Trung Quốc chiều chuộng người mê "ăn sẵn"

PHAN BẢO 16/12/2023 06:08 GMT+7

TTCT - Thích "ăn sẵn" ở đây không có ý cạnh khóe gì, mà là nghĩa đen chỉ ưu tiên ăn uống nhanh gọn lẹ, mở ra dùng ngay hoặc chỉ cần chờ vài giây hâm nóng của những người tiêu dùng thế hệ mới.

Sinh viên, người lao động trẻ Trung Quốc rất thích lẩu ăn liền mua ở các cửa hàng tiện lợi. Ảnh: NIKKEI

Sinh viên, người lao động trẻ Trung Quốc rất thích lẩu ăn liền mua ở các cửa hàng tiện lợi. Ảnh: NIKKEI

Thị trường thực phẩm chế biến sẵn ở Trung Quốc hấp dẫn đến mức Jack Ma, nhà đồng sáng lập đế chế mua sắm trực tuyến Alibaba, quyết định nhảy vào với việc thành lập Hangzhou Ma's Kitchen Food hồi cuối tháng 11. Hồ sơ doanh nghiệp cho thấy công ty của Jack Ma hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm đóng gói sẵn, chế biến và bán lẻ các sản phẩm nông nghiệp ăn được.

Mặc dù "Bếp ăn của Mã" chưa công khai cung cấp thông tin chi tiết về mô hình kinh doanh hoặc loại thực phẩm nào sẽ bán, các suy đoán chủ yếu cho rằng Jack Ma muốn tham gia thị trường bữa ăn làm sẵn đang bùng nổ ở Trung Quốc.

Theo CNN, bữa ăn làm sẵn (ready meal) là từ chung để chỉ thực phẩm đã sơ chế, chỉ cần hâm nóng và ăn. Thị trường này ở Trung Quốc trị giá khoảng 71,1 tỉ nhân dân tệ (9,9 tỉ USD) vào năm ngoái, tăng khoảng 28% so với năm 2018, theo Euromonitor International. 

Nhu cầu về các loại thực phẩm đóng gói sẵn khác cũng tăng vọt. Chẳng hạn, thị trường meal kit (suất ăn sẵn sàng) - chỉ cần kết hợp các nguyên liệu trong hộp và nấu nướng đơn giản - cũng tăng gần gấp ba lần trong cùng khoảng thời gian, đạt 29,1 tỉ nhân dân tệ (4 tỉ USD) vào năm 2022.

Không chỉ Jack Ma, rất nhiều nhà đầu tư đã và đang tìm cách thu lợi từ ngành này trước bối cảnh người tiêu dùng duy trì những thói quen hình thành trong thời kỳ đại dịch: ăn ở nhà, nhưng phải vừa ngon vừa tiện.

Súp cá và gà có thể hâm nóng để ăn ngay của chuỗi bán lẻ Freshippo được đựng trong nồi màu vàng khi giao đến thực khách. Ảnh: ALIBABA

Súp cá và gà có thể hâm nóng để ăn ngay của chuỗi bán lẻ Freshippo được đựng trong nồi màu vàng khi giao đến thực khách. Ảnh: ALIBABA

Những con số lấp lánh

Rất nhiều sản phẩm tưởng như chỉ có thể cất công tự tay nấu hoặc ra tiệm chờ được phục vụ tại chỗ giờ đã có thể đặt hàng bằng một cú nhấp chuột, trữ đông thời gian lâu, làm nóng và ăn liền trong vài phút. 

Đây là cách các nhà cung cấp sáng tạo để phục vụ nhu cầu ăn uống mới của người tiêu dùng - không ra ngoài ăn sang, nhưng cần bữa ăn ở nhà vừa ngon vừa lẹ.

Với nhiều người, phải lao vào bếp nấu nướng hoặc chờ giao đồ ăn trong tình trạng đói cồn cào khi vừa về đến nhà sau một ngày dài làm việc là điều không mong muốn. Những bữa ăn sẵn có thể hâm nóng nhanh hoặc ăn ngay sau khi mở bao bì giúp giải quyết bài toán tiết kiệm chi phí, thời gian và công sức nhưng vẫn đảm bảo được sự đa dạng. Đó cũng là lý do hình thành nên một ngành kinh doanh trị giá hàng nghìn tỉ đô la.

Báo China Daily cho biết tính đến cuối năm ngoái, Trung Quốc có hơn 64.000 công ty kinh doanh liên quan đến đồ ăn sẵn, trong đó hơn 1.690 công ty mới đăng ký thành lập từ tháng 1 đến tháng 11, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm trước.

Về kênh phân phối, khoảng 35% bữa ăn sẵn hiện được mua trực tuyến và 65% được mua trực tiếp qua mạng lưới phân phối siêu thị khổng lồ của Trung Quốc, theo số liệu từ Công ty tiếp thị kỹ thuật số Trung Quốc United Media Solution (UMS).

Dữ liệu từ sàn thương mại điện tử JD cho thấy doanh số bán đồ ăn sẵn trên siêu thị trực tuyến của nền tảng này đã đạt tốc độ tăng trưởng kép hằng năm trên 120% trong ba năm qua. Trong năm 2022, hơn 400 thương hiệu đã cung cấp hơn 2.000 loại đồ ăn sẵn trên siêu thị trực tuyến của JD.

Tháng 7-2022, hàng triệu người dùng đã tham gia buổi phát trực tiếp trên ứng dụng Douyin - phiên bản TikTok nội địa Trung Quốc - để mua món cá dưa cải nấu sẵn được bán với giá 0,01 nhân dân tệ. Buổi phát trực tiếp kéo dài 19 giờ của Công ty fintech Trung Quốc Qudian đã tạo ra doanh thu bán hàng 250 triệu nhân dân tệ, theo trang Sixth Tone.

Ai thích ăn sẵn?

JD cho biết khách hàng chính của "bữa ăn sẵn sàng" là những phụ nữ đã kết hôn, sinh vào những năm 1980 và 1990, sống ở các thành phố hạng nhất. Ngoài ra, đối tượng chính tiêu thụ bữa ăn nấu sẵn còn có lực lượng người tiêu dùng độc thân rất hùng hậu ở Trung Quốc, theo China Daily.

Trung Quốc có hơn 125 triệu người sống một mình, theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia công bố năm ngoái. Doanh số thực phẩm ăn liền - gồm bữa ăn nhẹ, mì sợi gạo, mì cao cấp và bữa ăn "tự sôi" - trên JD tăng từ 60 - 80% trong năm 2022 so với một năm trước đó.

Theo nhà bán lẻ trực tuyến này, mì Ý ăn liền xốt thịt cà chua, tiêu đen và kem, mì gạo cay ăn với măng ngâm và ốc là những món "best-seller" năm 2022 với người tiêu dùng trẻ Trung Quốc, đặc biệt là những thực khách độc thân.

Luo, 22 tuổi, cho rằng bữa ăn sơ chế sẵn giúp tiết kiệm thời gian và biến việc nấu nướng trở nên dễ dàng với những người không thạo bếp núc. "Mỗi gói thực phẩm có đủ nguyên liệu sống, thậm chí cả gia vị, bạn chỉ cần nấu thôi" - cô nói với Sixth Tone.

Cơm bò hầm khoai tây

Cơm bò hầm khoai tây "tự sôi" của thương hiệu Kai Xiao Zao (Trung Quốc). Ảnh: nickblitzz.sg

Nhưng cả người sành ăn và biết nấu nướng cũng dần chuộng bữa ăn nấu sẵn để tiết kiệm thời gian chuẩn bị, nấu nướng và dọn dẹp hàng đống chén dĩa, theo trang tin tức Alizila của Alibaba. Từ món tiểu long bao cho đến cải thìa xào, người tiêu dùng được thưởng thức hương vị và nguyên liệu chuẩn Trung Quốc mà không cần rời khỏi nhà, bởi đã có "bữa ăn sẵn sàng".

Liu Si, sống một mình ở Thượng Hải, cho biết anh dành một khoản chi tiêu đáng kể hằng tháng cho thực phẩm làm sẵn. Anh chia sẻ với Alizila: "Chúng rẻ hơn so với việc đi ăn ngoài và tôi có thể nhìn thấy nguyên liệu thô, cảm thấy an toàn hơn so với việc đặt đồ ăn giao tới". 

Cứ hai lần một tuần, thanh niên 28 tuổi lại này đặt các gói đồ ăn làm sẵn như bánh bao hấp, salad gà và tôm càng nướng của Freshippo - chuỗi bán lẻ độc quyền hàng tạp hóa và thực phẩm tươi sống của Tập đoàn Alibaba, về chất đầy tủ lạnh.

Zhang Qian, người đứng đầu bộ phận thu mua của 3R - thương hiệu kinh doanh thực phẩm làm sẵn của Freshippo, cho biết: "Chúng tôi nhận thấy xu hướng gia tăng nhu cầu từ những người trẻ thành thị, những người bị hạn chế về mặt dụng cụ và không gian nấu ăn vì ở nhà thuê".

Một nhóm khách hàng "ruột" khác của các nhà cung cấp bữa ăn sẵn là những người trẻ không giỏi nấu nướng, nhưng vẫn muốn vào bếp và ăn cơm nhà. Chen Yanfeng, sống ở Hàng Châu, từng khiến mẹ vợ kinh ngạc khi bà tới thăm bằng một bữa tiệc thịnh soạn với vịt quay Bắc Kinh chặt đều tăm tắp, dọn kèm đủ món từ bánh kếp, rau củ thái sợi tới nước chấm tương ngọt mặn. Tất cả được DaDong - chuỗi nhà hàng vịt quay Bắc Kinh được giới sành ăn trong và ngoài Trung Quốc biết đến - giao theo dạng "sẵn sàng hâm nóng".

Như nhiều chuỗi nhà hàng danh tiếng khác, DaDong đã nhảy vào mảng kinh doanh đồ ăn sẵn, giao về nhà, bên cạnh đón khách đến ăn. "Tất cả vịt mới ra lò sẽ được thái thành 90-95 miếng trước khi nguội. 

Với lớp da phủ trên thịt để chặn độ ẩm, vịt sẽ được đông lạnh nhanh và đóng gói" - đại diện nhà hàng chia sẻ với Alizila. Chỉ mất tối đa 48 tiếng để món vịt này di chuyển từ lò nướng của DaDong đến tủ lạnh của người tiêu dùng.

Nhà nước quan tâm

Năm 2023, lần đầu tiên bữa ăn nấu sẵn được đưa vào tài liệu trung ương số 1 - chính sách quan trọng hằng năm của Chính phủ Trung Quốc - theo diện "ưu tiên phát triển hàng đầu", cùng với nông nghiệp và các ngành công nghiệp chủ chốt khác, theo tờ Nhất Tài Toàn Cầu (Yicai Global). Liu Rui, phó nghiên cứu gia tại Bộ Nông nghiệp và Nông thôn, khẳng định với báo Economic Daily rằng trong vài năm tới sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ hơn đối với lĩnh vực thực phẩm chế biến sẵn.

Dù không thể phủ nhận sự tiện lợi mà thực phẩm chế biến sẵn mang lại cho người tiêu dùng, tốc độ phát triển nhanh chóng của ngành cũng làm dấy lên mối lo ngại về những nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe. Theo một báo cáo do cơ quan truyền thông nhà nước people.cn thực hiện, bữa ăn nấu sẵn - vốn chứa nhiều muối và chất béo - là một trong những sản phẩm bị người tiêu dùng phàn nàn nhiều nhất trong năm ngoái.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận