Văn học dịch 2024 ở Việt Nam: Hồi tưởng tìm ánh sáng

ZÉT NGUYỄN 04/01/2025 06:44 GMT+7

TTCT - Một cuộc chạy marathon qua những cuốn sách dịch của năm 2024. Giữa những bóng tối, cứ thắp một ngọn nến.

Văn học dịch 2024 ở Việt Nam: Hồi tưởng tìm ánh sáng - Ảnh 1.

1. Hai đứa trẻ ngồi xích đu tự chế giữa đống đổ nát của ngôi nhà bị phá hủy trong cuộc chiến giữa Israel và Hezbollah tại làng Mansourieh ở miền nam Lebanon. Những con mèo ăn thi thể của người Palestine bị giết trong các cuộc tấn công của Israel, gần trại tị nạn Nuseirat, một người dân huơ huơ đôi chân - phần thân thể duy nhất còn sót lại của một em bé - được treo lủng lẳng trên một cây gậy đi lại trên đường phố ở Gaza. 

Những hình ảnh khủng khiếp tràn ngập mọi ngóc ngách trên X suốt năm 2024 như thể địa ngục được livestream từng giờ từng phút, biến nỗi kinh hoàng của diệt chủng thành viễn cảnh cho người xem, biến mọi lời im lặng không kêu gọi ngừng bắn thành một sự đồng lõa của người bàng quan, và khiến tuyên bố "Viết thơ sau Auschwitz là hành động man rợ" của Theodor W. Adorno vang vọng khôn nguôi.

2024 là một năm vô cùng khó khăn cho việc đọc, khi những nỗi kiệt quệ mênh mang "dìm hồn tôi vào bóng tối." Đi cùng với Adorno là câu thơ của Bertold Brecht tóm gọn tinh thần của năm vừa qua trong bài Gửi những người mai sau, do Trần Dần dịch: "Quả tôi sống những ngày đen tối lắm," hay những câu đề từ trong vở kịch Địa đồ của Thomas Köck, kịch tác giả trẻ tuổi đang được coi là ngôi sao chói lòa trên bầu trời văn chương đương đại Đức:

"trong đêm khuya này

tôi ôm vào lòng một tập địa đồ

lần ngón tay của mình lên toàn thế giới

và thì thầm

đâu có nỗi thương đau?

nó trả lời

khắp mọi nơi

khắp mọi nơi

khắp mọi nơi"

Viết văn ích gì? Đọc văn, lại còn bình văn, hơn bao giờ hết, có phải quá phù phiếm? Nhưng, xin mượn nhan đề một cuốn sách của Kundera, nỗi khổ ở nơi khác, chứ không ở nơi đây, bởi các thế giới vẫn tiếp tục một cách nghiệt ngã, vì không còn cách nào khác: Mỗi cảnh đời một nỗi lo riêng.

Và người ta vẫn ùn ùn in sách, như thể không có ngày mai. Việc tổng kết sách dịch ở Việt Nam mỗi năm càng trở thành một gánh nặng: vui vì sự đa dạng của các đầu sách đông tây kim cổ và sự cập nhật rất kịp thời các đầu sách "hot" từ thị trường thế giới, nhọc vì sự thừa mứa nội dung, ngán khi sách trở thành một thứ không khác gì thời trang nhanh, và chán khi chứng kiến văn học nội địa bị đẩy vào thế bấp bênh hơn bao giờ hết bởi tình trạng nhập siêu.

Tròn 20 năm Việt Nam gia nhập công ước Berne, cũng là tròn 20 năm văn học Việt Nam rơi vào vị thế cớm nắng hơn rất nhiều so với quãng 40 năm trước. Nếu hỏi một độc giả bất kỳ vẫn chịu khó đọc sách văn chương những ngày này kể tên một cuốn sách yêu thích hay vừa đọc thì để tên một tác phẩm văn chương đương đại Việt Nam được kể ra chắc khó ngang Việt Nam được Nobel. Tại sao người ta lại chọn đọc văn Việt khi riêng chỉ năm vừa qua người ta có thể thưởng không sót gì mỹ vị nhân gian?

2024 chứng kiến sự ra đời thần tốc của bản dịch 3 tác phẩm của Jon Fosse, chỉ vài tháng sau khi ông được trao Nobel vào cuối năm 2023, đó là Ánh sáng trắng, Aliss bên đám lửa và Ba màn kịch.

Văn học dịch 2024 ở Việt Nam: Hồi tưởng tìm ánh sáng - Ảnh 2.

Ảnh: Thiện Tri Thức

Xa xăm như Nobel 1938 thế mà bộ ba tiểu thuyết Đất lành của Pearl S Buck cũng được dịch, hay gần gần như Nobel 2003 J.M. Coetzee với Tuổi thơ của Jesus. Đến cả Hemingway tưởng đã khai thác cạn kiệt rồi người ta cũng tìm được cách để xuất bản Xuân tình. Sách được Pulitzer, Booker, Goncourt, bình thường như gà luộc, nem rán, đố năm nào cỗ sách dám thiếu.

Giữa năm 2024, The New York Times công bố 100 tiểu thuyết xuất sắc nhất được xuất bản bằng tiếng Anh kể từ ngày 1-1- 2000. Nhìn vào danh sách ấy mới thấy văn học dịch trong nước thật sự đáng hãnh diện với anh em quốc tế, vì có đến gần 1/3 đã có bản dịch tiếng Việt, và trong danh sách 100 cuốn do độc giả bình chọn thì điểm mặt kể tên số có trong tiếng Việt lên đến quá bán.

Các công ty xuất bản trong nước giờ đây trong một cuộc đua để mang về càng nhanh càng tốt những tên tuổi đương đại, kể cả về mặt tài năng lẫn bán chạy, có thể kể đến Chàng chó của Yoko Tawada, Đội lốt da vàng của R. F. Kuang, Piranesi - Bí ẩn ngôi nhà vô tận của Susanna Clarke, Những hành tinh của Robin của Richard Powers, hay Ông trăm tuổi tái xuất và giải cứu thế giới của Jonas Jonasson, và siêu đình đám Cánh tư của Rebecca Yarros.


2. Song có lẽ điểm nổi bật nhất của văn học dịch năm nay là sự xuất hiện của một loạt bản dịch các tác phẩm được coi là kinh điển: Hai vở kịch Cơn bão và Câu chuyện mùa đông của William Shakespeare, Bảy chuyện kể Gothic của Isak Dinesen, Ba truyện đời của Gertrude Stein, Hoang mạc Tartar của Dino Buzzati (dịch lại), Chuyện ngày hạ của Edith Wharton, hay tập Ngắn của Herman Melville.

Dễ dàng thiết kế một khóa nhập môn văn chương Anh ngữ kinh điển với những tác phẩm của Joseph Conrad (Bão lớn), Katherine Mansfield (Ngợp), Thomas De Quincey (Gentleman cắn thuốc phiện). Việc bỏ dở một cuốn sách chưa bao giờ dễ dàng hơn và ít thấy tội lỗi hơn, bởi sao cần phải đi tiếp khi thời gian thì quá hạn hẹp, mà thị trường thì cứ đầy ứ lên thế kia?

Slavoj Žižek, trong tác phẩm Violence, cho rằng câu nói của Adorno cần một ít hiệu chỉnh, "Khi Adorno tuyên bố thơ ca là điều không thể (hoặc, đúng hơn, là man rợ) sau Auschwitz, thì sự không thể này là một sự không thể mang tính cho phép: thơ ca, theo định nghĩa, luôn 'nói về' điều gì đó không thể được nói đến một cách trực tiếp, mà chỉ có thể được ám chỉ". 

Một khả thể văn chương đích thực, nhờ thế, được nhìn nhận: "không phải là sự mô tả đặt nội dung vào trong không gian và thời gian lịch sử, mà là sự mô tả tạo ra, như phông nền của hiện tượng mà nó miêu tả, một không gian không tồn tại (ảo) riêng, mà nhờ vậy, những gì xuất hiện trong đó không phải là sự hiện hữu được duy trì bởi chiều sâu thực tại đằng sau nó, mà là một hiện hữu bị tách khỏi bối cảnh, một hiện hữu hoàn toàn trùng khớp với thực tại".

Vậy thì một năm đọc sách như năm qua là một năm cần đến hơn bao giờ hết, một hành động triết học, một sự về hồi tưởng (Erinnern) như quan niệm của Martin Heidegger "Hồi tưởng đích thực chính là một sự dự phóng", bởi sự hồi tưởng trong cách dùng của Heidegger không chỉ là sự hồi tưởng đơn thuần, mà là một hình thức tưởng niệm ở tầng sâu hơn, tích cực thu gom và khiến những gì đã từng tồn tại trở nên hiện diện.

 Những tác phẩm vừa có khả năng tạo ra một không gian tồn tại ảo nhưng sự hiện hữu trong đó lại hoàn toàn trùng khớp với thực tại, những tác phẩm đưa quá khứ hiển hiện trong hiện tại, tạo nên ở ta một hành động triết học hồi tưởng "quay về cái bản chất nội tại chưa được khai mở của những gì đã qua", tìm đến cốt lõi bản chất tồn tại, hữu thể.

Văn học dịch 2024 ở Việt Nam: Hồi tưởng tìm ánh sáng - Ảnh 3.

Ảnh: NXB Phụ Nữ

Tháng 6-1859, trung úy Joseph Trotta với tay kéo làm vị hoàng đế non trẻ Franz Joseph ngã sóng xoài nhờ thế vô tình cứu mạng ngài và trở thành vị anh hùng Solferino. Hành khúc Radetzky của Joseph Roth, được xuất bản năm 1932, được giáo hoàng văn học Marcel Reich-Ranicki coi là một trong 20 tiểu thuyết Đức ngữ quan trọng nhất. 

Trải dài từ giữa thế kỷ 19 đến ngay trước khi nổ ra Thế chiến thứ 1, cuốn tiểu thuyết lịch sử vĩ đại này đem đến cho người đọc góc nhìn toàn cảnh về sự suy tàn và sụp đổ của đế quốc Áo - Hung, qua lăng kính của ba thế hệ trong gia đình Trotta. Joseph Roth là một bậc thầy với khả năng miêu tả sâu sắc thân phận con người trong một thời đại đầy biến động. 

Không chỉ nói về sự mâu thuẫn giữa sự thật và huyền thoại, những xung đột giữa cá nhân và thể chế, hay những nghịch lý trong đạo đức, Hành khúc Radetzky còn là về sự tan rã của xã hội và trật tự cũ với những giá trị truyền thống, những thứ ta tưởng là trường cửu.

Không hẹn mà gặp, cùng về chủ đề sự tan rã, Người lính tốt, được xuất bản năm 1915, tác phẩm nằm trong danh sách 100 tiểu thuyết Anh ngữ hay nhất của thế kỷ 20 của Ford Madox Ford, góp vào văn học dịch năm nay một câu chuyện về những thảm kịch cá nhân, sự xói mòn và suy đồi đạo đức dưới cái vỏ bọc văn minh, và sự vỡ mộng về mặt xã hội. 

Ford đã tạo nên một người kể chuyện bất khả tín lưu danh sử sách khi câu chuyện về cặp vợ chồng đại úy Edward Ashburnham, và tình bạn của họ với vợ chồng người kể chuyện John Dowell trong khoảng 15 năm đầu thế kỷ 20, được kể bằng một văn bản vòng vèo và phức tạp hạng nhất. 

Liên tục nhảy cóc qua các mốc thời gian, câu chuyện cắt nát ra đầy mơ hồ và mâu thuẫn bởi sự bất ổn của ký ức, như thể chính người kể đang muốn hiểu rõ câu chuyện của đời mình và đời người khác. Các nhân vật với phương châm "lòng ta thành con rối, cho cuộc đời giật dây", điên cuồng chạy theo những dục vọng mãnh liệt nhưng cũng tìm mọi cách che giấu. 

Họ duy trì một sự nền nã quý tộc giả tạo, hệt như cách người kể chuyện John Dowell duy trì cảm giác trung thực hết mức có thể trong câu chuyện buồn nhất thế gian mà ông kể. Nhưng như cái bệnh tim giả vờ của vợ ông, những dối trá lần lượt bị phơi bày, với những hậu quả thảm khốc khôn dò.


3. Ra khỏi châu Âu sang tận bến bờ Buenos Aires ở Argentina, Bảy kẻ khùng điên của Roberto Arlt, xuất bản năm 1929, khắc họa một xã hội hỗn loạn và phân mảnh trên bờ vực cách mạng, nơi đầy rẫy những kẻ bị ruồng bỏ và những kẻ mơ mộng bị đẩy đến điên loạn muốn thay đổi trật tự thế giới bởi tuyệt vọng. Arlt là một tên tuổi không được nhắc đến nhiều trong những bậc thầy văn chương Mỹ Latin vì mất sớm, nhưng tài năng của ông được các hậu bối ca ngợi.

Julio Cortázar so sánh việc đọc lại Arlt với những cuộc khai quật đầy hy vọng mà chúng ta thực hiện trên một số cuốn sách, mà hiếm hoi có lại được cảm giác trọn vẹn, không hề mất mát gì, của một cuộc gặp lại.

Liệu những độc giả trẻ Việt Nam bây giờ, sau gần nửa thế kỷ nữa, khi không còn được chống đỡ bởi sự ngây thơ, đọc lại Arlt, có như gặp lại chính mình của cái thuở ban đầu kinh ngạc vì những thể nghiệm hình thức mới mẻ, bởi những hành động điên rồ mà các nhân vật của ông gây ra? 

Bảy kẻ khùng điên được coi là Ulysses của văn học Mỹ Latin bởi kỹ thuật kể phi tuyến tính làm nhòe quá khứ, hiện tại, tương lai, như muốn soi rọi tinh thần vỡ vụn, của nhân vật chính Erdosain, một kẻ khát khao tìm ý nghĩa của đời sống, và của cả những kẻ được coi là khùng điên, bị những tham vọng, ám ảnh, niềm tin mù quáng chi phối.

Văn học dịch 2024 ở Việt Nam: Hồi tưởng tìm ánh sáng - Ảnh 4.

Ảnh: Sách Tao Đàn

Ở Mỹ, vẫn những năm giữa thế kỷ 20, nhà văn Mỹ gốc Phi Colson Whitehead, với tiểu thuyết Cuộc đào thoát được trao giải Pulitzer, lại đi vào thân phận của Elwood Curtis, một cậu bé da đen sống dở chết dở ở một ngôi trường cải tạo trẻ vị thành niên. 

Trường nam sinh Nickel trong tác phẩm của Whitehead được lấy cảm hứng từ nguyên mẫu là trường nam sinh Arthur G. Dozier, một cơ sở cải tạo thanh thiếu niên hư hỏng hoạt động từ năm 1900. Mãi đến năm 2011, trường mới bị đóng cửa sau khi hàng loạt vụ việc liên quan đến tra tấn, bạo hành, giết hại và phi tang xác các nam sinh bị phanh phui. 

Bằng cách bóc trần cái lớp bỏ vọc là ý tưởng cao quý nhằm cải tạo thanh thiếu niên phạm lỗi, giúp họ học hành và trở lại xã hội thành công dân lương thiện, để khai quật lớp hiện thực tàn khốc với cơ sở vật chất kém, học sinh chủ yếu lao động tay chân, bị bóc lột và đối mặt với những hình phạt dã man, nơi tình trạng phân biệt chủng tộc lên đến đỉnh cao, Whitehead muốn vén màn những góc khuất của nước Mỹ, khắc họa một xã hội đầy bất công và tàn bạo.

Hannah Arendt trong Men in Dark Times viết về nỗi mong mỏi một vài ánh sáng trong những thời tối tăm nhất, dẫu "ánh sáng ấy có thể đến không phải từ lý thuyết và khái niệm mà từ ánh sáng không chắc chắn, chập chờn, và thường yếu ớt mà một số người, trong cuộc đời và công việc của họ, sẽ thắp lên dưới hầu như mọi hoàn cảnh và soi sáng khoảng thời gian mà họ được ban cho trên trái đất".

Và ta của ngày nay, hậu thế mà Arendt đã an tâm giao lại, với niềm tin rằng trong bóng tối, dẫu với đôi mắt quá quen với nó, ta vẫn có thể phân biệt được ánh sáng của những con người, những tác phẩm chói lọi như mặt trời, với ánh sáng của một cây nến. 

Một năm bạo lực đầy rẫy từ các cuộc chiến tranh, chính là một năm đòi hỏi ta, thông qua đọc những tác phẩm viết trong những thời tăm tối nhất, phải tích cực kết nối một cách trực giác với những gì đã qua để chiêm nghiệm về bản chất sự tồn tại của con người. 

Ở lục địa già, Jon Fosse có cách tiếp cận bạo lực bị ẩn đi nhưng vẫn hiển hiện bàng bạc trên một nền câu chuyện đầy trữ tình bằng một thứ văn chậm rãi và nên thơ trong tiểu thuyết Ba màn kịch.

Tập hợp ba truyện dài Thao thức, Những giấc mơ của Olav, Mỏi mệt, Ba màn kịch, hoàn thành năm 2014, là câu chuyện về một cặp đôi còn tuổi vị thành niên Asle và Alida, lang thang tìm nơi trú ẩn ở Bergen khi Alida sắp sinh nở.

Fosse có một phong cách viết của một bậc thầy kể chuyện với việc cố tình ẩn đi những chi tiết quan trọng rồi phiếm chỉ về chúng sau đó, tạo nên một độ căng và bí hiểm trong câu chuyện.

Sau nhiều năm viết kịch, cảm thấy kiệt sức và muốn rút lui khỏi ánh đèn sân khấu, Fosse muốn quay về với văn xuôi. Ba màn kịch chính là cầu nối, nơi ông tìm thấy bình yên và tự do, nơi người đọc vẫn tìm thấy những âm hưởng kịch, với những đoạn đối thoại ngắn và nhanh, cũng là nơi ông triển khai tài năng trong việc kể chuyện nhấn nhá.

Những chủ đề về tội lỗi và tội ác ám ảnh và thay đổi số phận đi kèm với sự cứu rỗi vẫn là chủ đề trung tâm trong tác phẩm của ông.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận