Olympic và thực đơn cho nhân loại

HUY ĐĂNG 27/07/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Những VĐV Olympic luôn được xem là biểu tượng cho sức khỏe, sự rèn luyện bền bỉ, tinh thần nỗ lực không ngừng... Và những bữa ăn dành cho họ ở các kỳ Olympic cũng chính là thước đo cho dinh dưỡng của nhân loại.

Trong những kiến thức về dinh dưỡng lành mạnh mà chúng ta biết được ngày nay có phần đóng góp không nhỏ của tri thức thu được qua những cả̉i tiến không ngừng trong thực đơn trả̉i dài hàng chục kỳ Olympic.

Các VĐV cần chế độ dinh dưỡng đặc biệt hơn người bình thường. Ảnh: Reuters

 Chiều dài lịch sử

Hơn 700 thực đơn khác nhau - ban tổ chức Tokyo 2020 tự hào thông báo với những đoàn VĐV đầu tiên đặt chân đến làng Olympic của họ. 

Đó là một con số choáng ngợp thể hiện sự chuẩn bị kỳ công của chủ nhà, có thể sẽ chiều lòng được những vị khách khó tính nhất đến từ mọi miền thế giới.

Một bữa ăn đa dạng như thế là chuyện mà 100 năm trước, những bậc tiền bối khai sinh kỳ Olympic đầu tiên không thể̉ nào tưởng tượng ra được. 

Chiến tranh, dịch bệnh, nghèo đói, cũng như lạc hậu ở nhiều quốc gia khiến dinh dưỡng từng chỉ được xem là chuyện phụ ở các kỳ Thế vận hội. VĐV khi đó đơn giản là có gì ăn nấy, và được ăn no là tốt rồi.

Đến Olympic 1932 tại Los Angeles (Mỹ), khái niệm “làng Olympic” ra đời, một bước tiến đáng kể trong công tác tổ chức các kỳ Thế vận hội. Ban tổ chức quy tụ tất cả̉ những người tham dự Olympic về một chỗ. 

Trách nhiệm cung cấp thực phẩm cho họ vì thế trở nên quan trọng và thống nhất hơn. Những nghiên cứu về chế độ ăn lành mạnh, hiệu quả bắt đầu được đẩy mạnh.

Từ Olympic 1932 đến Olympic 1968, xu hướng của dinh dưỡng là chú trọng vào protein (đạm). 

Dù vậy, từ những năm đầu thập niên 1960, đội ngũ dinh dưỡng của các đoàn thể thao đã bắt đầu chứng minh rằng carbonhydrate (tinh bột) cũng có hiệu quả rất rõ rệt, và điều này được Ủy ban Olympic (IOC) ghi nhận từ Olympic 1972 tại Munich (Tây Đức).

Đó cũng là kỳ Olympic đánh dấu sự ra đời của thực đơn thống nhất cho toàn bộ VĐV các nước. Ban tổ chức Munich 1972 tuyên bố: “Chế độ dinh dưỡng củ̉a các VĐV thành tích cao trên toàn thế giới là gần tương tự nhau”.

Đến Barcelona 1992, nhãn mác các thành phần dinh dưỡng được dán lên quầy thức ăn, nhằm nâng cao nhận thức về thực phẩm chất lượng cho các VĐV. 

 
 Thực đơn tại Olympic Tokyo 2020 sẽ rất hấp dẫn và phong phú. Ảnh: Reuters

 Ở Atlanta 1996, các kiôt thực phẩm ra đời để cung cấp thêm nhiều lựa chọn bên cạnh thực đơn chính, và rất được ưa chuộng bởi các VĐV từ châu Á và châu Phi. 

Ban tổ chức Sydney 2000 còn đặc biệt xây dựng một trang web về các chế độ ăn kiêng VĐV có thể sử dụng khi đến tham dự kỳ Olympic của họ. Thành công của VĐV có phần quan trọng nhờ những công thức dinh dưỡng đó.

Ăn ngon và lành

Trên hành trình đó, Olympic 1984 ở Los Angeles (lần tổ chức thứ 2) được xem là một cuộc cách mạng về ẩm thực. 

Từ chỗ ăn uống lành mạnh, hiệu quả, các chuyên gia dinh dưỡng ở Los Angeles 1984 bắt đầu chứng minh một chân lý mới: “Vừa ăn lành mạnh, vừa có thể ăn ngon” khi cung cấp những thực đơn cực kỳ đa dạng, với đầy đủ hoa quả, thịt cá đến từ nhiều vùng miền khác nhau, và cả những món truyền thống của một số quốc gia (các VĐV Hàn Quốc đã rất sửng sốt khi biết họ được phát kim chi mang về phòng riêng).

Nhưng chuyện gì cũng có hai mặt, ăn quá nhiều và quá đa dạng dẫn đến nguy cơ rối loạn và kém lành mạnh. 

Rich Perelman, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ở Olympic 1984, thừa nhận: “Chúng tôi nhận được nhiều phàn nàn rằng ẩm thực quá phức tạp, điều đó khá đáng sợ với VĐV đến từ các quốc gia nghèo hơn”.

“Phong cách Mỹ” bắt đầu thể hiện rõ ở các kỳ Olympic sau, với một nghịch lý dễ nhận ra bởi sự có mặt của những hãng tài trợ là thương hiệu thức ăn nhanh hay đồ uống có gas. 

Jess Corones, người phụ trách dinh dưỡng của đoàn thể thao Úc ở Olympic London 2012, nói: “Đó là một trải nghiệm rất đặc biệt với các VĐV trẻ. Họ sẽ nhận được những bữa ăn của McDonald’s với số lượng không giới hạn, nước ngọt cũng không giới hạn... Đó là một thách thức thú vị với các VĐV trẻ, họ cần phải tỉnh táo và cố gắng kiên nhẫn đến khi thi đấu xong”.

Nhưng không phải VĐV nào cũng có thể làm vậy, kể cả những nhà vô địch. Michael Phelps từng thừa nhận trong quá trình luyện tập trước khi thi đấu ở̉ Olympic, anh từng ăn rất nhiều mì ống và pizza với lượng tinh bột lớn. Tất nhiên, chỉ họa hoằn mới thế.

“Mục tiêu của Olympic ngày nay là đảm bảo các bữa ăn phải phù hợp, lành mạnh, đa dạng với các nền văn hóa khác nhau, và cũng phải hấp dẫn. Những vị khách đến từ khắp nơi trên thế giới và sẵn sàng chia sẻ với nhau những món ăn truyền thống của dân tộc mình. Các bữa ăn giúp gắn kết mọi người lại với nhau”, bác sĩ Fiona Pelly của đoàn Olympic Úc nói.

Ngày hội quảng bá ẩm thực

Món kim chi của Hàn Quốc ngày nay đã là một món ăn nổi tiếng toàn cầu. Trên hành trình quảng bá món ăn thương hiệu quốc gia này, kỳ Olympic 1988 là một cột mốc quan trọng.

Bác sĩ Park Chae Lin - người đứng đầu Viện Kim chi thế giới - cho biết trong quá trình chuẩn bị cho Olympic 1988, người Hàn Quốc đã lên kế hoạch chi tiết về việc làm thế nào để giới thiệu món kim chi đến những VĐV nước ngoài mà không để lại những ấn tượng xấu (chẳng hạn như nặng mùi, điều làm người Tây phương khá dè dặt khi tiếp cận ẩ̉m thực phương Đông).

Cuối cùng, sách lược của Seoul 1988 đã thành công. Các VĐV có cơ hội trải nghiệm món kim chi và trở thành những đại sứ tuyệt vời cho món ăn truyền thống của người Hàn Quốc. 

Những thông tin về lợi ích củ̉a kim chi như điều hòa đường ruột, ngăn ngừa béo phì cũng được quảng bá rộng rãi. Không có gì ngạc nhiên khi sau Olympic 1988, sả̉n lượng xuất khẩu kim chi củ̉a Hàn Quốc tăng vọt.

Những gì Hàn Quốc làm được, người Nhật hoàn toàn có thể̉ làm tốt hơn. Olympic Tokyo gói ghém rất nhiều sự đầu tư và tham vọng của một nước Nhật vẫn còn vất vả trong trận đại dịch toàn cầu. 

Đó là nỗ lực hồi sinh kinh tế, du lịch thông qua một kỳ Thế vận hội, nỗ lực quả̉ng bá những công nghệ “chưa từng có” trong tổ chức thể̉ thao, như các loại robot phục vụ du khách, hay công nghệ phát sóng 8k... Và ẩ̉m thực cũng là một khía cạnh cực kỳ quan trọng.

Vì dịch bệnh, ban tổ chức Tokyo 2020 buộc phả̉i cấm các VĐV không được đến các nhà hàng bên ngoài làng Olympic, nên toàn bộ các bữa ăn của hơn 11.000 VĐV ưu tú từ khắp thế giới sẽ do họ cung cấp. 

Đó là cơ hội để những chuyên gia ẩ̉m thực củ̉a Nhật Bả̉n chứng tỏ̉ thế nào là những bữa ăn lý tưở̉ng cho nhân loại.

Ưu tiên thực đơn bình dân

Ban tổ chức Tokyo 2020 cho biết họ sẽ cung cấp tổng cộng hơn 700 thực đơn trong khoảng 3 tuần hoạt động của làng Olympic, với 3.000 chỗ ngồi ở khu vực ăn uống 2 tầng và 2.000 nhân viên phục vụ. 

Các thực đơn được chia làm 3 loại: các món phương Tây, các món Nhật, và các món châu Á. Trong đó thực đơn châu Á bao gồm các món kiểu Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.

Ông Tsutomu Yamane, người điều hành bộ phận ẩm thực ở Tokyo 2020, cho biết trọng tâm sẽ là các món ăn bình dân hơn là những món cao cấp, với mì ramen và udon là 2 loại cơ bản nhất, ngoài ra các món Nhật nổi tiếng như thịt bò nướng Wagyu, tempura (các món tẩm bột chiên), okonomiyaki (bánh xèo Nhật) hay takoyaki (bánh bạch tuộc) cũng sẽ xuất hiện. Điều đáng tiếc là các món ăn sống như sushi hay cá sống bị loại bỏ vì quy tắc an toàn trong mùa dịch.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận