Xoay trục trong giáo dục

GIÁP VĂN DƯƠNG 06/11/2023 10:16 GMT+7

TTCT - Cần một sự điều hướng, chứ không đơn thuần là cải cách, mới có thể giúp giáo dục thoát khỏi những lúng túng và bế tắc hiện thời.

XOAY TRỤC TRONG GIÁO DỤC - Ảnh 1.

Giáo dục là chủ đề lớn nhất và có lẽ cũng nóng bỏng nhất trong các thảo luận xã hội và chính sách ở Việt Nam trong khoảng 20 năm qua. Nhiều cuộc cải cách giáo dục cũng được tiến hành.

Nếu chỉ xét về chương trình và sách giáo khoa (SGK), trong 20 năm qua, chúng ta đã đổi hai chương trình giáo dục, kèm theo hai đợt đổi SGK lớn. Đợt đầu gắn với Chương trình giáo dục 2000, với một bộ SGK thống nhất trên toàn quốc. Đợt sau là Chương trình giáo dục 2018, với một chương trình nhiều bộ SGK. 

Và khi việc biên soạn SGK theo chương trình 2018 còn chưa xong, thì chủ trương "một chương trình, nhiều bộ SGK" lại có nguy cơ phá sản, trở về với "một chương trình, một bộ SGK" như trước. Điều đó cho thấy giáo dục của chúng ta đang có những lúng túng và bế tắc.

Là một người làm giáo dục ở nhiều cung bậc và vai trò khác nhau, tôi cho rằng thực tiễn ấy đòi hỏi một sự điều hướng, chứ không đơn thuần là cải cách, mới có thể giúp giáo dục thoát khỏi những lúng túng và bế tắc hiện thời.

Một sự điều hướng như thế, xin được tạm gọi là "Xoay trục trong giáo dục" để đồng điệu với những diễn biến trong nhịp thời sự hiện giờ.

Một sự xoay trục như thế sẽ bao gồm ít nhất ba nội dung điều hướng như sau:

Ngắn hạn sang dài hạn

Các chương trình giáo dục hiện giờ, đặc biệt là mục tiêu thực của giáo dục và kiểm tra đánh giá thi cử để chứng minh cho việc đạt mục tiêu đó, đều vẫn rất ngắn hạn và nặng về đối phó.

Tuy chương trình 2018 với trọng tâm phát là phát triển năng lực đã tốt hơn so với chương trình 2000 rất nhiều, nhưng tư duy ngắn hạn vẫn bàng bạc ở trong toàn bộ chương trình. Điều này thể hiện rõ nét nhất trong sự thiếu hụt các nội dung giáo dục mà mỗi người sẽ phải cần và sử dụng cả đời người, như phần giáo dục kỹ năng sống, hay giáo dục hiểu biết chung về cách thức vận hành của xã hội.

Phần kiểm tra và đánh giá, thi cử đang lạm dụng hình thức thi trắc nghiệm nhân danh sự khách quan và hiệu quả. Thi trắc nghiệm chỉ có thể kiểm tra các mẩu kiến thức cục bộ và trí nhớ ngắn hạn. Điều này dẫn đến việc dạy và học cũng được triển khai theo cách đó, vì truyền thống thi sao thì học vậy: đối phó, ghi nhớ, cục bộ, ngắn hạn, chỉ cần chọn đúng mà không cần phải hiểu. Và sự lạm dụng thi trắc nghiệm này còn khuyến khích việc học các mẹo mực để thi, miễn sao chọn đúng mà không cần phải hiểu, như các khóa luyện thi đang quảng cáo hiện giờ.

Do đó, sự điều hướng đầu tiên trong giáo dục là điều hướng từ mục tiêu và tiếp cận ngắn hạn sang dài hạn. Vậy thế nào là ngắn hạn và dài hạn?

Theo tôi, trong giáo dục, những gì có giá trị dưới năm năm là ngắn hạn. Còn những gì có giá trị cho cả đời người là dài hạn.

Nếu ta nhìn vào thực tiễn giáo dục hiện giờ sẽ thấy phần lớn các hoạt động giáo dục đều được triển khai trong các tầm nhìn ngắn hạn. Giáo viên và nhà trường thường nhìn giáo dục như các nhiệm vụ năm học, với tầm nhìn cho từng năm học, mục đích là đạt thành tích của chính năm học đó. Với đa số phụ huynh, tầm nhìn cùng lắm cũng không quá năm năm, con vào tiểu học thì mục tiêu là thi đỗ vào trung học cơ sở, sau đó là thi đỗ lớp 10 công lập…

Với nhà quản lý, tầm nhìn cũng ngắn hạn tương tự: hoặc chỉ nhìn thấy các nhiệm vụ năm học theo lịch chung, hoặc không quá năm năm theo tư duy nhiệm kỳ. Chưa kể các chính sách giáo dục nhiều khi vẫn ở dạng ăn đong.

