"Hãy cứ nở hoa đi, dù là to hay nhỏ"

ĐOÀN BẢO CHÂU 11/03/2013 06:03 GMT+7

TTCT - Ngày 11-3-2013 đánh dấu hai năm sự kiện động đất và sóng thần ở Nhật Bản. Cảnh tượng hoang tàn vẫn còn đó, nhưng nụ cười và nỗ lực của người dân nơi đây đã xóa dần nhiều đau thương, mất mát.

Cùng tham gia chương trình Kizuna JOCA 2012 do Bộ Ngoại giao Nhật tổ chức trong ba tháng cuối năm 2012, chúng tôi có dịp làm tình nguyện viên tại Miyagi, Iwate và Fukushima, ba tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thảm họa.


Hoạt động tình nguyện thu dọn các tàn tích của sóng thần tại khu vực ven biển - Ảnh: Đoàn Bảo Châu


Để đến được những vùng bị ảnh hưởng nặng nề của sóng thần, chúng tôi chỉ có thể di chuyển bằng xe buýt do hệ thống tàu điện vẫn chưa được phục hồi. Nhưng nhờ đó, mọi người đã quan sát được sức hủy hoại khủng khiếp của sóng thần năm ấy.

Thành phố nào cũng vắng vẻ, hầu hết nhà ở đều bỏ hoang do hư hại nặng nề. Sát biển, những chợ cá từng nhộn nhịp nhất ở vùng Tohoku giờ chỉ còn là những nền nhà lởm chởm đất đá, phất phơ trong gió là những tấm bùa Thần Đạo cầu siêu cho hàng trăm người đã chết và mất tích. Khi xe đi ngang những bãi tập trung xe hơi bị nạn, ai cũng nhìn thấy hàng ngàn chiếc xe hơi bẹp dúm chất chồng lên nhau.

Đã có bao nhiêu người chết vì mắc kẹt trong xe hơi vào thời điểm kinh hoàng đó? “Ít nhất 1.000 người trên đường tìm cách lái xe, chạy đua với sóng thần lên vùng cao hơn” - ông Takashi Sakata, hiệu trưởng Trường ĐH Ishinomaki Senshu trong vùng tâm chấn, cho biết.

“Cô rất giống con gái tôi”

Đó là trên đường đi, còn tại mỗi thành phố đều có ít nhất một “di tích” tưởng niệm ngày 11-3. Tại Kesennuma (tỉnh Miyagi), đó là con tàu đánh cá ngừ 130 tấn bị sóng kéo vào bờ sâu đến 500m mà khi đứng trước nó, xung quanh vẫn còn rất nhiều bát hương nghi ngút khói cùng tiếng quạ kêu cô quạnh, chúng tôi không ai có thể giơ nổi máy ảnh lên chụp lại. “Tôi không thể tưởng tượng được bằng cách nào mà con tàu này có thể leo lên bờ được. Trên đường đi, chắc chắn nó đã tàn phá, giết chết rất nhiều người, nhà cửa và xe cộ” - Olivia, một du khách người Úc, thảng thốt.

Cảm giác bần thần đó bám theo chúng tôi đến trung tâm di tản tại thành phố Kamaishi (tỉnh Iwate), nơi chỉ có sáu người sống sót trong số hơn 200 người đã chạy vào đó sau khi dòng nước nhấn chìm trung tâm. Khi chúng tôi bước vào tòa nhà, trên bàn tưởng niệm có một tấm bảng con do một phụ nữ nào đó để lại với dòng chữ: “Mẹ vẫn đợi con về”...

Những nỗi đau tột cùng đó không ngăn được nỗ lực của người Nhật trong quá trình phục hồi. Tại vùng Arahama (tỉnh Miyagi), không chờ đến sự hỗ trợ của chính phủ, một nhóm năm nông dân (tuổi đã trên 60) cho ra đời dự án Tohoku Cotton Project, chuyển từ trồng lúa sang trồng bông vải, loại cây duy nhất có thể phát triển trên đất bị nhiễm mặn do nước biển xâm thực.

Không máy móc, nông cụ (đã bị cuốn trôi trong sóng thần), cũng chưa bao giờ cầm trên tay hạt bông vải trước đây, chỉ với tinh thần “Hãy cứ làm hoa nở đi, dù là to hay nhỏ”, họ cứ thử, thất bại, lại thử tiếp. Liên tiếp như vậy trong suốt năm 2011, đến nay vùng trồng bông vải đã phủ rộng trên 35ha, hầu hết khu vực ven biển. Sản phẩm bông vải nhận được sự quan tâm, mua bán của rất nhiều thương hiệu lớn tại Nhật cũng như Ý, Pháp...

Gặp nhau trong một căn chòi nằm lẻ loi giữa cánh đồng bông, những người nông dân ở đây vui vẻ trò chuyện cùng chúng tôi. Ông Yoshinori Asakasa, một trong những người sáng lập dự án, nói: “Ban đầu, hiệu quả kinh tế không phải là ưu tiên hàng đầu với chúng tôi, quan trọng nhất là tạo ra công việc cho mọi người cùng làm. Thật khủng khiếp nếu buổi sáng thức dậy, xung quanh bạn không nhà, không gia đình và không có cả một công việc để cố gắng”.

Tuy nhiên, khu vực Arahama ít ra còn có đàn ông để làm việc. Trong hành trình tìm hiểu, học tập ở Kesennuma, Ishinomaki, Iwanuma..., rất nhiều lần chúng tôi bước vào những khu nhà tạm chỉ toàn phụ nữ lớn tuổi và trẻ em. Hầu hết đàn ông ở đây đã qua đời khi cố gắng che chở và đưa toàn bộ gia đình của mình đi trước. Những phụ nữ ở đây luôn nở nụ cười tươi, cất tiếng chào râm ran khi có khách đến và rất nhiệt tình tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa.

Tại khu nhà tạm của thành phố Iwanuma, chúng tôi được những người phụ nữ này giúp mặc thử áo yukata (một loại kimono mùa hè). Người mặc áo giúp tôi là một cụ bà lưng còng sát đất, chừng 70 tuổi. Khi đang thắt chiếc nơ lưng cho tôi, mắt của bà chợt đỏ hoe: “Cô rất giống con gái tôi, khi mặc áo cho cô tôi nhớ nó quá”.

Chồng, con gái và con rể của bà đều đã mất trong thảm họa, để lại bà với chấn thương cột sống khi chạy di tản và một cô cháu gái 7 tuổi. Tuy nhiên, bà vẫn sống và sống rất lạc quan. Bà cùng hát, cùng múa và tỉ mỉ hướng dẫn chúng tôi nấu những món ăn truyền thống. Khi tiễn đoàn về, bà cúi mình, nắm lấy tay từng người, rưng rưng nước mắt: “Cảm ơn vì đã đến đây. Các bạn khiến chúng tôi cảm thấy được yêu thương và ấm áp hơn rất nhiều”.


Quà lưu niệm tại các vùng bị thảm họa được bày bán ở các khu chợ tạm - Ảnh: Đoàn Bảo Châu

Nhân đạo hay kinh tế?

Chính vì sự kiên cường đó của người dân, hàng ngàn tình nguyện viên đã đến và quay lại nơi này rất nhiều lần, thậm chí ở lại hẳn như Satomi Yo, sinh viên ngành xã hội học tại ĐH Ritsumeikan (tỉnh Kyoto). Ngay sau khi sóng thần ập đến, anh đã có mặt ở Kesennuma để hỗ trợ tình nguyện. Đến nay, Satomi vẫn còn ở Kesennuma, hoạt động trong một tổ chức phi chính phủ. Mỗi ngày anh đến khu vực làng chài phụ giúp dọn dẹp, sửa tàu cho ngư dân ra khơi, nấu ăn cho những cụ già và trẻ em mồ côi.

“Chẳng có trường học nào dạy về xã hội học có thể thực tế và thấm thía hơn ở đây. Khi nào tất cả phục hồi, tôi sẽ trở về” - Satomi cho biết. 

Tại Nhật, du lịch sau thảm họa (disaster tourism) rất phát triển. Sau thảm họa sóng thần tại đảo Okushiri năm 1993 khiến 202 người chết, chính quyền đảo đã xây dựng một trung tâm triển lãm về sóng thần và tổ chức tour tìm hiểu, học tập về chống sóng thần cho đông đảo học sinh và du khách, mang lại hiệu quả rất tích cực. Điều này cũng tương tự với việc phát triển du lịch tại Hiroshima (nơi hứng chịu bom nguyên tử năm 1945) và Kobe (động đất năm 1995) với rất nhiều di tích được bảo tồn.

Chính quyền địa phương cũng rất linh động tổ chức các tour tham quan vùng thảm họa kết hợp làm tình nguyện nhằm góp phần phục hồi kinh tế vùng. Tại tỉnh Miyagi, hai trung tâm tình nguyện chính là Shichigahama và Arabama luôn đông đúc. Lúc 8g sáng ngày thứ bảy cuối năm 2012, khi chúng tôi đến Shichigahama, bãi giữ xe đã ken chật xe, bên trong trung tâm hàng trăm tình nguyện viên đủ quốc tịch đứng chen chúc. 

Tình trạng quá tải căng thẳng đến mức chúng tôi phải mất một lúc lâu để thống nhất ghép với một đoàn học sinh đến từ tỉnh Osaka và một đoàn tình nguyện viên đến từ Mỹ. Công việc chính của chúng tôi là nhặt vỏ sò, mảnh kim loại, thủy tinh, những tàn tích do sóng thần để lại ở vùng ven biển, nhằm đảm bảo độ sạch của đất để xây nhà, trồng trọt trở lại sau này.

Sau 15 phút làm việc, tay chân tê cóng vì gió đông, Herry Carter (nghiên cứu sinh Trường ĐH California, Mỹ tại Tokyo) vừa hơ tay trên đống lửa tạm vừa nói: “Tôi đã tới đây bốn lần trong năm, nhưng phải đến mùa đông tôi mới thấm thía được phần nào sự lạnh lẽo khủng khiếp mà hàng ngàn người mất nhà cửa đã phải chịu đựng trong thời điểm tuyết rơi dày đặc!”.

Với những nỗ lực nói trên của ngành du lịch, tính đến tháng 3-2012 đã có khoảng 679.000 khách quốc tế đến Nhật, tăng 192,4% so với cùng kỳ năm 2011 (350.000 du khách), theo khảo sát của Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật. Tuy nhiên, hình thức du lịch này cũng dấy lên một làn sóng tranh cãi: liệu có quá tàn nhẫn khi liên tục làm thức dậy và đau đớn hơn vết thương lòng của người dân sống tại vùng thảm họa? Chẳng hạn, với con tàu 130 tấn tại Kesennuma, chính quyền đã tranh cãi suốt hơn một năm qua về việc nên di dời nó để tránh ám ảnh người dân hay giữ lại nhằm phát triển du lịch.

Giáo sư Yasushi Maruoka, chuyên ngành du lịch tại Trường ĐH Ishinomaki Senshu, nhận xét: “Bản thân tôi cũng là người bị mất hết nhà cửa trong thảm họa nên tôi hiểu rõ cảm giác mất mát đó. Tuy nhiên, tôi nghĩ việc phát triển du lịch, giúp cho người Nhật ở vùng khác và cả người nước ngoài hiểu đúng, hiểu sâu những gì đã xảy ra và quá trình phục hồi từ những vùng đất chết là cần thiết. Nó thể hiện rất mạnh mẽ tinh thần, ý chí Nhật và phù hợp với các chiến lược phát triển kinh tế”.

Những khu chợ tạm được chính quyền dựng lên cho người dân kinh doanh sản phẩm du lịch do chính tay họ làm ra. Được ưa thích nhất là những chiếc huy hiệu có biểu tượng của vùng, kèm theo dòng chữ “Ganbaree” (Cố gắng lên), hay những chiếc áo thun có dòng chữ “Kizuna” (Kết nối - chữ đã được chọn là chữ Kanji của năm 2011, dùng để thể hiện tinh thần đoàn kết của dân tộc Nhật Bản sau thảm họa ngày 11-3)... Mỗi địa phương đều có sản phẩm khác biệt nhưng giá cả tương đương. Sau khi mua hàng, khách còn được nhận một bức thư cảm ơn rất chân thành của người dân vì đã ghé thăm và mua ủng hộ sản phẩm của vùng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận