TTCT - Cũng như đồ hộp, mì ăn liền là một phát minh có liên quan đến chiến tranh. Chỉ khác là nó không sinh ra từ nhu cầu đảm bảo dinh dưỡng cho binh lính khi chinh chiến, mà từ sự thiếu thốn lương thực trong thời hậu chiến. Gói mì ăn liền đầu tiên trên thế giới. Ảnh: Bảo tàng mì ly YokohamaSinh ra để giải quyết cái đói cho nước Nhật sau Chiến tranh thế giới lần 2, mì ăn liền (hay mì gói, dù nay ta còn có cả mì ly, mì tô) nhanh chóng trở thành một thứ lương thực thiết yếu, không chỉ giúp người nghèo, sinh viên qua bữa mà còn là lựa chọn yêu thích của người có điều kiện ăn uống đầy đủ, cầu kỳ hơn. Nhưng lúc mì gói tỏa sáng nhất vẫn là trong gian khó, như đại dịch hiện tại chẳng hạn.Từ nỗi đau đáu của 1 doanh nhânMột trong những khu trưng bày đáng chú ý tại Bảo tàng mì ly (Cup Noodles Museum) ở thành phố Yokohama (Nhật) là mô hình “nhà làm việc của Momofuku”, nơi Chikin Ramen, loại mì ăn liền đầu tiên của thế giới, được “ông tổ ngành” Ando Momofuku (1910 - 2007) phát minh ra.Ngôi nhà gỗ giản dị chứa trong đó những công cụ thông dụng như dao thớt, máy làm mì sợi, cân, chảo chiên, bếp lò... Bên ngoài là chiếc xe đạp ông Ando đã dùng để thồ máy móc cùng với 18kg bột mì, dầu ăn và các nguyên liệu khác vào “phòng nghiên cứu” năm 1957, với quyết tâm giúp người Nhật, vốn đang thiếu thốn trong thời hậu Chiến tranh thế giới lần 2, có thể dễ dàng nấu mì ramen tại nhà.Một năm sau, Ando thành công, với vắt mì làm khô bằng cách chiên nhanh trong dầu để làm giảm độ ẩm, chỉ cần cho vào nước nóng là nở ra và dùng được ngay. Sản phẩm ấy gần như giống hệt vắt mì vuông vức nằm trong đủ loại bao bì đầy sắc màu đang được bày bán khắp thế giới hiện nay.“Thông điệp của mô hình này là ngay cả khi không có thiết bị đặc biệt nào thì vẫn có thể tạo ra các phát minh làm thay đổi thế giới, miễn là có ý tưởng cùng với lòng đam mê và quyết tâm hiện thực hóa nó” - bảo tàng viết trong dòng mô tả.Ý tưởng và quyết tâm của Ando - vị doanh nhân người Đài Loan nhưng sống ở Nhật - đến từ 3 thứ: lòng cảm thương khi thấy người lao động nghèo xếp hàng trong đêm giá lạnh để vào quán ăn một bát mì nóng, cảm hứng từ việc nhìn vợ làm món tempura (món chiên ngập dầu trứ danh của Nhật), và cuối cùng là việc nước Nhật “ngập” trong bột mì, được nhập về dưới hình thức viện trợ lương thực của Mỹ.Thời điểm đó, Chính phủ Nhật khuyến khích dân chúng ăn bánh mì làm từ bột mì nhập từ Mỹ. Người Nhật vốn thích ăn mì ramen, cớ sao lại phải ép họ ăn bánh mì? Chưa kể bánh mì phải có nhân hoặc ăn kèm món khác, trong khi người Nhật chỉ ăn chúng với trà, không đủ dinh dưỡng. Có cách nào để người Nhật có thể nấu mì ramen tại nhà nhanh chóng, dễ dàng không? Những suy nghĩ đó đã thôi thúc và đưa Ando đến phát minh làm thay đổi thế giới.Năm 1959, Ando chính thức phân phối thương mại đứa con tinh thần của mình với thương hiệu Chikin Ramen thông qua Công ty Nissin Food do ông sáng lập. Nhưng cuộc cách mạng mì ăn liền chỉ thực sự bắt đầu vào năm 1971, khi Ando phát minh ra mì ly - sản phẩm gộp thức ăn, dụng cụ làm nóng và tô vào làm một. Sự tiện lợi này đưa mì ly thành hiện tượng toàn cầu, Nissin Food đạt cột mốc doanh số lũy kế 40 tỉ ly mì vào năm 2016.Hơn 60 năm từ khi được phát minh, mì ăn liền đã trở thành “thực phẩm mặc định” của bất kỳ ai không có nhiều tiền, thời gian hay nơi nấu nướng, đúng như tinh thần ngay từ đầu của Ando: chỉ cần nước sôi và vài phút là có thứ lấp đầy dạ dày. Ngôi nhà nơi Ando Momofuku tạo ra mì ăn liền đầu tiên của thế giới. Ảnh: Bảo tàng mì lyMì gói và đại dịchNgười dân khắp thế giới xì xụp hơn 100 tỉ khẩu phần mì ăn liền mỗi năm; mì gói có mặt ở khắp nơi, từ các chuyến tàu điện ở Trung Quốc, đến những chuyến hàng cứu trợ tới vùng thiên tai địch họa. Đúng là cứ khó khăn là người ta nghĩ đến mì gói, và tất nhiên, một cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19 chính là bức phông tối hoàn hảo cho mì ăn liền “tỏa sáng”.Theo thông tin mới nhất từ Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA), 116,6 tỉ khẩu phần mì ăn liền đã được tiêu thụ trong năm 2020, tương đương 320 gói mỗi ngày. Top 3 thị trường tiêu thụ là Trung Quốc và Hong Kong, Indonesia và Việt Nam (xem đồ họa). “Bất kể khu vực, tuổi tác hay giới tính, mì ăn liền được yêu thích như một thứ thực phẩm toàn cầu” - WINA đánh giá.Đại dịch góp phần không nhỏ cho con số tiêu thụ khủng này. Khi thành phố Thạch Gia Trang (Hà Bắc, Trung Quốc) với 11 triệu dân bất ngờ bị phong tỏa vì dịch tái bùng phát hồi đầu năm, mì ăn liền sẵn có trong nhà được báo South China Morning Post mô tả là một thứ phước lành của nhiều người vì không kịp tích trữ.Từ tháng 4 năm ngoái, tạp chí Nikkei Asian đã đưa tin các hãng mì ở châu Á đã hưởng lợi từ các lệnh phong tỏa ở các thị trường lớn trong khu vực. Hãng Nongshim (Hàn Quốc) cho biết doanh thu năm 2020 đạt 2,09 ngàn tỉ won (1,85 tỉ USD), tăng 16,3% so với năm trước đó. Xuất khẩu mì gói của Hàn Quốc, một cường quốc mì ăn liền, cũng đạt kỷ lục 319,68 triệu USD trong nửa đầu năm 2021, tăng 5,8% so với cùng kỳ 2020, vì “mì ăn liền trở thành món ăn “khẩn cấp” phổ biến sau khi đại dịch buộc nhiều người phải ở nhà”, theo trang tin korea.net của Chính phủ Hàn Quốc.Còn ở Indonesia, trong đợt dịch đầu năm 2020, các siêu thị trong chuỗi trung tâm thương mại Aeon trung bình mỗi ngày bán được 4.000 gói mì, nhờ tâm lý mua tích trữ vì đại dịch của người tiêu dùng, theo Nikkei Asian. Nguồn: WINAVẫn là bài toán “bổ dưỡng hơn”Mì ăn liền không cần thiên tai địch họa mới chiếm đầy kệ tích trữ thực phẩm của các hộ gia đình. Song cũng như với ngành đồ hộp, đã có nhiều nỗ lực để từ “mì ăn liền” không đi kèm với “không tốt cho sức khỏe”.Mì ăn liền có thể chứa từ 397 - 3.678mg natri trên 100g khẩu phần. Lượng natri nạp vào cơ thể mỗi ngày theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới là 2.000mg - tương đương 5g muối mỗi ngày. Nạp quá nhiều natri sẽ ảnh hưởng đến huyết áp, tim mạch.Theo khảo sát công bố hồi đầu tháng của Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng Hàn Quốc, 15 loại mì ăn liền phổ biến ở nước này có lượng natri trung bình bằng 61% mức khuyến nghị 2.000mg. Điều này có nghĩa nếu ăn 2 gói mì thì lượng natri nạp vào cơ thể đã “vượt hạn mức” của ngày đó. Theo cơ quan này, thực tế là 36% trong số 1.000 người khảo sát ăn nhiều hơn 1 gói mì trong 1 bữa ăn. Ảnh: HealthlineĐể mì gói là một lựa chọn dinh dưỡng với những người không có điều kiện chế biến và ăn kèm với thịt hay rau, thách thức của ngành công nghiệp này là giảm lượng natri trong mỗi khẩu phần, cải tiến từ nguồn nguyên liệu làm sợi mì (rau củ, đậu hũ) đến công đoạn làm khô (chiên dầu hay sấy bằng nhiệt gió).Có điều, sản phẩm càng dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe thì càng khó giữ được yếu tố giá rẻ, dễ mua, dễ nấu. Ando Momofuku đã phát minh ra mì ăn liền với quan niệm “Hòa bình sẽ đến với thế giới nếu mọi người có đủ ăn”. Bài toán mì ăn liền dinh dưỡng có lẽ là chuyện của thế hệ kế thừa vậy. Tags: Ẩm thựcThực phẩmĐại dịchLương thựcMì góiMì ăn liền
Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 21-2023: "Cuộc đại chiến tôm xuất khẩu" TUỔI TRẺ CUỐI TUẦN ONLINE 01/06/2023 1 từ
Khi nào được dùng hình ảnh người khác? TRƯƠNG TRỌNG HIỂU (GIẢNG VIÊN ĐH KINH TẾ - LUẬT, ĐHQG TP.HCM) 29/05/2023 708 từ
Dịch vụ nước sạch: Phải chọn được giá đúng PHẠM KHÁNH NAM (Đại học Kinh tế TP.HCM) 29/05/2023 1862 từ
Thường vụ Quốc hội trả lời về đề xuất Luật Đô thị đặc biệt cho TP.HCM THÀNH CHUNG 02/06/2023 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để làm rõ, đề xuất các chính sách, giải pháp quản lý, phát triển đô thị đặc biệt.
Tin tức thế giới 2-6: Hà Lan mua xe tăng cho Ukraine; Máy bay Trung Quốc tránh không phận Nga? DUY LINH 02/06/2023 Mỹ yêu cầu Liên Hiệp Quốc họp công khai về Triều Tiên; Mỹ dừng chia sẻ thông tin trong hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân với Nga.
Nghiên cứu mới báo động: Trái đất đã vượt ngưỡng an toàn với con người TTXVN 02/06/2023 Các hoạt động của con người đã khiến 7/8 ranh giới trong hệ thống Trái đất vượt giới hạn an toàn, đe dọa sức khỏe hành tinh và nhân loại, theo nghiên cứu.
Ông Huỳnh Uy Dũng liên quan gì trong vụ án bà Phương Hằng? TUYẾT MAI 02/06/2023 TAND TP.HCM cho biết đã ra quyết định trả hồ sơ vụ bà Nguyễn Phương Hằng và bốn đồng phạm cho Viện KSND TP.HCM để điều tra bổ sung.