Xuất khẩu: Phải chăng chỉ là một cơn cảm lạnh?

NAM MINH 31/07/2023 16:37 GMT+7

TTCT - Môi trường tiền tệ thắt chặt ở Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, và tăng trưởng yếu ớt của Trung Quốc đã hạn chế nhu cầu từ các thị trường lớn trên toàn cầu đối với các sản phẩm Việt Nam, tác động đến triển vọng tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH bao bì Phúc Thịnh trong Khu công nghiệp An Hạ, xã Phạm Văn Hải, huyện Bình Chánh, TP.HCM.  Ảnh: QUANG ĐỊNH

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH bao bì Phúc Thịnh trong Khu công nghiệp An Hạ, xã Phạm Văn Hải, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Một trong các trụ cột chính của nền kinh tế là xuất khẩu đang bị tổn thương nghiêm trọng. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 6, giá trị xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm sâu (-12% và -18,2%), đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước chỉ đạt 316,65 tỉ USD, thấp hơn 47 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này thậm chí còn tệ hơn cả giai đoạn gián đoạn vì Covid năm 2021.

Các mũi nhọn đều khó khăn

Hầu hết các mũi nhọn xuất khẩu chủ chốt đều gặp nhiều khó khăn. Ở ngành điện tử, nhu cầu chip, điện thoại trên toàn cầu giảm mạnh đã ảnh hưởng lớn đến các tập đoàn công nghệ mở nhà máy ở Việt Nam như Samsung và Foxconn. 

Hệ quả là giá trị xuất khẩu điện thoại và linh kiện 6 tháng chỉ đạt 24,3 tỉ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, sự cố cắt điện đột ngột trên diện rộng ở các khu công nghiệp phía Bắc phần nào ảnh hưởng đáng kể đến công suất của các nhà máy lắp ráp điện tử.

Một mũi nhọn xuất khẩu chủ lực khác là dệt may cũng chịu số phận bi đát. Là doanh nghiệp gia công có quy mô lớn với 158 dây chuyền may và thị trường xuất khẩu chính ở Mỹ và châu Âu, Công ty xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) chứng khiến mức lỗ ròng quý 1 lên tới 38 tỉ đồng - khoản lỗ lần đầu tiên tính từ năm 2017. 

Do ảnh hưởng của kinh tế thế giới, hoạt động gia công dệt may của Gilimex chịu ảnh hưởng lớn khi đơn hàng của các đối tác quan trọng như Amazon giảm mạnh.

Dù toàn ngành xuất khẩu dệt may có dấu hiệu phục hồi từ tháng 5, nhưng nhìn chung là chưa đủ mạnh để đảm bảo kết quả tốt đẹp cho cả năm. "Chúng tôi chưa thấy sự trở lại rõ rệt của ngành may mặc khi doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn giữ tâm lý phòng thủ và cắt giảm chi tiêu cho hàng lâu bền", Chứng khoán KIS nhận định.

Ngành cá tra chịu tác động rất lớn khi thị trường Mỹ và châu Âu thu hẹp nhu cầu, trong khi giá thức ăn vẫn đứng ở mức khá cao. Điển hình như nữ hoàng cá tra Vĩnh Hoàn tháng thứ 6 liên tiếp ghi nhận doanh thu sụt giảm trong khi hàng tồn kho tiếp tục đứng ở mức cao vì khó tiêu thụ.

Nhiều mũi nhọn khác như gỗ, đồ nội thất hay xi măng cũng chứng kiến giá trị xuất khẩu giảm mạnh. Trong chiều hướng ngược lại, ngành rau củ quả nằm trong số ít lĩnh vực có đơn hàng cải thiện nhờ nhu cầu gia tăng trở lại ở Trung Quốc. 

Việt Nam là quốc gia phụ thuộc vào các ngành chế biến, lắp ráp thâm dụng lao động, và xuất khẩu, nhu cầu bên ngoài yếu ớt tất nhiên ảnh hưởng đến hàng triệu người lao động.

Lạm phát tại Mỹ và EU đang có dấu hiệu đạt đỉnh, giúp giãn bớt áp lực lãi suất cho các ngân hàng trung ương. Tuy nhiên các thị trường này cần ít nhất 12-18 tháng để phục hồi hoàn toàn. Điều đó có nghĩa xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ chịu ảnh hưởng kéo dài đến tận 2024.

Môi trường bên ngoài bất ổn là lý do chính khiến Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 6,5% xuống 5,8% trong năm 2023. Còn Ngân hàng DBS hạ dự báo xuống chỉ còn 4,6%.

Cần hiệp lực vượt qua thách thức

Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI tháng 6 tuy có cải thiện nhưng vẫn dưới mức 50, cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh vẫn yếu ớt. Điều mà các doanh nghiệp nên làm vào lúc này là tìm mọi cách để giữ vững thị trường thay vì mở rộng đầu tư, tập trung cải thiện chất lượng sản phẩm, củng cố chuỗi ung ứng để cải thiện năng lực cạnh tranh, đồng thời tiết giảm chi phí hoạt động đến mức tối đa.

Như tại Tập đoàn thủy sản Minh Phú, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết sẽ phát triển chuỗi giá trị tôm hướng đến kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Tập đoàn đang thực hiện số hóa chuỗi giá trị tôm, nâng cao hiệu quả trong chuỗi giá trị và cho phép truy xuất nguồn gốc từ trại giống, trang trại nuôi, nhà máy chế biến và hệ thống phân phối tới người tiêu dùng.

Nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, Minh Phú đặt chiến lược trọng tâm phấn đấu đến năm 2030 giá thành tôm nguyên liệu bằng với Ấn Độ và phấn đấu đến năm 2035, giá thành tôm nguyên liệu sẽ bằng đối thủ Ecuador.

Hiện Chính phủ, các bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp đang cùng nỗ lực tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá và đầu tư. Một số sự kiện hâm nóng gần đây như Tổng thống Hàn Quốc cùng phái đoàn doanh nghiệp hùng hậu đến thăm Việt Nam là một phần của nỗ lực này. Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục chiến lược cải thiện thủ tục hành chính, giảm thuế phí, kiểm soát giá điện, xăng dầu, nhất là hạ nhiệt lãi suất để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.

Một số cơ hội xuất khẩu có thể sáng hơn trong nửa cuối năm. Mới đây, Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu mặt hàng gạo trong nỗ lực hạ nhiệt giá lương thực trong nước. Là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, động thái này của Ấn Độ sẽ tác động lớn đến cục diện xuất khẩu gạo thế giới trong năm nay, trong đó các doanh nghiệp gạo của Việt Nam có thể sẽ hưởng lợi.

Một tín hiệu tương đối tích cực là dòng vốn FDI tuy có chậm lại nhưng khá ổn định. Tổng vốn đăng ký FDI 6 tháng đã tăng trưởng hơn 31% so với cùng kỳ năm trước. 

Theo Ngân hàng DBS, câu chuyện về thu hút FDI và vị thế là một trung tâm sản xuất đang phát triển của Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn, bất chấp những cơn gió ngược tăng trưởng theo chu kỳ trong ngắn hạn. 

DBS nhận định Việt Nam sẽ là người hưởng lợi chính từ xu thế tái dịch chuyển rộng lớn trong chuỗi sản xuất toàn cầu, bên cạnh lực lượng lao động tương đối lành nghề, chi phí phải chăng, môi trường chính trị ổn định, vị trí tiếp giáp với Trung Quốc và cơ hội đến từ nhiều hiệp định thương mại tự do.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận