TTCT - Hầu hết các doanh nghiệp đang dùng mô tả vị trí công việc để tuyển dụng, quản lý, đo lường hiệu quả và trả lương cho người lao động. Hầu hết doanh nghiệp đều sử dụng bảng mô tả vị trí công việc để quản lý nhân sự. Ảnh: images.inc.comKhông giẫm chân, không đùn đẩyỞ một doanh nghiệp chuyên đào tạo kỹ thuật đóng trên địa bàn TP Thủ Đức (TP.HCM) có hai bảng mô tả công việc. Bảng tóm tắt dành cho việc tuyển dụng và bảng hướng dẫn những công việc cụ thể mà từng vị trí phải làm.Trong một phòng cụ thể như phòng marketing, từ trưởng phòng tới các vị trí cụ thể như nhân viên chạy quảng cáo (Ads), nhân viên làm nội dung (content), tạo mẫu (designer), nhân viên SEO, editor… đều có bảng mô tả công việc chi tiết. Mục đích duy nhất là để công việc của các vị trí được phân định rạch ròi, không giẫm chân nhau và khó mà đùn đẩy từ chối trách nhiệm.Ở phòng marketing này, mô tả công việc của một nhân viên designer như sau: chịu trách nhiệm thiết kế và quản lý bộ nhận diện thương hiệu công ty, các ấn phẩm, banner, brochure, tờ rơi quảng bá thương hiệu, tìm nhà cung cấp in ấn các ấn phẩm, baner, backdrop, đảm bảo chất lượng in ấn của các ấn phẩm đúng với nhận diện thương hiệu công ty, quản lý POSM (vật phẩm trưng bày, quảng cáo), stander, tờ rơi, brochure… đảm bảo luôn đủ số lượng sử dụng, phụ trách chụp ảnh, chỉnh sửa hình ảnh, lưu trữ hình ảnh làm tư liệu, phối hợp với các phòng ban liên quan để đảm bảo tiến độ công việc và kết quả đề ra… Yêu cầu đối với designer này là có tư duy về hình ảnh, video và kỹ năng quay dựng chụp hình, có tư duy thiết kế kỹ năng chụp hình (bằng máy ảnh, điện thoại), năng động, sáng tạo, sử dụng thành thạo phần mềm như AI, PTS, có máy tính xách tay cá nhân.Với nhân viên chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp này, có hai bảng mô tả công việc: một bảng liệt kê đầu việc và bảng hướng dẫn cụ thể công việc chăm sóc khách hàng.Theo đó, một nhân viên chăm sóc khách hàng phải làm những việc sau: gọi điện thoại chăm sóc khách hàng theo lộ trình, giải đáp thắc mắc của khách hàng; tiếp nhận thông tin, ý kiến của khách hàng, chuyển thông tin đến bộ phận liên quan xử lý, hỗ trợ các ban trong công ty để nâng cao chất lượng dịch vụ, báo cáo công việc theo tiến độ đề ra…Yêu cầu với một nhân viên chăm sóc khách hàng bao gồm: có giọng nói rõ ràng, không nói ngọng, không nói giọng địa phương, âm vực trầm ấm tạo cảm giác tin tưởng cho khách hàng... Tới thời gian trao đổi với khách hàng cũng nêu chi tiết: ngoài thời gian để giải quyết vấn đề thì một cuộc gọi để hỏi thăm khách hàng dài từ 3 - 5 phút. Đối với cuộc gọi đến, luôn nhấc máy nghe sau 2 - 3 hồi chuông, không nhấc máy ngay sau hồi chuông thứ nhất và không được để quá 3 hồi chuông mới nghe máy. Sau cuộc gọi phải tóm tắt lại những yêu cầu, đề nghị của khách hàng, cảm ơn và nhắc khách hàng lưu lại số điện thoại của bộ phận chăm sóc khách hàng để tiện liên hệ sau này.Bộ phận chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp này còn có một bảng hướng dẫn lộ trình chăm sóc khách hàng rất chi tiết. Ví dụ, với công tác đào tạo theo khóa của doanh nghiệp thì trước khi khai giảng khóa học 7 ngày phải giúp học viên chủ động sắp xếp thời gian, công việc, phương tiện đi lại, chỗ ở, báo lịch khai giảng, các thủ tục chuẩn bị nhập học, những thiết bị yêu cầu của khóa học, liên hệ với các bộ phận khác giải quyết những vấn đề phát sinh như hỗ trợ chỗ ở, cài đặt máy tính…Sau khi khóa học bế giảng, nhân viên chăm sóc khách hàng phải liên hệ với người học để lắng nghe các ý kiến đánh giá, kiểm tra việc ứng dụng khóa học vào công việc thực tế, tìm hiểu sự hài lòng, kết nối bảo đảm quyền lợi cho học viên.Bảng mô tả đầu việc dùng để tuyển dụng ban đầu, bảng hướng dẫn công việc cụ thể vừa là chi tiết để nhân viên làm việc, vừa là tiêu chuẩn để đánh giá hiệu quả công việc, khen thưởng, kỷ luật đối với nhân viên. Các bảng mô tả công việc này được kèm theo hợp đồng dưới dạng phụ lục.Công việc của quản lý: có chỉ số đo lườngBảng mô tả công việc cho vị trí kế toán trưởng của một công ty bất động sản tại TP.HCM gồm các mục: mục đích công việc, nhiệm vụ chính, các mối quan hệ, các yêu cầu tối thiểu cho vị trí công việc. Mỗi mục là những yêu cầu đặt ra cụ thể rõ ràng.Theo đó, kế toán trưởng có ba nhiệm vụ chính thuộc các mục tiêu kế toán, ngân sách, tuân thủ và báo cáo. Trong mục tiêu kế toán có 7 mục tiêu nhỏ, mỗi mục tiêu đều có phần mô tả và chỉ số đo lường hiệu quả (KPI). Ví dụ ở mục tiêu kiểm tra và thực hiện báo cáo thuế hằng tháng, các khoản phải trả, các khoản nợ và phát sinh chi phí, chứng từ thanh toán, số dư tài khoản chi tiết (tiền mặt, tiền gửi ngân hàng...) thì chỉ số đo lường phải chính xác và đúng hạn. Người đảm nhận vị trí kế toán phải đáp ứng các yêu cầu về trình độ chuyên môn, bằng cấp, kinh nghiệm làm việc, kiến thức chuyên môn, khả năng và kỹ năng, phẩm chất cá nhân. Kế toán trưởng cũng phải có các kỹ năng của một người quản lý có thể làm việc trong môi trường năng động và đầy thách thức…Tương tự, bảng mô tả công việc của giám đốc điều hành có đến 7 nhiệm vụ chính: thiết lập chiến lược của công ty, quản trị công ty, quản lý hoạt động, quản lý tài chính, cơ cấu tổ chức và nhân sự, các mối quan hệ khách hàng/ đối tác, tuân thủ & báo cáo. Mỗi nhiệm vụ chính được chia thành nhiều nhiệm vụ nhỏ với các chỉ số đo lường cụ thể. Ví dụ trong nhiệm vụ quản lý tài chính, nếu quản lý lợi ích tốt cho các cổ đông thì KPI của nhiệm vụ này là đạt được mục tiêu tài chính gồm kinh doanh, doanh thu, lãi lỗ, dòng tiền.■ Công ty D (TP.HCM) có 4.000 nhân sự, mỗi tháng chi trả hơn 50 tỉ đồng tiền lương. Trưởng phòng nhân sự của công ty cho biết họ xây dựng thang lương của công ty bắt đầu từ việc đánh giá các vị trí dựa trên 4 yếu tố và 10 tiêu chí. Bốn yếu tố bao gồm: tác động, giao tiếp, sáng tạo và kiến thức. 10 tiêu chí tương ứng để đo lường độ lớn (giá trị) của vị trí công việc.Yếu tố tác động được xác định trên 3 tiêu chí là quy mô tổ chức (kích cỡ công ty), mức độ tác động và mức độ đóng góp của vị trí công việc. Việc xác định quy mô tổ chức dựa trên chuỗi các chức năng hoạt động, doanh thu và số nhân sự của công ty. Các vị trí được xác định mức độ tác động xếp theo 5 cấp độ: cao nhất là định hướng lãnh đạo công ty và thấp nhất là vị trí thừa hành theo các tiêu chuẩn có sẵn. Tương tự, mức độ đóng góp của các vị trí cũng được xác định theo 5 cấp độ, cao nhất là những vị trí có đóng góp chính yếu vào kết quả chung của doanh nghiệp.Yếu tố giao tiếp được xác định dựa trên 2 tiêu chí là mức độ giao tiếp và phạm vi giao tiếp. Mức độ giao tiếp đề cập đến độ khó và thử thách của việc giao tiếp mà vị trí sẽ đối mặt và cũng được xác theo 5 cấp độ từ việc truyền tải, trình bày đến mức cao nhất là thương thảo các chiến lược mang tính dài hạn. Phạm vi giao tiếp là xét đến đối tượng giao tiếp bên trong hay bên ngoài tổ chức, giao tiếp cùng chung quyền lợi hay đối nghịch quyền lợi… Phạm vi giao tiếp cũng được xếp theo bốn cấp độ.Yếu tố sáng tạo yêu cầu vị trí nhận dạng hoặc thực hiện các cải tiến liên quan đến thủ tục, dịch vụ, sản phẩm hay phát triển các ý tưởng mới, phương pháp mới, dịch vụ hay sản phẩm mới. Yếu tố sáng tạo của một vị trí công việc được đo lường qua 6 mức độ sáng tạo và 4 mức độ phức tạp của cải tiến. Tùy yêu cầu của mỗi vị trí công việc mà xác định các cấp độ tương ứng.Yếu tố kiến thức phụ thuộc vào 3 tiêu chí: kiến thức cơ bản để hoàn thành công việc, mức độ quản lý và chiều sâu kiến thức. Kiến thức cơ bản là trình độ đào tạo và kinh nghiệm làm việc. Mức độ quản lý có thể hiểu là vai trò trong nhóm (là thành viên, quản lý nhóm hay quản lý nhiều nhóm). Chiều sâu kiến thức được hiểu tương tự như kiến thức được áp dụng phạm vi bên trong một quốc gia hay tại nhiều quốc gia khác nhau.Các vị trí công việc sẽ được đánh giá và lượng hóa thành điểm số. Những vị trí có số điểm trương đương, tức cùng giá trị công việc sẽ được phân thành một nhóm, còn được gọi là một cấp bậc công việc. Tùy theo quy mô công ty, cấu trúc nhân sự, định hướng chiến lược nhân sự… mà công ty có số lượng cấp bậc công việc tương ứng. Cấp bậc công việc này là căn cứ để hoạch định các chính sách quản trị nhân sự liên quan, trong đó có chính sách tiền lương.Công ty D có 4.000 nhân sự, chia thành 17 cấp bậc công việc tương ứng 17 khung lương. Mỗi khung lương có mức tối thiểu và mức tối đa. Việc chi trả lương cho từng cá nhân dựa trên vị trí công việc mà cá nhân đó đảm trách, năng lực của từng người và kết quả công việc mà cá nhân đó thực hiện.Ví dụ một người đang đảm trách vị trí công việc ở bậc 7 thì mức lương sẽ được xác định trong khung lương ở bậc 7. Nếu người này hoàn thành nhiệm vụ thì được hưởng lương ở mức trung bình của khung lương bậc 7. Năng lực của cá nhân ở mức càng cao thì mức lương sẽ được tiến gần về mức tối đa của khung. Trường hợp có năng lực tốt và tiền năng phát triển cao có thể được áp dụng khung lương cao hơn, tức họ làm vị trí công việc ở bậc 7 nhưng được hưởng lương bậc 8.Khánh Yên Tags: Quản lý nhân sựNgười lao độngChính sách tiền lương mô tả công việcDoanh nghiệp
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.