qua được thành công ấy. Thành công rất hữu ích cho tôi ở điểm là từ đó tôi có thể viết được thứ tôi muốn và được đăng luôn mà không cần phải tốn quá nhiều công sức. Ông có cảm thấy mình thuộc về một truyền thống nào không, Đông Đức, Tây Đức, châu Âu, hay chỉ riêng bản thân ông thôi? - Tôi không có một tác giả nào mà tôi định là nhất quyết sẽ phải tiếp tục con đường của ông ấy, hay chịu chi phối của họ. Nhưng có rất nhiều tác giả lớn ảnh hưởng lên tôi, chẳng hạn Macquez của Trăm năm cô đơn, hoặc là Martin Walser và rất nhiều nhà văn Đức khác nữa. Xin cảm ơn ông. ■ (*): Khái niệm “Bước ngoặt” (Wende hay còn được gọi là “cuộc cách mạng hòa bình”) dùng để chỉ quá trình biến đổi về chính trị xã hội diễn ra tại CHDC Đức vào các năm 1989-1990, dẫn tới sự thống nhất nước Đức vào tháng 10-1990 - chú thích của dịch giả trong cuốn sách. Là một cuốn tiểu thuyết gia đình, Thời nắng lịm là một kế thừa xuất sắc của Gia đình Buddenbrook của Thomas Mann hay Trăm năm cô đơn của Gabriel Garcia Marquez. Eugen Ruge đưa người đọc đi qua gần nửa thế kỷ, chứng kiến lần lượt bốn thế hệ gia đình đều rơi vào bi kịch, mà cụ thể nhất là nhân vật chính, đứa cháu nội Alexander, với nhân sinh quan yếm thế của một cá nhân thất bại khi phải sống với những di sản của mất mát không thể khước từ, trong cuộc giằng co thoát khỏi một hệ hình lý tưởng đã sụp đổ. Thay vì dựng nên những trang sử vĩ mô của một thời đại lịch sử, tác giả cho người đọc được nhìn qua lỗ khóa bếp để chứng kiến những câu chuyện đời sống, những ghen tuông cãi cọ vặt vãnh, những niềm tin và ảo mộng, những hi vọng và thất vọng của các bậc phụ huynh và con cái. Chịu ảnh hưởng của phương pháp viết kịch và điện ảnh, nơi dòng tự sự liên tục nhảy cóc về mặt thời gian, Eugen Ruge dựng lên một tấn bi hài kịch gia đình, với những nhân vật sống động được kể từ nhiều góc nhìn khác nhau, bằng giọng văn hài hước, châm biếm nhẹ nhàng, được chuyển ngữ hoàn hảo qua bản dịch của Hoàng Đăng Lãnh. Tags: Lưu giữ lịch sửThời nắng lịmEugen RugeDịch giảHoàng Đăng LãnhVăn chương Đức
Vì sao hàng ngàn người tập trung trước Nhà hát lớn Hà Nội khiến đường tắc từ sáng tới chiều? PHẠM TUẤN 24/11/2024 Từ sáng tới chiều 24-11, tại trước khu vực Nhà hát lớn Hà Nội hàng ngàn bạn trẻ tập trung gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng, vì sao?
Sang nhượng suất đạp xích lô, chèo ghe ở Hội An giá 500-700 triệu đồng THÁI BÁ DŨNG 24/11/2024 Chủ tịch Nghiệp đoàn xích lô Hội An Phan Phước Tùng cho biết mỗi suất đạp xích lô ở Hội An có giá từ 500-700 triệu đồng nhưng đa phần bà con anh em họ hàng nhượng lại cho nhau để kiếm sống.
Cách đi xe buýt đến ga metro ở TP.HCM CHÂU TUẤN 24/11/2024 Bạn đọc Tuổi Trẻ tiếp tục đặt câu hỏi về các tuyến xe buýt đến metro, có loại xe nào khác để kết nối và đi metro có thể đi đâu tiếp.
Vợ chồng ca sĩ Bích Tuyền sẽ khởi kiện Đàm Vĩnh Hưng? HOÀI PHƯƠNG 24/11/2024 Trong nội dung livestream mới nhất của bầu sô Dũng Taylor vào trưa 24-11 (theo giờ Việt Nam) hé lộ thông tin vợ chồng ca sĩ Bích Tuyền sẽ khởi kiện ngược lại ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.