Tướng Giáp và tinh thần mà ông để lại

ĐINH ĐỨC HOÀNG 12/10/2013 23:10 GMT+7

TTCT - Không ai có thể chưa đi qua chiến tranh mà tự tuyên bố rằng mình hiểu được chiến tranh. Nhưng những người trẻ chúng tôi cảm nhận được sự vĩ đại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ một cuộc đấu tranh khác, cuộc đấu tranh chúng tôi đang trải qua, trong quá trình xây dựng đất nước.


Nhiều bạn trẻ lặng lẽ xếp hàng vào viếng Đại tướng

Giữa sân bay Chopin ở Warsaw (Ba Lan), một trong những nơi đẹp nhất châu Âu và có lẽ là cả thế giới, người cảnh sát ở cửa khẩu, một phụ nữ, bắn chúng tôi. Không phải bằng viên đạn từ khẩu súng, mà bằng lời lẽ. Cô căn vặn tấm visa của chúng tôi, hai vị khách cuối trong chuyến bay cuối ngày, rồi thở dài: “Thôi, hi vọng tôi còn được gặp lại các anh ở đây”.

Một câu nói khiến người nghe đau nhói. Đi công tác bằng thư mời của tổ chức uy tín mà bị coi như người vượt biên. Người viên chức của một nước châu Âu đã không thể giấu nổi thái độ cá nhân: họ coi thường hay họ sợ những người đến từ đất nước Á Đông kia, những người hay bước qua đường biên giới rồi không quay lại?

Chúng tôi, thế hệ này, vẫn đang sống trong một cuộc đấu tranh. Cuộc xây dựng đất nước là đấu tranh. Cuộc đấu tranh mà ngày nào còn chưa thắng lợi, chúng tôi, những người trẻ còn tự trọng, sẽ còn nhận những vết thương. Những vết thương không trên thịt da và rất khó lành.

Trong chương cuối cùng của Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng (2005), cuốn sách mà cái tên đã nói lên chủ đề chính yếu của nó, được phát hành nhân 30 năm ngày thống nhất đất nước, tác giả Võ Nguyên Giáp đã sử dụng một đoạn dài để nói về những thách thức mà đất nước phải đối mặt trong thời bình. Những vấn đề mới về kinh tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật.

“Phải nói rằng hiện nay nước ta đang còn là một trong những nước nghèo trên thế giới, cơ cấu kinh tế phần lớn còn là nông nghiệp, năng suất lao động thấp kém hàng trăm lần, trình độ công nghệ lạc hậu hàng thế kỷ so với các nước phát triển” - ông vạch ra.

Vị tướng vĩ đại đã dùng đoạn kết của một cuốn sách về chiến tranh để gợi ra một cuộc đấu tranh mới. Một hình ảnh đầy tính biểu tượng. Dù năm ấy, năm mà cuốn sách phát hành, ông đã ở tuổi 84, cái tuổi mà người ta đã có quyền nghỉ ngơi từ lâu. Đại tướng đã rời tổng hành dinh, nhưng điều đó không khiến ông từ bỏ vai trò của một nhà ái quốc.

“Dù thắng lợi của đường lối đổi mới to lớn như thế nào, chúng ta cũng dũng cảm nhìn vào sự thật” - cuộc đấu tranh mới cần không ít dũng cảm hơn những cuộc đấu tranh cũ. Và bây giờ, trong cuộc đấu tranh mới ấy, mọi người dân Việt Nam, những con người chưa bao giờ từ bỏ quyền mưu cầu hạnh phúc, đều trở thành lính của Tướng Giáp.

Những mặt trận mới rộng lớn và vô hình. Nó không còn được gọi bằng những địa danh cụ thể và có thể vạch kế hoạch tác chiến trên một bản đồ.

Đó là giáo dục. “Sự yếu kém, bất cập kéo dài của hệ thống giáo dục và đào tạo đã có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội” - ông viết năm 2007.

Đó là đô thị hóa. “Với người nông dân, đất đai là tài sản duy nhất, cuộc sống của họ đời này sang đời khác bám vào mảnh vườn, thước ruộng. Lấy đi đất đai thì phải tìm ra cách giải quyết ổn thỏa lâu bền cho người nông dân, không được để họ thiệt thòi!” - ông nói về nông thôn.

Vẫn như thế, là một nhà chiến lược có tầm nhìn, và trên tất cả là một thái độ nhìn thẳng vào sự thật, cái sự thật mà không phải ai cũng có thể nhìn vào.

Trong căn nhà giữa trung tâm thành phố ấy, người tướng già vẫn dành sức lực để thấu hiểu câu chuyện của những người nông dân ven đô, những người vẫn hay lếch thếch kéo nhau lên phố vạ vật kiếm ăn khi chẳng còn đất ruộng, và tất nhiên không thể vào thăm ông để kể lể sự tình.

Bởi vì từ tuổi đôi mươi, người thanh niên Võ Nguyên Giáp đã chọn đứng về phía nhân dân, dù lựa chọn ấy nghĩa là chối bỏ con đường học vấn trải thảm và lao vào tù đày gian khó. 19 tuổi, người thanh niên tay không tham gia Xô Viết Nghệ Tĩnh rồi bị bắt, khởi đầu cho cuộc chiến đấu vì nhân dân kéo dài suốt 80 năm sau đó. Và cũng 19 tuổi, có biết bao nhiêu thanh niên của thế kỷ 21 hôm nay vẫn đang ngủ vùi trong chăn hay chơi game trên điện thoại giữa giảng đường.

Ngay cả sự thờ ơ ấy cũng là một điều mà thế hệ này sẽ phải đối mặt. Không phải là những con đường mòn xẻ núi, mà hôm nay, đất nước phải tiến lên trên một đại lộ bêtông của y tế, giáo dục, kinh tế, cái đại lộ mà những chiếc xe Nhật, Hàn hay Mỹ đang chạy băng băng còn chúng ta vẫn chưa đi bằng tốc độ mong muốn. Cái tốc độ mà cũng như năm xưa, vẫn phải trả giá bằng sự tàn phá tài sản, mất mát con người, vẫn khiến con người phải nhận những vết thương khó lành.

Đại tướng đã ra đi. Nhưng ông để lại một nhận thức, một tinh thần. Cho đến giờ phút cuối, ông vẫn chỉ tay về phía trước, về một con đường mà những người yêu nước phải đi, như trong một chiến dịch năm xưa.

Đội tuyển U-19 Việt Nam sau trận thắng Úc 5-1 đã nâng cao hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp




Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận