TTCT - Có những lúc chị nghĩ mình không phải là con của má, bởi cái khoảng cách giữa má và chị quá căng thẳng, gay gắt và ngột ngạt. Con Ba và thằng Út thì luôn nhìn chị bằng cái nhìn khinh khỉnh. Minh họa: Mặc Tuân 1Cơn mưa đến từ nửa đêm, khi chị đang vật vã một giấc mơ ngột ngạt. Một đám cháy lớn bùng lên từ ngôi nhà từ đường rồi lan ra cái chòi lá sau vườn, nơi thằng con đang ngon giấc. Chị hoảng loạn lao vào đám lửa, bất kể tiếng kêu gào của má chị phía sau. Hai tay chị khua khoắng trong đám khói mù mịt, bươi tìm chỗ con nằm. Tất cả chỉ còn là lửa. Chị thấy mình bị thiêu ra tro, lả tả bay theo làn khói mỏng nhẹ tênh rồi tan ra dưới một trận mưa ầm ầm chớp lóe. Nước mắt chị ướt đẫm gối. Cơn ác mộng đã qua. Chỉ còn lời thằng em út lúc kêu người tới đo đạc từng ngóc ngách ngôi nhà: “Chị còn ở đây một ngày, hương hồn má nhục nhã một ngày. Tội của chị có tự đọa đến hết kiếp cũng không thể nào chuộc được. Tốt hơn hết chị để tôi bán nó đi, mua miếng đất khác, xóa hẳn quá khứ ê chề do chị mang tới”. Ký ức với đôi mắt đỏ chạch ê hề bày ra những bóng hình kỳ dị. Bên cạnh chị, chỗ anh nằm như vẫn còn ấm gối chăn. Chị nghe mùi tóc sượt ngang mũi, mùi xà bông anh hay dùng, cả mùi dầu gió đặc trưng... tất cả trôi đi trong mệt nhọc, trong một cơn choáng váng lạ lẫm khó gọi tên. Gió thốc cánh cửa phơi đêm lạnh ngắt. Khi chị trở dậy đã thấy cái đèn cà na trên bàn thờ đứt bóng tối thui. Trong bóng đêm, chị mò mẫm phủi bụi cái đèn trứng vịt, thắp ba cây nhang lên bàn Phật rồi bàn thờ tổ tiên. Hồi còn sống, gì thì gì má cũng phải giữ cho đèn bàn thờ sáng tỏ. Tấm kiếng có mấy chữ nho thay thế cho hình ông bà “không được để trong bóng tối”. Với má, cái nhà dù rách nát, bàn thờ cũng phải ấm áp trang nghiêm. Cúng kiếng giỗ quải chỉ cơm trắng cá kho cũng phải làm cho đàng hoàng. “Mãi mãi chị không phải là người đàng hoàng để cúng giỗ má!”. Chị làm thinh như không nghe lời thằng Út. Chị đang dõi theo cây phượng khổng lồ đang sải tay ném từng vốc lửa ngoài sân, nơi có đôi mắt thản nhiên nhìn đám chuồn chuồn dọc ngang đón gió. Trên tay má là thằng Nhân đỏ hỏn ngày mới sinh. Những cơn sốt biết lật, mọc răng của thằng cháu bị bỏ rơi làm má thức trắng. Tiếng võng không biết nói mà thấu tận óc tim, lan ra trong khu vườn thâm u che không hết một thời lầm lỡ. Thằng Nhân lủi thủi làm bạn với từng gốc dừa, từng bụi chuối, từng hang dế hang còng; bàn tay nó thuộc lòng từng lá dong, bụi dứa, quen thuộc với những tàu dừa khô rụng ngổn ngang. Má vẫn những cái nhìn bén ngót mỗi lần thấy người đàn ông nào nhìn chị - “cái củ chuối thúi” làm má mang nhục. Vậy mà thằng nhỏ càng ngày càng đeo má. Hễ đi học về là nó lót tót theo má ra vườn. Có lẽ nó biết thân phận nên cố bấu víu chút máu mủ ruột rà mà ông trời đã không nỡ tước đoạt. Đâu như chị, đã dại dột khước từ cái vạt áo lấm mủ chuối, khước từ những ngón tay màu phèn của má. Thì chỉ còn có nước cắm mặt vào mảnh đất nâu để mà sám hối ăn năn chứ “đừng mong ngước mặt nhìn ai”. Nội một cái liếc mắt của má là tim đủ loạn nhịp. Nội một tiếng tằng hắng rồi nhổ cổ trầu nửa đêm là đủ mất ngủ. Nhưng tình thương của má dành cho thằng Nhân thì khác. Ai đụng tới nó là có chuyện với má. Thằng nhỏ đi đâu, làm gì, nhứt nhứt đều hỏi ngoại trước. Hỏi ba Nhân là ai, tên gì... nó nói ron rót: ngoại nói chết rồi, không biết tên. Nhiều khi chị ôm con mà nước mắt chảy vòng quanh, có cảm giác mình đang đứng ngoài rìa vòng tay non nớt. Nếu chị là má, chị làm sao? Làm sao quên được cái nhà này có bao nhiêu vết nứt, bao nhiêu cột xiêu, bao nhiêu viên gạch nguyên gạch bể? Con tắc kè bông sau tủ thờ đêm tặc lưỡi mấy bận, mấy con rắn lục ngoài ngôi cổ mộ huýt gió ra sao... làm sao quên? Hễ nghe tiếng chân nghiến trên con đường rải ngói lạo xạo là biết má về. Chạm vào đám cỏ mọc quanh mấy cục tán là nhớ trận đòn với thằng Út. Hai chị em chơi lò cò, nó nhảy loi choi đạp con gà choai của má tróc da đầu. Nhìn con gà lông cánh chưa đủ, đầu hớt hải một miếng da lòng thòng, cây roi mây của má càng nổi quạu. Buổi chiều buồn xo. Hàng tán hứng mớ muối hột rớt ra từ mấy lằn chổi lông gà sau lưng hai chị em mà nghe quặn ruột. Bìm bìm tím vắt ngang mái rêu như một bức tranh tĩnh vật. Bên thềm, bóng chị như một nét chấm phá cô đơn. Đám bói cá rửa mặt bên ao bông súng tha hồ đùa giỡn. Những cọng súng giòn tươi gợi nhớ về một nồi mắm kho đậm mùi sả ớt vào những ngày mưa má không đi chợ. Cả nhà xúm xít bên nồi cơm má nấu, trên nền gạch loang lổ chỗ trắng chỗ đen. Thường những bữa cơm đó thế nào ông Giác cũng có mặt, lăng xăng bắt cá, hái rau. Người đàn ông tha hương được má cưu mang, cám cảnh mẹ góa con côi nên hay giúp đỡ, để bà chủ nhà máy mặt quạu đeo: Muốn dọn ra đó nói một tiếng tui cho nghỉ? Ông ngậm miệng làm thinh. Nói thiệt, nhìn cái lưng áo bà ba thoăn thoắt trèo cây hái trái như đàn ông, bụng ai mà không xốn xang. Mà cũng tại chị nữa, sao mà chặt dạ, thương ai là thương tới già tới chết. Không thèm để ý mưa dầm hay nắng chang đổ lửa, có đôi mắt róng riết cứ nhìn theo búi tóc mỗi lần xõa dài là tỏa hương. Để bàn tay chai ngắt cời hoài mẻ than, nghe bồ kết cháy xèo xèo mà trái tim thổn thức. Chỉ cái bụng chị biết, không phải chị chặt dạ, mà chị sợ: sợ những con mắt soi mói, sợ những tiếng chó sủa ngoài sân báo tin nhà có khách tới chơi, sợ những người phụ nữ luôn cảnh giác dè chừng khi bất chợt thấy chị. Những điều đó làm thành một khoảng cách vô hình giữa hai người. Và người đàn ông tốt bụng nhưng vụng về, thô kệch thắc thỏm biết rằng mình nên để chị yên. Đi qua vài cuộc chiến, mảnh vườn cũng đầy thương tích rồi. Ngày má đang cuốc đất bỗng thổ huyết, máu còn ngấm quanh gốc mù u. Bữa địa chính kêu ký tên vào biên bản vi phạm “đốn cây xanh lâu năm” trong vườn, chị thiếu điều chết hụt. Mấy chuyện đó xưa rồi. Vợ chồng thằng Út nói đúng: “Cái di chúc miệng của má đâu có giá trị pháp lý”. Lúc vợ chồng thằng Út quơ tay chỉ giáp vòng khu vườn, chị hình dung một ngày, mấy cái xe cạp, xe ủi... sẽ san phẳng hết. Những ngôi mộ và những bộ xương trong đó rồi sẽ trở thành ký ức. Thật ra, họ cũng mang tên lãng quên nhiều đời rồi. Có quên thêm chút nữa cũng có sao. “Ai đời giờ này còn lưu luyến mấy con mương ô nhiễm lỉa chỉa đám rễ bần đen thui”. “Giữ làm gì mấy bụi chuối, mấy gốc dừa còm cõi đó, huê lợi từ mảnh đất chó ngồi ló đuôi này có nhiêu đâu, không bằng một góc tài sản của tụi tui nữa!”. Thằng Út xưa rày vẫn là đứa được má cưng nhứt. Nó có làm gì chắc má cũng không nỡ giận nó đâu. Vừa xếp mớ quần áo vô giỏ, chị vừa nghĩ ngợi. 2Trưa đổ bóng chậm bên hàng sao trước chùa. Nghe tiếng con Vện sủa, chị nhìn ra sân. Gương mặt nửa lạ nửa quen làm chị bần thần. Khách bối rối: - Anh... tôi... vô nhà được không? - Mời anh với chú vô nhà nghỉ chân. - Dạ, sẵn đi viếng chùa, tạt qua thăm chị với cháu. Nó có nhà không chị Ba? - Ấy chết, chú đừng kêu vậy, kẻo tôi có lỗi với chị Ba của chú. Cứ gọi tôi là chị Nhiều đi. Thằng Nhân nó đi làm trên thành phố chú à. Mời chú với anh dùng nước. - Thời gian qua nhanh thật, mới hồi nào... Khách trầm ngâm kín đáo đưa mắt nhìn quanh nhà. Bộ trường kỷ, cái tủ thờ, tủ ly... vẫn giữ nguyên vị trí, tuồng như bao nhiêu năm không hề có sự xê dịch. Chị lặng thinh không đáp. Bầy côn trùng sà thấp ngoài cửa sổ báo trước một cơn mưa. Quá khứ đổ ập một dáng dấp quen thuộc hờ hững ngắm chuồn chuồn. Những giọt mưa đục ngầu đẩy chị trôi tuột vào một cõi xa xăm có chàng bạch mã hoàng tử nổi tiếng khéo tay và dẻo miệng. Việc gì chàng cũng làm được: chằm lá, chẻ lạt, xóc nóc, lợp nhà, bắc cầu, sửa máng xối... Những lời ngọt ngào của chàng đã làm con tim mười bảy của chị đảo điên. - Bữa trước tôi có đọc được một bài báo... - khách ngập ngừng... - ...ca ngợi cháu Nhân, người em tiếp lời. - Dà, cám ơn chú. - Thằng nhỏ sống coi bộ được quá chị. Đọc xong ai cũng thấy hãnh diện cho dòng họ nhà mình hết sức. Thằng Nhân nó giống anh Ba như đúc. Thiệt là phước. Chị nhìn bóng những con chuồn chuồn ngoài sân, cười nhẹ. - À, bữa nay sẵn tiện qua đây, em muốn mời chị và cháu Nhân tuần sau qua dự đám cưới con gái em, cũng là em bà con chú bác ruột với nó. Đây là dịp để anh em nhận mặt nhau tiện nhứt. - Thằng Nhân nghe chắc ngạc nhiên lắm. Chị nói một mình với đôi mắt vô can đang im lặng ngó chuồn chuồn qua cửa sổ. - Dạ, cũng có hơi đường đột, nhưng toàn người nhà, mong chị đừng chấp nhứt. Khách lặng im. Ba mươi năm trước, khách lanh lợi hơn bây giờ. “Qua khỏi ngã ba Phú Mỹ, hỏi nhà anh ai cũng biết!”. Cậu chị, trụ trì một ngôi chùa lớn, đưa chị lên đường. Cậu tin vào lòng nhân đức, người ta sẽ nhận ruột rà máu mủ dù chưa được cưới xin. Tháng tư trời nóng hầm hập mà chị thấy nền gạch tàu dưới chân lạnh toát. Chị cố lục lọi thêm trong mớ ký ức nóng hổi một chút bản lĩnh quen thuộc của người đàn ông đang đứng trước mặt chị, hai tay khoanh lại như một đứa con ngoan, và lơ là nhìn chị đúng mỗi một lần. Giọng má anh đều đều trong lúc giũa móng tay: - Tôi biết làm sao được, con tôi chưa học xong, nó cũng chưa muốn lấy vợ lúc này. Mà thầy cũng tệ, ai lại để chuyện trai gái xảy ra nơi tôn nghiêm? Mồ hôi nhỏ giọt trên trán người trụ trì già nua. Chị cảm thấy mình đang làm ô uế màu áo nâu một đời chay tịnh. Những lời thầy thuyết phục không hề lay chuyển người phụ nữ đeo đầy vòng vàng đang ngồi trước mặt, và có vẻ không ảnh