Giáo dục là câu chuyện của đời người, không phải của các toan tính ngày một ngày hai. Nếu giáo dục được triển khai trong các tính toán ngắn hạn thì tất yếu sẽ gây đổ vỡ cho các mục tiêu dài hạn.

Điều hướng sự chú ý giáo dục từ ngoài vào trong

Hiện nay, các chính sách, chương trình và hoạt động giáo dục đang quá tập trung vào tìm hiểu thế giới bên ngoài mà hầu như bỏ qua sự phát triển thế giới bên trong của học sinh. Hệ quả là nội dung học ngày càng nhiều, thời gian học ngày càng dài, khẩu hiệu trường học hạnh phúc ngày càng khẩn thiết… nhưng chưa bao giờ học sinh lại gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần nhiều như bây giờ.

Vì sao vậy? Vì hành trình và kết quả của giáo dục không nằm ở bên ngoài chúng ta. Khẩu hiệu trường học hạnh phúc đang được treo ở khắp mọi nơi vì đó là chỉ đạo của ngành và nhiệm vụ của nhà trường. Nhưng không ai có thể hạnh phúc theo chỉ đạo và nhiệm vụ. Ngay cả những người kêu gọi thực hiện khẩu hiệu hạnh phúc cũng không hạnh phúc. 

Vì sao? Vì hạnh phúc nằm ở bên trong chúng ta chứ không nằm ở các khẩu hiệu treo trước cổng trường. Tương tự, sự trưởng thành cũng nằm ở bên trong chúng ta chứ không nằm trong các bộ SGK, chuẩn đầu ra, bài thi trắc nghiệm, báo cáo, quy chế quy trình…

Sự mờ nhạt trong dạy kỹ năng sống cho học sinh trong nhà trường cũng có nguyên nhân quan trọng là do đặt trọng tâm giáo dục vào các yếu tố bên ngoài. Khi đó, học kỹ năng sống sẽ trở thành học thông tin về kỹ năng sống, nên không thực sự có được kỹ năng sống. 

XOAY TRỤC TRONG GIÁO DỤC - Ảnh 2.

Kỹ năng sống hình thành không phải do nắm được các thông tin về kỹ năng sống ở bên ngoài ta, mà thông qua sự lặp có ý thức của hành vi. Nguồn gốc của sự lặp lại có ý thức đó là ý muốn và ý chí. Giáo dục đã quá chú trọng vào các nội dung ở bên ngoài như thông tin, kiến thức… mà bỏ qua những nội dung ở bên trong như ý muốn, ý chí của người học.

Một cách ngắn gọn, trưởng thành và hạnh phúc là hai mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục. Chúng đều nằm bên trong chúng ta, đạt được thông qua sự đào luyện tâm trí và khám phá thế giới nội tâm của ta. 

Nhưng các chương trình giáo dục hiện thời, kể cả các chương trình đào tạo giáo viên của các trường sư phạm, đều bỏ qua hoặc dành thời lượng quá sơ sài cho giáo dục các nội dung quan trọng này.

Hệ quả là cả hệ thống giáo dục, thầy, trò và gia đình luôn phải chạy theo những gì mới xuất hiện ở bên ngoài, đặc biệt là những trào lưu thị trường và mạng xã hội. Khi thì là hoạt động trải nghiệm, lúc lại là chiêu trò trắc nghiệm rồi luyện thi, chứng chỉ IELTS, học song ngữ, học lập trình, làm chủ AI… Thậm chí cả kích não, sinh trắc vân tay… cũng được coi như giải pháp.

Vì thế, chúng ta cần dừng chạy theo các chương trình giáo dục quá lệch về những khám phá thuộc thế giới bên ngoài, những bộ chuẩn đầu ra, các trào lưu thị trường, các trận cuồng phong mạng xã hội, "tâm lý đám đông"… để dịch chuyển trọng tâm giáo dục vào sự giàu có và trưởng thành của thế giới bên trong người dạy và người học.

Chuyển từ hạn định sang vô hạn định

Trong cuốn sách Trò chơi hạn định và vô hạn định, James P. Carse đưa ra góc nhìn về cuộc sống như là tập hợp của các trò chơi. Ông chia các trò chơi thành ít nhất hai loại: hạn định và vô hạn định.

Các trò chơi được xếp vào loại hạn định khi không gian, thời gian, luật chơi, người chơi được xác định trước và cố định. Mục đích của trò chơi hạn định là chiến thắng. Ví dụ điển hình của trò chơi hạn định là các môn thể thao cờ vua, bóng đá… hay các chương trình giải trí trên TV như Trường Teen, Đường lên đỉnh Olympia. Thậm chí cả các chiến tranh quy ước, như Thế chiến II (với các thỏa thuận như không tấn công vào Paris và Heidelberg, Thụy Sĩ ở vị trí trung lập…) cũng là một trò chơi hạn định.

Ngược lại, với trò chơi vô hạn định, không gian và thời gian chơi không bị giới hạn, người chơi chỉ biết trước một phần và luật chơi thì có thể thay đổi. Mục đích của trò chơi vô hạn định là giữ cho trò chơi được tiếp tục. Ví dụ điển hình của trò chơi vô hạn định là chạy bộ cùng bạn để nâng cao sức khỏe, học tập để trưởng thành, cạnh tranh trong thị trường để phát triển tốt hơn mỗi ngày...

Trong trò chơi vô hạn định, không có kẻ thắng người thua. Một người chơi bị gọi là thua khi người đó rớt khỏi cuộc chơi, do cạn kiệt ý chí hoặc nguồn lực để tham gia chơi tiếp, chứ không phải người đó bị thua vì đối thủ thắng.

Như thế, trò chơi hạn định và vô hạn định đối lập nhau về mọi thứ, trừ một điểm chung duy nhất: người chơi phải tự nguyện chơi, chứ không được bắt buộc phải chơi. Vì không ai có thể chơi nếu như họ bị bắt buộc phải chơi. Việc hiểu rõ bản chất của cuộc chơi là điều kiện đầu tiên để có thể chơi hiệu quả và đạt mục tiêu mong muốn.

Ảnh: squarespace.com

Ảnh: squarespace.com

Minh họa điển hình cho sự khác nhau đó trong thực tế là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của Việt Nam. Pháp và Mỹ đã tham chiến theo cách của trò chơi hạn định. Việt Nam đã tham gia cuộc chiến theo cách của trò chơi vô hạn định. Mục đích của Pháp và người Mỹ là chiến thắng. Chiến thắng càng nhanh với cái giá càng rẻ thì càng tốt. Mục đích của Việt Nam là không cho đối thủ thắng, đến một lúc nào đó đối thủ cạn kiệt ý chí và nguồn lực thì phải bỏ cuộc.

Vì thế, "trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi" trong kháng chiến chống Pháp, hay "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song người Việt Nam quyết không sợ" không phải là một khẩu hiệu, một lời kêu gọi nhất thời, mà là cả một chiến lược xuyên suốt.

Do tiếp cận cuộc chiến này theo hai cách khác nhau, nên các quyết định chiến lược và chiến thuật của cả hai bên cũng khác nhau, dẫn đến kết cục như ta đã thấy.

Như vậy, chiến thắng của Việt Nam trước người Pháp và người Mỹ trong hai cuộc chiến vừa qua trước hết đến từ việc xác định đúng bản chất của "trò chơi chiến tranh", từ đó đưa ra được chiến lược và chiến thuật đúng.

Nếu mở rộng khái niệm trò chơi hạn định và vô hạn định ra, ta sẽ thấy giáo dục là một trò chơi vô hạn định và cuộc sống cũng như vậy!

Nhưng các nhà quản lý giáo dục, kéo theo là nhà trường, giáo viên, học sinh và gia đình, đã tiếp cận giáo dục như một trò chơi hạn định. Ở đó có các quy định cứng nhắc, bảng thành tích, bảng xếp hạng, thắng và thua… trở thành các đặc trưng của giáo dục. Điều này trái với bản chất của giáo dục, xét trong góc nhìn đang thảo luận, là một trò chơi vô hạn định.

Do di sản của lịch sử, Việt Nam có truyền thống coi mỗi lĩnh vực kinh tế - xã hội là một mặt trận và mỗi vị bộ trưởng là một "tư lệnh ngành". Nhưng nếu tư lệnh không nhìn ra được bản chất của "cuộc chiến", tức xác định xem đó là trò chơi hạn định hay vô hạn định, thì chắc chắn sẽ luôn mắc sai lầm về chiến lược và chiến thuật trên mặt trận mà mình phụ trách.

Đó cũng là lý do vì sao khẩu hiệu học tập suốt đời, tuy được kêu gọi đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa thành công, vì học tập suốt đời chỉ thành công khi mỗi người nhìn nhận nó như một trò chơi vô hạn định. Do đó, sự điều hướng từ hạn định sang vô hạn định là quan trọng nhất.

Theo thiển ý, một sự xoay trục như thế, dẫn dắt bởi một triết lý giáo dục đúng đắn, là điều kiện tiên quyết để có một nền giáo dục tốt. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận