Văn minh theo kiểu của người Ba Na

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN 13/10/2011 18:10 GMT+7

TTCT - Cuốn sách Người Ba-Na ở Kontum (*) xuất bản lần đầu tại Huế có tựa là Mọi Kon Tum (Mộng Thương Thư Trai, 1937). Có thể xem đây là cuốn bút ký dân tộc học đầu tiên do tác giả là người Việt viết về dân tộc thiểu số Tây nguyên.

Phóng to

Ngay trong cuốn sách này, dễ nhận thấy một quan điểm rất tiến bộ trong cách nhìn về “người khác” - phủ định quan điểm kỳ thị khá phổ biến thời bấy giờ coi người Ba Na nói riêng, các dân tộc thiểu số nói chung là mọi rợ. Hai tác giả cuốn sách có một thái độ đầy tôn trọng với đối tượng nghiên cứu: “Tục lệ của họ chẳng những không mọi rợ chút nào mà trái lại có nhiều điều thuần túy hơn ta kia!”.

Sự “thuần túy” đó được thể hiện qua quan niệm sống chết, thế giới tâm linh vừa mang nét nguyên thủy vừa khởi phát từ những triết lý sâu xa. Ví dụ: Người Ba Na coi sống là sự kết hợp của xác (akao) và hồn (pơhngol), họ tin vào số mệnh như người Việt - sinh ký tử quy - chết là “đội lốt đi sinh hoạt ở một thế giới khác” (trang 168).

Hệ thống thần (yang) của người Ba Na cũng phong phú, là hiện thân của những biểu tượng tự nhiên (mặt trời, mặt trăng, sao, sấm sét, voi, cây, núi, lúa, nước, cọp, ghè...), cho thấy một đời sống văn hóa con người gắn với thiên nhiên - sống trong thiên nhiên một cách hòa bình...

Sự “thuần túy” còn thể hiện trong quy ước về hương thôn giao tế, cư xử trong gia tộc, sinh tử giá thú... làm thành khế ước cộng đồng. “Người Ba-Na coi xã hội mình như thân thể người ta. Mỗi một cá nhơn là phần tử của đoàn thể cũng như ngũ quan tứ chi... là phần tử của thân người. Nếu một phần tử phạm điều không tốt thời không khác gì cả đoàn thể phạm vào điều ấy và các phần tử khác phải chịu lấy ảnh hưởng xấu” (trang 192). Từ đó thiết lập một sức mạnh to lớn: “Dầu to hay nhỏ, mỗi làng Ba-Na là một tiểu quốc gia hoàn toàn độc lập không phục tùng dưới quyền thống trị nào”.

Điều “thuần túy” kia còn thể hiện ở những thứ mà ngày nay ta gọi là dân chủ, trưng cầu ý dân: “Những lúc trong làng có việc quan trọng như đánh giặc, dời làng,... ban hương hội không có quyền độc đoán, phải nhóm dân làng lại đông đủ để cùng nhau bàn bạc lẽ hơn thiệt. Trong những lúc hội họp ấy không bao giờ phân biệt giai cấp, bất luận người già nua hay trai trẻ, người giàu có hay nghèo nàn, ai nấy đều có quyền ăn nói một cách rất tự do.

Ý kiến nào được đa số tán thành thời cả làng phải tuân theo chứ không phân biệt của hạng người nào phát kiến ra. Cái lốt chánh trị của dân Mọi này quả thật bình đẳng cộng hòa, không có một mảy may nào là áp bức chuyên chế” (trang 193). Và vấn đề “bình đẳng giới” thì người Ba Na đã xây dựng từ lâu thông qua việc vợ có thể kiện ông chồng nếu chồng sai trái. Nếu ông chồng Ba Na nào nhát gan hay lười biếng thì sẽ bị vợ “nói bóng gió” thế này: “Mầy lấy cái váy, cho tao cái khố”...

Người Ba Na cũng có câu tục ngữ: Lúa mọc hoang xô lúa gốc, có ý than trách khách lấn chủ. Sâu xa, đó cũng là ý thức nhắc nhở về sự tự vệ văn hóa, bản sắc. Vì có lẽ trước nhiều nguy cơ xâm thực văn hóa, họ ý thức rằng phải giữ cho được “lúa gốc”, không thể để mất cái nguyên khí, linh hồn một cộng đồng.

Cuốn sách này cung cấp nhiều tư liệu, hình ảnh quý về đời sống sinh hoạt, phong tục của người Ba Na đầu thế kỷ 20 và bản dịch tiếng Pháp của công trình này (Nguyễn Văn Ký chuyển ngữ), cùng phần văn học dân gian (tục ngữ, câu đố, chuyện cổ tích) của người Ba Na.

Với bạn đọc hôm nay, ngoài phần tư liệu dân tộc học quý giá thì trừ phần tựa sách được chỉnh sửa để tránh sự hiểu lầm, cuốn sách còn lưu giữ lại ngôn ngữ văn phong của lần in đầu tiên, giúp bạn đọc hình dung khá đầy đủ về văn phong nghiên cứu tiếng Việt thời kỳ đầu.

Sau phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930), bác sĩ Nguyễn Kinh Chi là một trí thức “duy hoạt động” đã bị an ninh Pháp theo dõi, nghi ngờ. Ông bị buộc phải chuyển công tác khá nhiều nơi. Năm 1933, ông lên Kon Tum trong vai trò một bác sĩ. Em trai ông, Nguyễn Đổng Chi, bấy giờ đang là chàng trai 18 tuổi giàu nhiệt huyết dấn thân, đã nhận lời đi theo để cùng thực hiện dự án viết một cuốn sách giới thiệu về phong tục tập quán của người Ba Na bản xứ.

Bằng phương pháp nghiên cứu vừa có chút tài tử nhiệt huyết của những người trẻ mới bước chân vào làm khoa học cộng với sự ý thức nhập cuộc đặt trong một bối cảnh của phong trào “cộng đồng làm dân tộc học” do những nhà truyền giáo (như cha Combes, Kemlin, Guerlach) và Paul Guilleminet - viên công sứ mới của tỉnh Kon Tum - bắt đầu gầy dựng ở đây, anh em Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi đã được tiếp thêm nguồn cảm hứng và nền tảng tư liệu để từ đó xác lập được một ngôn ngữ riêng cho cuốn sách.

__________

(*) Người Ba-Na ở Kon Tum, tác giả: Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi, Andrew Hardy biên tập, Viện Viễn đông bác cổ Pháp tại Hà Nội & NXB Tri Thức, 2011

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận