TTCT - Một huyện đồng bằng ven đô thị có hai ngôi trường THPT cách nhau 4km, cả hai tương đương mọi thứ từ cơ sở vật chất, địa lợi, nhân hòa cho đến đội ngũ giáo viên. Vậy mà hằng năm, điểm tuyển sinh vô lớp 10 giữa hai trường hết sức chênh lệch. Năm nay một trường tuyển vô 20 điểm/5 môn, trường kia 2,5 điểm/5 môn (thi ba môn toán, văn, Anh, trong đó toán, văn hệ số hai). Tạm gọi tên hai trường là Trường 20 và Trường 2,5. Phóng to Minh họa: Satế Học sinh thi vô Trường 20 không đậu, cầm số điểm từ 19,75 trở xuống ngậm ngùi rời xa huyện nhà xuống phố học trường tư, xa xôi, tốn kém, lo âu. Phụ huynh bức xúc, đề nghị Trường 2,5 nhận con họ vô học nhưng quy định tuyển sinh của sở không cho phép. Họ quay ra than với hiệu trưởng Trường 2,5: “Biết con tôi học dở thế này tôi cho nó thi trường thầy”. Hiệu trưởng nhăn mặt: “Thế trường tôi chuyên dạy học sinh dở à?”. Hiệu trưởng Trường 2,5 tiếc số học sinh có điểm cao, xin sở chiếu cố cho nhận thêm một lớp, đã không được còn bị sở giáo huấn: “Nếu nhận số học sinh này, năm sau học sinh cứ đâm đầu vô trường kia thi, tình trạng chênh lệch lại xảy ra, anh không hiểu điều ấy sao”. Sao không hiểu, nhưng làm giáo dục vậy có đành đoạn quá không? Một cán bộ quản lý nói: “Cũng như tuyển sinh đại học vậy, anh không thể rớt trường y thì được sang kinh tế. Cứ coi như một lần các em vấp ngã”. Ông phụ huynh kia nổi nóng: “Đó là học chuyên ngành, còn đây học phổ thông, thưa thầy. Hơn nữa các cháu mới tí tuổi đầu biết gì mà vấp với ngã”. Hỏi phụ huynh: “Thầy cô giáo Trường 20 đâu có giỏi hơn thầy cô Trường 2,5, sao cứ phải cho con thi vô đó, rớt, rồi hối hận”. Trả lời: “Trường đó có thương hiệu. Hằng năm học sinh đậu đại học nhiều”. Ô vâng, đầu vào tốt hơn thì đầu ra có thành tích cao hơn. Đầu ra thành tích cao hơn thì lại tuyển được đầu vào chất lượng hơn, cứ thế. Thử hoán đổi học sinh lớp 10 năm nay giữa hai trường liệu có còn “thương hiệu”? Làm thế nào rút ngắn sự chênh lệch kia? Hiệu trưởng Trường 2,5 khoát tay đầu hàng. Nhưng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông “đổ thừa” như sau: Cách đây bảy năm, thời ông hiệu trưởng cũ, không ngày nào ông ấy không rủ rê giáo viên đánh bida, matxa, nhậu nhẹt. Ai chịu khó chơi với ông thì ông nâng đỡ, ai không chơi ông trù úm. Làm hiệu trưởng nói trước học sinh không khi nào chuẩn bị, cứ bạ đâu nói đấy, nhớ đâu nói đấy, nói dây dưa, nói ngô nghê học sinh cứ ôm bụng cười rộ từng đợt chẳng ra thể thống gì. Tiếp đến ì xèo việc ông biến quá nhiều “hóa đơn nhậu” thành “hóa đơn tiếp khách”. Lúc nào cũng ba hoa mình quan hệ rộng, chỗ thân tình với giám đốc sở. Giáo viên không nể hiệu trưởng, họ đâm chểnh mảng. Rồi thì học sinh đánh lộn liên miên, xử lý không triệt để. Dân tình chê trách ghê lắm, họ nói hiệu trưởng như thế thì quản lý làm sao, giáo viên như thế thì dạy dỗ ai. Một cá nhân để mất uy tín, tìm cách lấy lại đã khó, một tập thể mất uy tín biết bao giờ mới lấy lại được đây. Điều hiệu trưởng Trường 2,5 nói không sai nhưng chưa hẳn đã là nguyên nhân của điểm thi cách biệt giữa hai trường. Râm ran trong dân, họ nói hay hơn: Tại sao sở không phân luồng học sinh, bên này tỉnh lộ thi vô trường A, bên kia tỉnh lộ thi vô trường B chẳng hạn, học sinh sẽ đỡ thiệt thòi. Hoặc, hết hạn nhiệm kỳ hiệu trưởng năm năm (nên ba năm) sở phải tổ chức sát hạch lại chứ không lấy tín nhiệm qua loa, đại khái. Thật ra có những việc cần tài năng chứ đâu cần kinh nghiệm chung chung. Anh muốn làm quản lý giáo dục thì phải mua tài liệu về học để thi, để làm cho trúng chứ sao có chuyện mở lớp đào tạo quản lý nhỉ? Hoặc, luân chuyển giáo viên giữa hai trường cũng là một cách thể hiện sự năng động của guồng máy giáo dục, tất nhiên phải có quy chế từ trước, tránh lợi dụng gây khó khăn. Bàn cho lắm, kẻ thiệt thòi vẫn là những học sinh thi vào Trường 20 để rồi phải cầm số điểm từ 19,75 trở xuống ra trường tư học! Tags: Tuyển sinhGiáo viênCâu chuyện giáo dụcTrường tư
Cận cảnh điện Thái Hòa dát 300 lạng vàng sau 3 năm đại trùng tu, mở cửa đón khách NHẬT LINH 23/11/2024 Điện Thái Hòa - ngôi điện quan trọng nhất trong Hoàng cung Huế - đã mở cửa trở lại đón khách sau 3 năm đại trùng tu.
Phó tổng thống Philippines: Đã bố trí người ám sát Tổng thống Marcos THANH BÌNH 23/11/2024 Phó tổng thống Philippines đã chỉ thị sát thủ giết chết vợ chồng Tổng thống Marcos và chủ tịch Hạ viện Philippines trong trường hợp bà bị sát hại.
Thêm một vụ đất ông bà để lại ở hẻm 'bà Châu quận 8' Đà Nẵng TRƯỜNG TRUNG 23/11/2024 Thêm một vụ giành quyền sử dụng đường chung tại chính hẻm 'bà Châu quận 8' Đà Nẵng.
Cứu 7 người kẹt trong căn nhà bốc cháy, cảnh sát nhường mặt nạ dưỡng khí cho cô gái mang bầu HỒNG QUANG 23/11/2024 Căn nhà bốc cháy trên phố Trúc Bạch (Hà Nội). Cảnh sát đã đưa 7 người mắc kẹt trên tầng cao ra ngoài.