hưởng gì tới anh, đang ngoan hiền trong trẻo ngó chuồn chuồn qua cửa sổ. Chị muốn quỳ xuống lạy lục cầu xin và mở lời biện hộ cho thầy, đó là chuyện của chị, thầy không liên quan, nhưng sự tủi nhục xô chị chúi nhủi vào câm lặng. Những lời hứa hẹn ngọt ngào cũng nhanh chóng bay theo bầy chuồn chuồn. Thầy lặng lẽ cúi chào và nói nhỏ với chị: Mình về đi con! Lầm lũi bước theo màu áo nâu trên con đường đất xuyên qua những hàng dừa bạt ngàn, những gốc nhãn trĩu trái với cái đầu trống rỗng, chị không thấy gì ngoài những đôi mắt kép. - Cả nhà trông chị dữ lắm, chị nhớ về nghe chị Ba. Về đâu? Còn chỗ nào cho chị về sao? Ba mươi năm trước đã không còn chỗ về. Khi trở lại với mớ khăn áo bà thím đã chuẩn bị sẵn cho ngày chị “theo chồng”, chị tránh cái nhìn bén như dao cau của má. Chị không nhớ mình đã trả lời những câu hỏi của má ra sao bởi đang bụm miệng kìm một cơn nôn bắt nguồn từ mùi cứt gà tanh ói trong cây chổi chà trên tay má. Cái bụng chình ình của chị đã chuyển đến má một thông tin quá tải. Người phụ nữ bản lĩnh một nách ba đứa con, không có người đàn ông nào bên cạnh ngoài sự nhọc nhằn đơn độc, nay biết mình sắp có thêm một đứa cháu ngoại không cha? Chị tiếp nhận trận đòn của má không tiếng kêu than, chỉ cố xoay người để che cho cái bụng. Những giọt nước mắt lặng lẽ chảy qua những cơn mơ nồng nàn, hóa thành nỗi ê chề trên gương mặt thất thần, nhợt nhạt. Và giữa tiếng gió hun hút luồn qua căn chòi lá ngoài vườn trong một đêm mưa, máu giữa hai chân chị cũng tuôn thành dòng nóng hổi. Nhiều khi chị cảm thấy có một sự rượt đuổi không cân sức giữa mình và đám đông. Sự hả hê bươi móc của họ như một cái án chung thân giáng xuống đầu hai mẹ con chị. Mặc một cái áo mới cũng do dự. Đi với con ra đám đông cũng co ro. Giấu mặt cũng chưa an toàn. Quằn quại, đau đớn chưa đủ. Thiếu điều là biến mất. Khép chặt hết mọi ngõ ngách ước mơ dẫu thế giới vẫn bao la, mọi người vẫn vui cười hạnh phúc. Má đã nhất quyết lùa chị vào góc khuất, nhất quyết một ngày thằng Nhân phải bước ra ánh sáng để làm rạng rỡ dòng tộc, “cái dòng tộc văn hóa” đã bị chị “trét trấu bôi tro”. Có những lúc chị nghĩ mình không phải là con của má, bởi cái khoảng cách giữa má và chị quá căng thẳng, gay gắt và ngột ngạt. Con Ba và thằng Út thì luôn nhìn chị bằng cái nhìn khinh khỉnh. Những lúc đó chị ước gì mình có thể tan thành nước, để thong dong qua bờ bãi suối khe, được tung mình lên cao và tự do rơi. Dù thứ chất lỏng này không bao giờ có thể rửa sạch nỗi nhục nhã ê chề của má như lời thằng Út chì chiết. Khách vẫn im lặng chờ câu trả lời. - Chị sẽ đi nghe chị Ba? Cả dòng họ chờ đợi chị. - Tôi sẽ đi chú à. Khách mừng rỡ: - Vậy là em đã tha thứ...? - Tôi có lỗi với gia đình và dòng họ nhiều lắm, nên phải rời khỏi căn nhà này thôi. Sau này anh và chú đừng tới đây tìm tôi nữa. Mọi thứ sẽ trong sạch như tôi chưa từng ở mảnh đất này. Chị nhẹ nhàng đứng lên tiễn khách. Ngoài cửa sổ, bầy chuồn chuồn đã bay. Chỉ những đôi mắt kép còn ở lại. ■ Tags: Truyện ngắnSáng tácNhững đôi cánh rập rờnTrịnh thị cẩm
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.