"Tiểu thuyết là sự cứu rỗi"

NGUYỄN MẠNH SƠN 19/10/2022 08:19 GMT+7

TTCT - Đó là lời của Takase Junko, người vừa giành được Giải thưởng Akutagawa lần thứ 167 - một giải thưởng văn chương vô cùng danh giá ở Nhật Bản, với tác phẩm Oishigohan ga tabearemasu youni (Mong bạn được ăn ngon).

Tiểu thuyết là sự cứu rỗi - Ảnh 1.

Nhà văn Takase Junko

Với tôn chỉ phát hiện những tác phẩm có giá trị văn học cao và những nhà văn trẻ đầy tài năng, hằng năm giải thưởng Akutagawa ở Nhật Bản luôn được bạn đọc hồi hộp chờ đón. Năm 2022, một điều đặc biệt đã xảy ra trong suốt hành trình dài kể từ khi giải thưởng ra đời năm 1935 đến nay: lần đầu tiên cả 5 ứng viên được đề cử cho giải thưởng Akutagawa đều là nữ.

Nội dung chủ yếu của Oishigohan ga tabearemasu youni xoay quanh mối quan hệ giữa một người đàn ông và hai người phụ nữ làm việc tại văn phòng chi nhánh địa phương của một công ty thực phẩm. 

Thông qua những món ăn, tác giả đã khéo léo phác họa mối quan hệ gắn bó thân thiết giữa ba người với nhau, dần dần đan xen các tình tiết khác khiến các mối quan hệ đó thay đổi. Với bút pháp tả thực, tác giả đã lột tả khung cảnh nơi họ làm việc, công việc cụ thể của từng người, đồng thời đi sâu vào khám phá nội tâm, chuyện tình cảm của từng người và sự cộng hưởng giữa họ. 

Tác phẩm này được đánh giá là rất thành công trong việc mô tả mối quan hệ giữa các cá nhân ở trong một môi trường nhỏ hẹp như văn phòng làm việc, với không gian ba chiều.

"Chủ đề u ám nhưng được miêu tả bằng những nét phác họa nhẹ nhàng với giọng văn hài hước. Đây là một kiệt tác của tiểu thuyết tâm lý" - Matsuura Hisaki, một thành viên của hội đồng tuyển chọn, nhận xét về cuốn sách.

Tiểu thuyết là sự cứu rỗi - Ảnh 2.

Takase Junko kể rằng từ nhỏ cô đã mơ ước mình trở thành một nhà văn, và cho rằng trong tương lai, "để sinh tồn được trong thế giới này, chúng ta phải có một ý chí vô cùng mạnh mẽ".

Cô nói rằng ý tưởng hình thành nên cuốn tiểu thuyết là từ sự bực bội trong quá trình làm việc. Là một nhân viên văn phòng, hiện tại cô vừa làm việc như những người bình thường khác, vừa viết văn.

"Tôi bắt đầu ra đời làm việc cho đến nay khoảng 10 năm. So với 10 năm trước, mọi thứ đã có sự thay đổi theo hướng tốt hơn. Tôi không biết tiểu thuyết có đóng vai trò gì trong đó hay không, nhưng nếu tiểu thuyết của tôi vẫn có thể khơi lên những niềm đau, nỗi sợ hãi, tôi nghĩ rằng người đọc nó sẽ được cứu rỗi, dù theo bất cứ cách thức nào. Tất nhiên với tư cách là một thành viên của xã hội, tôi cho rằng chính việc được làm chung với những người khác đã mang lại nhiều trải nghiệm hữu ích cho tôi. Ở nơi làm việc, ngày ngày được tiếp xúc với những người ở mọi độ tuổi khác nhau, là nguồn vốn hữu ích để tôi có thể viết tiểu thuyết" - cô nói sau khi nhận giải thưởng.

Cho rằng cuộc đời mình đã được tiểu thuyết nâng đỡ, cô nói: "Bên trong con người tôi, có những phần được tiểu thuyết cứu rỗi, có những phần được tiểu thuyết nâng niu, cũng có những phần mà tôi không thể bảo vệ được. Quả thực có những kinh nghiệm tôi có được là nhờ tình thương của gia đình và bè bạn, nhưng dù vậy tôi vẫn không ngừng tự chất vấn mình, tự đối mặt với vấn đề mà tôi chỉ có thể tự mình vượt qua".

Takase Junko luôn nhấn mạnh đến việc tiểu thuyết đã cứu rỗi cô và cũng có thể cứu rỗi người khác: "Tôi đã được cứu rỗi khi đọc tiểu thuyết. Tôi không nghĩ rằng những khi đau đớn, những lúc buồn tủi, nếu đọc sách và đắm chìm vào thế giới của sách, tôi có thể trốn chạy khỏi hiện thực. Cá nhân tôi, nếu lún sâu vào thế giới mà tôi dựng lên trong sách thì ở ngóc ngách nào đó trong đầu tôi cũng tự cho rằng bản thân mình đang sống trong thế giới đó, có khi không thể thoát ra, tôi mang trong mình mọi đau buồn, khổ sở, đố kỵ của nhân vật. Nhưng rồi tôi cũng không ngừng tự hỏi bản thân về việc tôi nên làm thế nào, tôi nên giải quyết ra sao".

Thế nhưng mục đích viết của cô lại gói gọn trong một ước mong: "Sẽ có người nào đó trên thế giới này, trong một đêm không ngủ, đang đọc cuốn tiểu thuyết của tôi, điều đó thực sự trở thành sự cứu rỗi đối với tôi. Không gì hạnh phúc hơn thế. Tôi chỉ có thể thể hiện lòng biết ơn bằng cách tiếp tục viết".■

Ở Việt Nam, nhiều tiểu thuyết đoạt giải thưởng Akutagawa đã được xuất bản: Ngày đẹp trời để cô đơn của Aoyama Nanae (giành giải Akutagawa năm 2006); Lời nguyện cầu chín năm trước của Ono Masatsugu (năm 2014); Tia lửa của Matayoshi Naoki (năm 2015); Cô nàng cửa hàng tiện ích của Murata Sayaka (năm 2016); Cô gái mặc váy tím của Natsuko Imamura (năm 2019)…

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận