Trẻ sinh mổ tăng nguy cơ béo phì

BS LÊ TUYẾT HOA 23/06/2012 09:06 GMT+7

TTCT - Không chỉ ở nước ta mới ngày càng nhiều người chọn hình thức sinh mổ, tại Mỹ cứ ba người sinh con thì có một người chọn sinh mổ. Một nghiên cứu gần đây cho thấy có mối liên hệ giữa sinh mổ và bệnh béo phì.

Phóng to
Phải rất thận trọng khi quyết định sinh mổ - Ảnh: babyhanz.com

Cất công tìm kiếm nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng béo phì ở thiếu niên, các nhà khoa học không những chú trọng đến yếu tố dinh dưỡng hay di truyền mà còn nghi ngờ chuyện sinh mổ có thể gây ra rắc rối này.

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Archives of Disease in Childhood ngày 23-5-2012 (thực hiện trên 1.255 cặp mẹ - con trong thời gian 1992-2002) cho thấy có 16% trẻ sinh mổ bị béo phì khi đến tuổi thanh thiếu niên, trong khi chỉ có 7,5% trẻ sinh thường mắc phải. Khi lên 3, nguy cơ béo phì ở các trẻ này tăng gấp đôi. Không phải lần đầu tiên một kết quả như vậy được công bố. Một nghiên cứu quy mô nhỏ hơn tại Trung Quốc ở trẻ 3-6 tuổi cũng cho kết quả tương tự.

Nghiên cứu chỉ ra rằng những thay đổi ở vi khuẩn nền trong ruột của các thiếu niên béo phì có liên quan mật thiết với tiền sử sinh mổ của họ. Giới khoa học cho rằng sở dĩ trẻ sinh mổ béo phì nhiều hơn trẻ sinh thường là do thay đổi cộng đồng vi khuẩn thường trú này.

Bình thường những vi khuẩn đường ruột giúp rút tỉa năng lượng từ dưỡng chất ăn vào một cách hiệu quả, giảm quá trình viêm hoặc tích tụ mỡ (và xa hơn là kích thích tế bào tăng nhạy với insulin). Trẻ sinh mổ có nhiều vi khuẩn Firmicutes hơn và ít Bacteroides hơn so với trẻ sinh thường. Ruột của trẻ béo phì có diện mạo vi khuẩn tương tự ở trẻ sơ sinh sinh mổ.

Một giả thiết cho sự thay đổi thành phần vi khuẩn đường ruột của bé là kháng sinh. Khi sinh mổ, mẹ thường được chích kháng sinh dự phòng nhiễm trùng vết mổ. Hơn nữa, một điều thú vị là nguy cơ béo phì giữa các trẻ sinh mổ chương trình (có sự chủ động, sắp đặt trước) hay sinh mổ cấp cứu không hề khác nhau. Bên cạnh hậu quả gây béo phì về sau, sinh mổ còn tăng nguy cơ bị suyễn và viêm mũi dị ứng cho trẻ.

Những thiếu niên từ 12-18 tuổi nếu có cân nặng cơ thể dư thừa, nguy cơ tim mạch sẽ khởi tăng. Và nếu có thêm những nguy cơ khác như tăng mỡ máu, tăng đường máu, tăng huyết áp giới hạn sẽ gia tăng sự cố tim mạch sau này cho trẻ. Gần đây một khảo sát trên hơn 600 học sinh cấp II tại các trường ở TP.HCM ghi nhận tỉ lệ thừa cân - béo phì đến 16,5%. Kết quả này thật đáng lo ngại. Khi mà béo phì chưa là vấn đề sức khỏe đáng kể, việc dự phòng nên được đặt lên hàng đầu, đừng để xảy ra rồi mới can thiệp.

Trong bối cảnh có nhiều người sinh mổ và muốn sinh mổ như hiện nay, những thông tin trên rất đáng lưu ý cho các bậc làm cha mẹ.

Mục đích của phẫu thuật mổ lấy thai là nhằm đảm bảo tính mạng của mẹ và con, vì vậy sẽ được chuyên khoa sản chỉ định khi thật cần thiết (ví dụ khi bất xứng đầu bé và khung chậu của mẹ, ngôi ngược, nhau quấn cổ, vỡ ối sớm, mẹ có bệnh tim nặng không cho phép rặn sinh hay thai nhi sớm có dấu hiệu suy thai trong cuộc chuyển dạ kéo dài...).

Bất kỳ một quyết định y khoa nào đều luôn cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Do đó, nếu chỉ vì ấn định ngày sinh hay vì mẹ sợ đau không chịu rặn sinh, e rằng lợi bất cập hại không chỉ trước mắt mà còn lâu dài cho sức khỏe bé. Các bà mẹ chọn sinh mổ nên nhận thức hết những hiểm nguy cho bé yêu của mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận