Chuyện dịch thuật: Sai ở khắp nơi

DỊCH GIẢ NGUYỄN VIỆT LONG 07/04/2012 01:04 GMT+7

TTCT - Sai sót trong dịch thuật ồn ào rồi cũng nguội quanh một số cuốn tiểu thuyết. Sai sót chữ nghĩa trên báo chí thấy hằng ngày, nói mãi cũng chỉ như đá ném ao bèo.

Sai sót dịch thuật ngữ khoa học phổ thông trong sách báo chịu chung sự thờ ơ và lơ đãng ấy. Tất cả có thể làm hỏng một thế hệ đọc sách và nguy hiểm hơn, gây hại cho tính chính xác của khoa học.


Việt Nam đang thiếu nghiêm trọng các bộ từ điển bách khoa, sách tra cứu tham khảo chuẩn mực, hữu ích cho đại chúng và trẻ em trên bước khởi đầu tìm hiểu khoa học - Ảnh: Thuận Thắng


Các bạn từng nghe đến loài cá voi sát thủ chưa? Cứ nghe cái tên này thì chắc rất nhiều người là nạn nhân của nó. Nhưng tìm mãi trên báo mạng và sách vở, gần như không thấy nói gã “sát thủ” (*) ấy ăn thịt người, mà chỉ chuyên ăn thịt các loài cá khác, kiểu như “cá voi sát thủ xé xác cá mập” hay “cá voi sát thủ săn sư tử biển”...

Quả là thiên vị và bất công: đây là loài duy nhất được phong danh xưng “sát thủ”, mặc dù nó không ăn thịt người (trừ vài trường hợp cá biệt), trong khi bao nhiêu loài cá dữ ăn thịt người lại không đạt được “tước hiệu” đình đám ấy. Thật chẳng khác nào phong danh hiệu đại kiện tướng cờ vua cho một người thỉnh thoảng mới chơi vài nước cờ đơn giản.

Tùm lum thuật ngữ


Những sai sót, thiếu thống nhất như vậy trong sách báo phổ thông nói chung, trong văn bản quản lý và sách khoa học cho trẻ em nói riêng lâu nay dường như chưa được mấy ai để ý. Hoặc có thể không có người biết để chỉ ra cái sai và hầu như không có ai làm công việc tỉ mỉ, mất công là định danh tiếng Việt cho các loài, chi, họ, bộ... sinh vật trên thế giới sao cho thành hệ thống nhất quán, giảm hết mức sự trùng lặp và thiếu chính xác, làm chỗ dựa cho người dịch.


Mấy năm gần đây, do động đất nhiều hơn, chúng ta cũng nghe/đọc thấy nhiều hơn những thuật ngữ như tâm chấn xuất hiện trên báo chí. Nhưng cứ theo tường thuật của báo chí, thì có nơi “quân đội và cảnh sát đã tới được vùng tâm chấn của cơn động đất”, chỗ khác lại nói “tâm chấn ở độ sâu 10km”, chả lẽ con người đã xuống sâu trong lòng đất tới 10km.

Liệu có ai băn khoăn tự hỏi “tâm chấn” chỉ tâm động đất ở tít sâu trong lòng Trái đất hay là điểm chiếu của nó trên mặt đất, bởi vì khoảng cách x trong câu “tâm chấn cách thành phố A x km” sẽ rất khác nhau tùy theo quan niệm nó ở trên mặt đất hay dưới sâu. Tìm hiểu kỹ hơn, ta có thể ngạc nhiên khi nhận thấy có tới hai “tâm chấn” mà các ngôn ngữ nước ngoài phân biệt rất rành mạch, trong khi báo chí tiếng Việt gộp làm một!

Phải chăng tiếng Việt lạc hậu hơn các thứ tiếng khác? Không, chẳng qua hiểu biết khoa học và tiếng Việt của các nhà báo Việt Nam lạc hậu hơn các đồng nghiệp nước ngoài và họ lười tra cứu.

Đó là chưa kể về mặt ngôn ngữ, theo trật tự âm tiết thì cách dùng từ Hán Việt “tâm chấn” chưa ổn, phải dùng là “chấn tâm” mới đúng. Chỉ các từ điển chuyên ngành và Từ điển bách khoa Việt Nam dùng đúng tên gọi cả về mặt khoa học lẫn ngôn ngữ: chấn tiêu (tâm trong, tức nơi phát sinh động đất, thường ở dưới sâu) và chấn tâm (tâm ngoài, tức hình chiếu của chấn tiêu lên mặt đất).

Trường hợp nhẹ hơn cả là dùng thuật ngữ không thống nhất trong sách báo hoặc giữa các ngành. Ví dụ: cùng một thuật ngữ chỉ một loại bức xạ nền lan tràn khắp vũ trụ ngày nay, tùy theo việc dịch từ tiếng nước ngoài nào mà nó có mấy tên gọi khác nhau: bức xạ tàn dư theo tiếng Nga; bức xạ hóa thạch theo tiếng Pháp; bức xạ phông/nền vũ trụ, bức xạ nền vi ba theo tiếng Anh.

Chuyện này tưởng như chỉ gây phiền toái nhưng thử tưởng tượng trong tương lai, khi Việt Nam xây dựng và vận hành hai nhà máy điện hạt nhân, một theo thiết kế của Nhật Bản, một theo thiết kế của Nga chẳng hạn, thì việc không thống nhất thuật ngữ khi dịch từ tiếng Nhật và từ tiếng Nga có thể gây tai hại thế nào.

Ngay cả nhiều thuật ngữ cơ bản và phổ biến hơn trong đời sống vẫn bị dùng sai hoặc gọi sai tên. Chẳng hạn, nhiều người còn lẫn lộn giữa hành tinh, sao (định tinh) và vệ tinh, giữa nham thạch (rock, đá của vỏ Trái đất) và dung nham (lava, đá nóng chảy của núi lửa).

Những kiểu “sáng tạo” đau đầu

Có lẽ trong sinh vật, tình trạng sai phổ biến hơn cả. Người ta cứ dịch mà không tìm hiểu, tra cứu xem con vật đó có sinh sống ở Việt Nam hay không, nếu có thì tên gọi Việt Nam của nó là gì, và thường chọn cách đỡ tốn công nhất là phiên âm. Vì thế nên cầy lỏn thì gọi là cầy mangut (mongoose); chim cốc biển thì gọi là chim chiến (frigatebird), cá nạng hải thì gọi là cá đuối manta (manta ray).

Một trường hợp khác: Có ai biết giống chim nào mỏ mềm không? Tôi thì chưa gặp bao giờ nên hết sức ngạc nhiên khi gặp thuật ngữ chim mỏ cứng được ai đó sáng tạo ra (xuất hiện trong cả từ điển Lạc Việt Anh - Việt) để chỉ loài chim avocet (thuộc chi/giống Recurvirostra) trong tiếng Anh. Cứ làm như tất cả lũ chim còn lại đều có mỏ mềm hết!

Và với tên gọi đó, làm thế nào để phân biệt loài chim đó trong đám chim đều mỏ cứng cả? Thì ra tên gốc của nó là chim mỏ cong, ngay hình ảnh và tên Latin của nó đều xác nhận như vậy (Recurvirostra nghĩa là mỏ cong vểnh), do gõ chữ tam sao thất bản mà biến thành chim mỏ cứng. Trăm cái sai hóa ra đều tại anh hay ả đánh máy cả, thiên hạ nói cấm có sai.

Có những trường hợp chỉ cần suy luận logic là ta có thể loại bỏ những cái sai tương đối rõ ràng. Chẳng hạn, racoon (tiếng Anh) thường được gọi một cách chắc nịch là gấu trúc [Bắc] Mỹ, và họ Procyonidae chứa loài racoon cũng được gọi tương ứng là họ gấu trúc [Bắc] Mỹ. Thật ra chỉ có loài panda sống ở Trung Quốc ăn lá trúc nên người ta mới gọi là gấu trúc, còn racoon ở châu Mỹ lấy đâu tre trúc mà ăn, vậy hà cớ gì lại gọi là gấu trúc? Tên gọi đúng là gấu mèo châu Mỹ, vì chúng sống không chỉ ở Bắc Mỹ, mà cả ở Trung Mỹ...

Ngay cả những văn bản nhà nước đáng lẽ phải chuẩn mực thì đôi khi cũng không chuẩn, lỗi sai do cẩu thả, do kiến thức khá nhiều. Chẳng hạn, Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp do bộ trưởng Bộ NN&PTNT ký ban hành có rất nhiều sai sót trong việc định danh động vật, thực vật, không kể những lỗi chính tả về cả tiếng Anh, tên khoa học lẫn tiếng Việt.

Chẳng hạn, Caracal (Caracal caracal) được định danh là linh miêu, trong khi tên đúng phải là mãn rừng, mà cách đó khoảng chục dòng phía dưới lại có từ linh miêu (dùng đúng) với tên tiếng Anh là Eurasian lynx. Black finless porpoise nghĩa là cá heo đen không vây thì dịch ngược nghĩa thành cá heo vây đen.

Cuốn Từ điển tranh về các con vật (NXB Giáo Dục, 2002) dành cho thiếu nhi có những sai sót “độc đáo” do tác giả đã tự dịch nhiều tên con vật từ tiếng Việt sang tiếng Anh theo kiểu người Anh “hiểu được chết liền”. 

Ví dụ: bọ vẽ (bọ nước) được dịch thành drawing beetle (tên đúng phải là whirligig beetle), bướm phượng (swallowtail/papilionid butterfly) thành phoenix butterfly, khỉ đầu chó (baboon) thành cynocephalus và dog-headed ape; khỉ mặt đỏ (stump-tailed monkey/macaque, bear macaque) thành red-faced monkey, chim báo mật (honey guide bird, honeyguide) thành honey spy bird...

Từ điển bách khoa thiên văn học (NXB Khoa Học Và Kỹ Thuật xuất bản năm 1999) gọi sai tên nhiều chòm sao: chòm sao Capricornus/Capricorn nghĩa là con dê (tên tiếng Hán: Sơn Dương, Ma Kết) được Việt hóa là chòm Con Hươu, còn chòm sao Con Cừu (Aries, Bạch Dương) thì lại gọi là chòm Con Dê, chòm sao Máy Bơm (Antlia) thì mang tên Máy Hơi Nước... Một số chòm sao khác có tên gọi bất nhất, cái thì tên thuần Việt, cái thì tên tiếng Hán, chỗ thì kèm tiếng Latin, chỗ lại kèm tiếng Pháp rất lộn xộn.

Trong toán học thì thuật ngữ dùng để gọi tên các số lớn mới chỉ dừng lại ở cấp độ tỉ (số to hơn nữa thì ta phải ghép từ: trăm tỉ, nghìn tỉ, tỉ tỉ,... nhiều khi rất dài) trong khi các ngôn ngữ châu Âu đã có billion hay milliard (tỉ), trillion (1.000 tỉ hay 1012 ở Mỹ và nhiều nước châu Âu), quadrillion (4.000 tỉ hay 1015), quattuordecillion (1045),...

Việt Nam đang thiếu nghiêm trọng các bộ sách từ điển bách khoa hoặc sách dạng công cụ tra cứu, tham khảo đầy đủ, chuẩn mực, trang bị những kiến thức cơ bản (chưa nói đến các kiến thức cao siêu), cập nhật cho đại chúng và cho trẻ em trên bước khởi đầu tìm hiểu khoa học.

Một đất nước còn chưa quan tâm đến tình trạng thuật ngữ lộn xộn, kiến thức cơ bản trên sách báo còn quá nhiều sai sót, thiếu công cụ tra cứu tri thức bách khoa và thiếu người chăm lo cải thiện tình hình thì việc phát triển khoa học tiên tiến, đưa giáo dục lên ngang hàng quốc tế chỉ là chuyện xa vời.

__________

(*) Sát thủ: tên gọi chung cho những người làm nghề giết người (theo Trung Hoa đại từ điển).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận